Con học online một tuần đã nhức mắt, bác sĩ chỉ vài chiêu giúp bố mẹ giải tỏa nỗi lo

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 21/09/2021 14:30 PM (GMT+7)

Khi học tập online liên tục, mắt trẻ có thể gặp phải không ít vấn đề. Tuy nhiên để khắc phục tình trạng này, phụ huynh có thể áp dụng ngay hướng dẫn từ chuyên gia.

Phụ huynh lo lắng con gặp vấn đề về mắt khi học online

Năm học mới đã bắt đầu được 2 tuần nhưng do tình hình dịch bệnh, nhiều địa phương quyết định cho học sinh học online để đảm bảo công tác chống dịch. Dù mới bắt đầu học online nhưng theo chia sẻ của nhiều bậc phụ huynh, con em họ gặp khá nhiều vấn đề, đặc biệt là về mắt khi phải tiếp cận với thiết bị điện tử thường xuyên.

Gia đình chị Vũ Hương, ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) có con vừa vào lớp 1. Do không có điều kiện mua máy tính, chị Hương phải cho con sử dụng ipad để học online. 

Do chưa quen nhìn gần thiết bị điện tử, ngay 2 buổi học đầu, con chị đã phải xin phép cô giáo nghỉ giữa buổi vì mỏi mắt, nhức mắt. Chị Hương cho biết lúc đầu chị tưởng con “làm trò” vì không muốn học nhưng qua kiểm tra thấy con tiết nước mắt nhiều và liên tục dụi mắt. Thậm chí, sau mỗi một buổi học, con kêu bị đau đầu nhưng sau giấc ngủ dậy tình trạng này lại hết.

“Tôi rất lo lắng nhưng chưa dám đưa con đi khám vì nhiều nơi ở Hà Nội đang giãn cách, sợ đến bệnh viện dịch bệnh nguy hiểm nên đành chờ hết giãn cách mới đưa con đến viện khám mắt”, chị Hương nói.

Việc trẻ học online nên phải dành quá nhiều thời gian tiếp xúc với ipad khiến thị lực bị ảnh hưởng. (Ảnh minh họa)

Việc trẻ học online nên phải dành quá nhiều thời gian tiếp xúc với ipad khiến thị lực bị ảnh hưởng. (Ảnh minh họa)

Chị Nguyễn Thị Bình ở Hà Đông có con trai vừa lên lớp 8, cháu phải học online cả ngày nên chị vô cùng lo lắng. “Tôi theo dõi từ hôm con học online, tình trạng nháy mắt, dụi mắt của con tăng lên rất nhiều. Vì vậy, tôi phải mua thuốc bổ mắt, nhỏ mắt về cho con dùng và hạn chế xem các thiết bị điện tử khác sau giờ học”, chị Bình cho hay.

Sau mỗi đợt giãn cách số trre đi khám vì gặp vấn đề thị lực gia tăng hơn bình thường.

Sau mỗi đợt giãn cách số trre đi khám vì gặp vấn đề thị lực gia tăng hơn bình thường.

TS.BS. Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, tại Hà Nội tình hình dịch bệnh nên nhiều bố mẹ còn e ngại, tỷ lệ đưa trẻ đến khám các vấn đề nhãn khoa chưa nhiều. Tuy nhiên, bác sĩ nhận định thời gian tới, số trẻ đến khám chắc chắn sẽ gia tăng.

Ths.BS Mai Thị Anh Thư - Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) thông tin thêm, từ các đợt giãn cách trước cho thấy, tỷ lệ trẻ đến khám do gặp phải các vấn đề như cận thị, khô mắt… sau mỗi đợt giãn cách luôn tăng cao hơn so với bình thường.

Nguyên nhân là do trong những đợt giãn cách, trẻ ở trong không gian hẹp lâu ngày, ít vận động, tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử, từ đó ảnh hưởng đến thị lực. Đáng nói, khi trẻ có vấn đề thị lực nếu không được phát hiện và can thiệp, thay đổi thói quen sớm sẽ để lại nhiều hệ lụy lâu dài.

Các vấn đề hay gặp nhất khi tiếp xúc quá nhiều với màn hình điện tử

TS Hoàng Cương cho biết việc mắt tiếp xúc quá nhiều, quá gần với màn hình điện tử trong thời gian dài, cường độ cao, nhất là khi phải học online sẽ khiến mắt trẻ gặp các vấn đề về thị lực.

TS Hoàng Cương cho biết cận thị, khô mắt, mỏi mắt là vấn đề thường gặp khi tiếp xúc với màn hình điện tử nhiều.

TS Hoàng Cương cho biết cận thị, khô mắt, mỏi mắt là vấn đề thường gặp khi tiếp xúc với màn hình điện tử nhiều.

Cận thị là vấn đề đầu tiên mà cả người lớn, trẻ nhỏ gặp phải khi tiếp xúc với màn hình điện tử nhiều. Theo TS Hoàng Cương, dù Việt Nam chưa có nghiên cứu chính thức về vấn đề này nhưng các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh điều đó. 

Một nghiên cứu lớn tại Mỹ cho những người dùng các loại màn hình trên 7 giờ một ngày, sau 2 năm có tới 80% sẽ bị cận thị. “Ngưỡng dùng máy tính và các loại màn hình khác dưới 5 giờ một ngày được coi là an toàn”, TS.BS Hoàng Cương cho hay.

Vấn đề thứ hai đó là khô mắt, với các khó chịu thường gặp như chói, cộm, giàn giụa nước mắt, nhìn mờ, không tiếp tục công việc được hoặc giảm tập trung khi làm việc máy tính. 

TS Cương cho biết ngay cả các loại màn hình LCD hiện đại vẫn không cản được hoàn toàn ánh sáng xanh, cộng với yếu tố môi trường… là các nguyên nhân làm khô mắt nhiều hơn, nặng hơn ở những người phải tiếp xúc với màn hình điện tử lâu.

Mỏi mắt, đau đầu, rối loạn điều tiết cũng là tình trạng thường gặp khi trẻ học hoặc tiếp xúc với thiết bị điện tử nhiều. Theo đó, khi trẻ kêu mỏi mắt, cảm giác giật mắt, đau nhức trong hốc mắt, nhìn xa mờ hoặc nhìn gần mờ thoáng qua… thì cần phải điều chỉnh ngay để tránh gây hệ lụy cho mắt. “Khi có các dấu hiệu trên thì đó là tín hiệu mắt cần được nghỉ ngơi”, TS Cương cho hay.

Giữ khoảng cách đúng chuẩn theo hướng dẫn là cách bảo vệ mắt hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Giữ khoảng cách đúng chuẩn theo hướng dẫn là cách bảo vệ mắt hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Làm sao để hạn chế tác hại của thiết bị điện tử với mắt?

Để bảo vệ đôi mắt của trẻ nhỏ trước việc học online, TS Hoàng Cương cho biết, quá trình học cần phải thực hiện giãn cách trước màn hình và nghỉ ngơi xen kẽ.

“Với người lớn làm việc online, sau 2 giờ làm việc với máy tính nên nghỉ 15 phút. Với trẻ nhỏ, sau một giờ học nên nghỉ 5 phút. Trường hợp không thể ra ngoài không gian rộng hoặc không thể thả tầm mắt nhìn xa thì nên hướng dẫn trẻ nhắm mắt lim dim, massage quanh mắt, chườm ấm nếu mắt mệt mỏi. 

Mọi người nên thực hiện quy tắc 20-20-20, có nghĩa là cứ 20 phút lại cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhìn ra xa 20 feets (khoảng 6m), trong vòng 20 giây”, TS Cương hướng dẫn.

Ngoài giải pháp trên thì điều chỉnh màn hình theo mức sáng vừa đủ, chỉnh cỡ chữ và ký tự to hơn… nhưng không nên tạo hiệu ứng glare (lóa, sáng quắc). 

Vấn đề ánh sáng khi học tập, làm việc là rất quan trọng. (Ảnh minh họa)

Vấn đề ánh sáng khi học tập, làm việc là rất quan trọng. (Ảnh minh họa)

“Khi ngồi học nên chiếu sáng từ phía trên và phía sau màn hình điện tử. Nên dùng bóng đèn công suất bé, compact và đèn vàng là thích hợp nhất, không nên dùng đèn neon. Không nên để máy tính ở gần cửa sổ hay nguồn sáng mạnh, gây giao thoa ánh sáng”, TS Cương khuyên.

Việc học bằng điện thoại gây khó khăn cho trẻ do màn hình bé, chỉ phù hợp với việc nghe giảng và học ngoại ngữ. Nên dùng laptop và máy tính bàn là thích hợp nhất. 

Khoảng cách từ mắt đến màn hình bằng khoảng 1.5 lần đường chéo, cụ thể với máy tính bàn khoảng 60-80 cm, với laptop - ipad 30-40 cm. Màn hình nên để cao hoặc thấp hơn mắt một chút, tạo với trục nhìn góc 15-20 độ.

Bố mẹ cũng nên quan tâm chọn bàn, ghế phù hợp với tầm vóc của trẻ. Ngoài các vấn đề trên, dinh dưỡng cũng rất quan trọng, nên cho trẻ ăn nhiều rau, củ, quả màu đỏ hoặc vàng. Các loại hải sản, các loại cá và nhuyễn thể cũng rất tốt cho mắt và não.

Có nên dùng thuốc hoặc kính chuyên dụng

TS Hoàng Cương cho biết, mọi người có thể dùng một loại thuốc bổ mắt hay thực phẩm chức năng chứa vitamin A-E-C theo chỉ dẫn của bác sĩ.

“Khi làm việc, học tập với máy tính, tần suất chớp mắt sẽ giảm xuống còn 5-7 lần thay vì 15 lần như bình thường, dẫn đến tăng nguy cơ khô mắt. Vì vậy, có thể dùng thêm nước mắt nhân tạo, thuốc bôi trơn và làm ẩm ướt bề mặt nhãn cầu, thuốc chống mỏi mắt”, BS Cương phân tích. 

Với các dạng thuốc không cần kê đơn như đã nói trên sẽ làm giảm bớt cơn mỏi mắt, chảy nước mắt, đau rát mắt có thể phát sinh khi làm việc với máy tính và các thiết bị điện tử. 

Việc dùng kính chuyên dụng cho máy tính có thể giúp thoải mái hơn khi dùng máy tính nhiều giờ trong ngày. Những người đang đeo kính thuốc (lão thị, cận-viễn- loạn thị) có thể sắm riêng một đôi kính chỉ dùng cho mắt nhìn thật tốt ở cự ly trung bình 20-26 inches (50-65 cm) tương ứng với khoảng cách từ mắt đến màn hình. Kính đa tròng cũng có tác dụng tương tự nếu người đeo dung nạp tốt.

Đối với những người đang đeo kính tiếp xúc (kính áp tròng) sẽ rất dễ bị lạm dụng kính khi làm việc với máy tính do mải mê, bỏ qua quy trình sử dụng và vệ sinh kính. Vì vậy, nên thay đổi dùng kính gọng và kính tiếp xúc xen kẽ, đừng đeo kính khi đi ngủ, tuân thủ qui định vệ sinh và làm sạch kính.

TS Cương cũng khuyến cáo, không nên xem phim 3D khi nghỉ giãn cách do COVID-19. Phim 3D gây mệt mỏi cho não và nhất là mắt do cưỡng bức mắt luôn lệch vào trong thái quá để tạo hiệu ứng 3D.

Nếu không có thứ này, trẻ dù uống bao nhiêu sữa cũng khó hấp thụ đầy đủ canxi
Cha mẹ muốn con cao lớn thường chú trọng tới việc cho con ăn gì để bổ sung canxi như sữa, trứng,... mà quên mất việc làm thế nào để tăng khả năng hấp thụ canxi cho trẻ.

Vitamin

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh mắt