Một người phụ nữ cho biết khi đang thân mật với chồng, chị đột nhiên nhận thấy lưỡi chồng có một mảng cứng trăng trắng, đi khám mới phát hiện điều bất ngờ.
Bác sĩ tai mũi họng Ngô Chiêu Khoan, Bệnh viện Nam Đầu (Nam Đầu, Đài Loan) chia sẻ cách đây vài ngày, người đàn ông 50 tuổi được vợ đưa đến bệnh viện để khám miệng. Khi người đàn ông há miệng, bác sĩ thấy có một mảng trắng dính vào lưỡi như “kẹo bông”, không thể làm sạch. Theo bác sĩ tìm hiểu, tình trạng này ở bệnh nhân đã kéo dài vài tháng, mọi chuyện được phát hiện khi 2 vợ chồng thân mật trong đêm kỷ niệm ngày cưới.
Khi đang ân ái thì người vợ đột nhiên phát hiện mảng bám trắng ở lưỡi của chồng
Vì bệnh nhân không có tình trạng đau hay ngứa, bác sĩ lo lắng có vấn đề nên đề nghị ông làm sinh thiết. Người đàn ông này nhất định không đồng ý, cho tới khi bị vợ dọa “nếu anh không làm sinh thiết thì sẽ ly hôn”. Bác sĩ Ngô Chiêu Khoan cho biết kết quả của cuộc sinh thiết là khối u ác tính giai đoạn 2 và phải tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ phần bị ảnh hưởng.
Người vợ lo lắng hỏi nguyên nhân dẫn đến ung thư, bác sĩ trả lời rằng nếu có thói quen hút thuốc, uống rượu bia thường xuyên thì nguy cơ ung thư miệng cao gấp trăm lần người bình thường. Sau khi nghe câu trả lời của bác sĩ, người đàn ông mới cúi đầu hối hận bởi ông có thói quen hút thuốc rất nhiều năm nay, kỷ lục cao nhất trong một ngày là 5 gói thuốc.
Hình ảnh mảng bám trắng, sau khi sinh thiết là ung thư miệng
Rất may mắn, người đàn ông sau khi phẫu thuật, tình trạng cải thiện rất tốt. Tuy không có dấu hiệu tái phát nhưng lưỡi đã bị cắt bỏ nhiều nên gây ra một số vấn đề về khả năng nói. Người đàn ông đã rất day dứt khi không đi khám sớm.
Bác sĩ Ngô Chiêu Khoan cảnh báo: Hút thuốc, uống rượu, ăn nhiều các loại đồ chua, thịt hun khói đều có nguy cơ gây ung thư miệng. Đặc biệt, các nghiên cứu thực nghiệm và nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh rằng hút thuốc lá là yếu tố nguyên nhân của ung thư hầu và khoang miệng. Các dẫn chất trong khói thuốc lá có chứa các chất thúc đẩy sự phát triển ung thư trong khoang miệng.
Một số các triệu chứng phổ biến nhất của ung thư miệng
Loét miệng kéo dài: Khi thấy có vết loét miệng, đau, chảy máu trong miệng hay trên môi, nhiều người thường nghĩ đó là nhiệt miệng, loét miệng. Tuy nhiên, nếu vết loét miệng không lành sau từ 2-3 tuần, nên được đi khám và đánh giá bởi một bác sĩ chuyên khoa.
Xuất hiện mảng màu bất thường trong miệng: Nếu thấy có mảng màu đỏ, trắng hay đen xuất hiện trong khoang miệng, bạn cần đi khám ngay. Thường những mảng màu ở lưỡi, môi, nướu răng, hoặc thành đám dày trong miệng rất có khả năng là dấu hiệu bệnh ung thư.
U cục: Đối với nhiều trường hợp, người bệnh không bị đổi màu trong khoang miệng mà xuất hiện các loại u cục. Người bệnh có thể dễ dàng phát hiện bằng mắt thường hoặc sờ thấy u cục này. Với bất kỳ khối u cục bất thường nào trên cơ thể kể cả trong khoang miệng hay ngoài môi bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám.
Khó nuốt: Khi bạn bị đau trong cổ họng, miệng hoặc đau khi di chuyển lưỡi, đó có thể là những dấu hiệu ban đầu của ung thư miệng. Cộng thêm triệu chứng khó nuốt, vướng, khó nhai hay nói, khản tiếng bất thường, sụt cân, mệt mỏi.... người bệnh cần tìm đến bác sĩ ngay.
Mặc dù những triệu chứng của ung thư miệng dễ thấy nhưng người bệnh thường hay bỏ qua hoặc cho là mình mắc bệnh khác. Cần nâng cao nhận thức về căn bệnh này để không phải hối tiếc vì đến bệnh viện lúc đã quá muộn.
Làm thế nào để ngăn ngừa ung thư miệng?
Hạn chế hoặc từ bỏ hẳn thói quen uống bia rượu, hút thuốc,... để phòng ung thư miệng.
Từ bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia là biện pháp tốt để phòng ngừa bệnh ung thư miệng. Ngoài ra, tình trạng răng miệng kém vệ sinh có thể dẫn đến giảm khả năng miễn dịch của cơ thể trong việc chống lại các tế bào ung thư. Bởi vậy, việc giữ gìn vệ sinh răng miệng là rất quan trọng để phòng tránh bệnh ung thư miệng.
Đồng thời duy trì chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với hoạt động thể dục thể thao, giúp cho cơ thể tăng sức miễn dịch, bảo vệ trước nguy cơ bệnh tật. Để tăng cường sức khỏe và ngừa nguy cơ ung thư miệng, cần ăn nhiều loại trái cây và rau quả trong chế độ ăn hằng ngày.
Cuối cùng nên kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ ít nhất 2 lần mỗi năm.