Từ trường hợp bé 5 tuổi đột tử nghi do lạnh: Chuyên gia chỉ “vị trí vàng” cần giữ ấm

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 08/02/2022 09:10 AM (GMT+7)

Không chỉ mặc ấm cho trẻ mà việc giữ ấm các vị trí quan trọng, không cho trẻ tự ý chơi ngoài trời lạnh cũng là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh.

Mới đây, thông tin về việc một bé trai 5 tuổi ở Nghệ An tử vong nghi do bị lạnh khi chơi ngoài trời khiến không ít phụ huynh lo lắng. Theo đó, khi nhiệt độ bên ngoài chỉ khoảng 13-14 độ C, kèm mưa nhỏ và gió rét, bé trai này ra sân bóng chơi rồi bất ngờ ngất xỉu, ngã xuống sân. Mặc dù được người lớn phát hiện ngay và đưa đi cấp cứu nhưng bé trai đã tử vong, nguyên nhân nghi là do nhiễm lạnh.

Những ngày gần đây, thời tiết miền Bắc rét đậm, rét hại kèm theo mưa nhỏ nên nếu phụ huynh không chú ý chăm sóc kỹ lưỡng, trẻ sẽ rất dễ đổ bệnh, thậm chí phải nhập viện.

Bé trai 5 tuổi tử vong khi chơi ngoài trời mưa, có gió và nhiệt độ chỉ khoảng 14 độ C. Ảnh minh họa.

Bé trai 5 tuổi tử vong khi chơi ngoài trời mưa, có gió và nhiệt độ chỉ khoảng 14 độ C. Ảnh minh họa.

PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với điều kiện thời tiết rét đậm như hiện nay, việc giữ ấm cơ thể, hạn chế cho trẻ ra ngoài trời, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tuổi đặc biệt quan trọng. Ngay cả việc giữ ấm cho trẻ, các bậc phụ huynh cũng cần phải đặc biệt lưu ý, bởi đôi khi quá lo lắng, giữ ấm sai cách cũng khiến trẻ bị ảnh hưởng.

PGS Tiến Dũng cho biết sai lầm lớn nhất các phụ huynh hay gặp phải là mặc thật nhiều quần áo dày cho trẻ hoặc không chú ý để con chơi, chạy nhảy ngoài thời tiết lạnh.

Với trẻ nhỏ thân nhiệt khác so với người trưởng thành, do vậy việc bị nhiễm lạnh hay mặc quá nhiều gây nóng đều dễ sinh bệnh, nhất là với trẻ có sức đề kháng yếu. Theo đó, việc mặc nhiều quần áo sẽ khiến trẻ ra mồi hôi ở những bộ phận như lưng, ngực, đầu cổ… Nếu phụ huynh không biết, không kiểm tra, mồ hôi ướt sẽ ngấm ngược, khiến cơ thể bị nhiễm lạnh và dẫn tới các vấn đề như cảm lạnh, thậm chí viêm phổi.

Ngược lại, khi trời lạnh nếu không chú ý để trẻ chơi ngoài trời, khi chạy nhảy thấy nóng trẻ sẽ tự ý cởi bỏ áo rét, khi đó nhiệt độ thay đổi đột ngột, cơ thể không thích ứng kịp cũng dễ ảnh hưởng đến sức khỏe ngay lập tức.

Giữ ấm cho trẻ cần đặc biệt lưu ý tới những vị trí vàng trên cơ thể. Ảnh minh họa.

Giữ ấm cho trẻ cần đặc biệt lưu ý tới những vị trí vàng trên cơ thể. Ảnh minh họa.

Để giữ ấm cho trẻ, PGS Nguyễn Tiến Dũng khuyên các mẹ cần đặc biệt lưu ý đến những “vị trí vàng” trên cơ thể trẻ. Theo đó, ngoài các vùng như mũi, miệng, cổ thì các vị trí khác cần phải giữ ấm cho trẻ là bụng, tay, chân và lưng. Đây là các vị trí quan trọng cần được giữ ấm bởi nếu bố mẹ chỉ chăm chăm bịt khẩu trang hay quàng khăn kín cổ cho con mà để hở phần bụng, bàn chân hay bàn tay thì trẻ vẫn có nguy cơ bị nhiễm lạnh.

Ngoài ra, trong những ngày trời lạnh cần cho trẻ ở trong phòng kín, tắm nơi kín gió, không cho trẻ tự ý ra ngoài chơi. Với trẻ lớn đi học, cha mẹ không nên cho ngồi trước xe máy, cần đeo khẩu trang, khăn quàng cổ đầy đủ.

Để tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch cho trẻ, ngoài các hoạt động thể chất, bố mẹ cũng nên tăng cường bổ sung các loại thức ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng, thức ăn mềm và cho trẻ ăn nhiều các loại hoa quả. Đồng thời, cần cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc và bú đủ sữa chính là cách phòng bệnh tốt nhất đối với trẻ.

Thời điểm nhất định đừng đi tập thể dục khi trời lạnh âm u kẻo dễ nhiễm độc, đột quỵ
Tập thể dục tốt cho sức khỏe, tuy nhiên ở trong những thời điểm trời âm u, không khí bị ô nhiễm, nhiệt độ giảm sâu thì cần đặc biệt lưu ý chọn thời...

Sức khỏe mùa đông

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe mùa đông