Phần lớn bệnh nhân bị ung thư khoang miệng đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn do nhầm tưởng những dấu hiệu của căn bệnh này với nhiệt miệng thông thường.
Sau 1 tuần phẫu thuật, chiếc “lưỡi ghép” của bệnh nhân Đ.N.T (57 tuổi, ngụ ở Hà Nội) đã hồng hào và dần kết nối với phần lưỡi cũ. Đây là bệnh nhân ung thư lưỡi đầu tiên tại Bệnh viện (BV) Việt Nam - Cuba được tạo hình lưỡi thành công từ vạt da, cơ đùi.
Đừng vội tuyệt vọng
Người nhà bệnh nhân T. cho biết 1 tháng trước khi phẫu thuật, miệng bệnh nhân T. xuất hiện vết loét nhỏ như hạt đậu phộng, sau đó lan rộng hơn và gây đau đớn khi ăn. Bệnh nhân tưởng mình bị nhiệt miệng nên đi khám đông y và được kê thuốc uống. Tuy nhiên, chỉ uống được 5 thang thuốc thì vết loét lan ra cả lưỡi, mưng mủ, lưỡi cứng đờ, bệnh nhân đau đớn, khó ăn, khó nói. Khi đến BV, vết loét đã nổi thành cục lớn, sàn miệng bị thương tổn, nặng mùi.
Người nhà cho biết trước đó, bệnh nhân đã đến nhiều BV nhưng ở đó họ chỉ nhận phẫu thuật cắt lưỡi chứ không tạo hình lưỡi. Tại BV Việt Nam - Cuba, ca phẫu thuật cắt, vét tổn thương ung thư và tạo hình lưỡi cho bệnh nhân T. đã được thực hiện, kéo dài 9 giờ. Các bác sĩ mở xương hàm và vùng họng, cắt bỏ nửa lưỡi trái, tới tận gốc lưỡi, dài chừng 20 cm, cắt bỏ sàn miệng, nạo vét hạch cổ và hạch dưới hàm. Sau đó tạo hình lưỡi và sàn miệng bằng vạt da, cơ đùi của chính bệnh nhân.
Theo bác sĩ Hoàng Phong Mỹ, Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt BV Việt Nam - Cuba, phần lưỡi được ghép đang phục hồi khá tốt. Một thời gian nữa, bệnh nhân có thể ăn, nuốt, nói bình thường. Bác sĩ Mỹ cho biết trước đây, một số BV tạo hình lưỡi bằng cách dùng vạt da, cơ ở cánh tay nhưng sau đó phải lấy da bụng để đắp lên chỗ tay bị thương để xóa sẹo. Nay sử dụng cơ đùi khá thuận lợi cho việc tạo lưỡi, đồng thời có thể khâu vết thương ở đùi lại, không cần phải thêm một lần phẫu thuật.
Bệnh nhân ung thư lưỡi được điều trị tại Bệnh viện Việt Nam - Cuba
Bệnh dễ bị bỏ qua vì… nhầm
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt BV Việt Nam - Cuba, lưu ý dấu hiệu của ung thư khoang miệng nói chung, trong đó có ung thư lưỡi, có khi chỉ bắt đầu từ những vết loét nhỏ ở miệng mà nhiều người nhầm tưởng là nhiệt miệng. Trước đó, BV cũng tiếp nhận không ít bệnh nhân biểu hiện ban đầu chỉ là nhiệt miệng, nhiệt lưỡi, loét niêm mạc miệng. Không ít bệnh nhân chủ quan cho rằng mình chỉ bị nóng trong người nên uống thuốc nam, thuốc bắc cho mát, khi bệnh trở nặng thì đã muộn.
Nói về những sai lầm trong việc phát hiện sớm bệnh ung thư khoang miệng, bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa ngoại đầu cổ BV K trung ương, cho biết đây là 1 trong 10 bệnh ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam. Tuy là loại ung thư dễ dàng quan sát được nhưng phần lớn bệnh nhân đến khám ở giai đoạn tổn thương ung thư đã lan rộng. Bệnh dễ bị bỏ qua bởi những tổn thương khiến người bệnh lầm tưởng họ chỉ bị những viêm nhiễm vùng miệng đơn giản.
Theo bác sĩ Bảo, thông thường, khi người bệnh thấy trên lưỡi mình xuất hiện các mảng đốm trắng hay đỏ thì thường nghĩ là do nóng trong người sinh nhiệt miệng nên chữa bằng các cách thông thường. Lâu dần, các đốm trắng này xuất hiện càng nhiều gây trở ngại lớn cho việc sinh hoạt, ăn uống thì người bệnh mới đi chữa trị.
Bác sĩ Bảo lưu ý nếu điều trị ung thư lưỡi ở giai đoạn đầu, tỉ lệ sống khỏe sau 5 năm lên đến 85%; còn khi khối u đã xâm lấn, lan rộng thì tỉ lệ sống chỉ còn dưới 50%. “Đáng tiếc là hầu hết các ca ung thư lưỡi đều nhập viện muộn, khối u xâm lấn gần hết lưỡi và khoang miệng đến mức không nói, không ăn được. Lúc đó, phải cắt lưỡi, sàn miệng, nhiều trường hợp phải cắt cả xương hàm, răng, nạo vét họng… với rất nhiều tổn thương nhưng chưa chắc đã cứu được” - bác sĩ Bảo quan ngại.
Bệnh ung thư lưỡi xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề vệ sinh răng miệng không sạch sẽ khiến lưỡi bị nhiễm khuẩn dẫn đến viêm nhiễm. Ngoài ra, thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn trầu, ăn nhiều dưa muối, cà muối, cá muối… được xem là những yếu tố nguy cơ. Các tổn thương này tiến triển đến một mức độ nào đó sẽ trở thành ung thư. “Do đó, ngoài các biểu hiện nói trên, nếu cổ họng bị đau mỗi khi nuốt nước miếng hay thức ăn trong thời gian dài thì nên đi khám” - bác sĩ Thái lưu ý.
Khi phát hiện một vết loét trong miệng, cho dù có liên quan với chấn thương hay bệnh viêm loét miệng hay không, nếu sau 3-4 tuần không khỏi, nên đến bác sĩ chuyên khoa ung thư hoặc các bác sĩ tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt để khám xác định bệnh.