Người đàn ông trẻ tưởng bị nhiệt miệng hóa ung thư lưỡi, bác sĩ cảnh báo 2 thói quen gây ung thư

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 31/08/2022 19:00 PM (GMT+7)

Chủ quan khi bị viêm lưỡi, cộng với việc tự ý dùng thuốc điều trị nam bệnh nhân đã phải nhận cái kết ung thư lưỡi di căn, dù tuổi đời còn khá trẻ.

Mắc ung thư lưỡi vì thói quen xấu và chủ quan tưởng nhiệt miệng

Bác sĩ Hà Hải Nam (Bệnh viện K Trung ương) cho biết, bác sĩ mới tư vấn cho một trường hợp bệnh nhân nam tên Nguyễn Văn Ngọc (40 tuổi, ở Hà Nội), mắc bệnh ung thư lưỡi. Điều đáng nói, bệnh nhân Ngọc đã bị viêm bờ lưỡi trước đó 5 năm nhưng lại chủ quan và không nghĩ tổn thương này sẽ phát triển thành ung thư.

Bệnh nhân chia sẻ, những lần viêm lưỡi nặng đau quá, bệnh nhân có đi khám, còn lại chủ yếu mua thuốc chống viêm, giảm đau về sử dụng nhưng tình trạng viêm cứ tái đi, tái lại nhiều lần.

Thời gian gần đây, bệnh nhân đau nhiều, ăn uống khó khăn, không đáp ứng thuốc, xuất hiện tình trạng chảy máu nhiều ở lưỡi nên đã đi khám và phát hiện bị ung thư lưỡi, có di căn hạch.

Bác sĩ Hà Hải Nam cho rằng, rất nhiều người mắc ung thư lưỡi vì chủ quan. Ảnh: Lê Phương.

Bác sĩ Hà Hải Nam cho rằng, rất nhiều người mắc ung thư lưỡi vì chủ quan. Ảnh: Lê Phương.

Trước bệnh nhân này, bác sĩ Hải Nam cũng từng tiếp nhận một bệnh nhân khác tuổi cũng còn khá trẻ, bị ung thư lưỡi vì thói quen hàng ngày tưởng chừng như vô hại. Theo đó, bệnh nhân có răng bị mẻ nên thường xuyên đá lưỡi vào chiếc răng mẻ đó. Chính sự cọ xát thường xuyên của bờ lưỡi vào răng mẻ đã gây tổn thương mãn tính, từ đó tiến triển thành ung thư. Tuy nhiên, khi mới có tổn thương người bệnh chỉ nghĩ là nhiệt miệng thông thường, vì thế chủ quan không đi khám chuyên sâu.

Theo bác sĩ Nam, ung thư lưỡi không phải là căn bệnh ung thư phổ biến, đối tượng mắc thường cũng là người khoảng 60 tuổi, tuy nhiên xu hướng người trẻ mắc căn bệnh này đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây.

Ai dễ mắc ung thư lưỡi?

Các đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư lưỡi là người có bệnh lý vùng răng miệng, cụ thể như:

- Người có răng bị mòn, mẻ, mọc lệch... khiến răng cọ vào bờ lưỡi hoặc nhiều người có thói quen đá lưỡi vào vùng răng mòn, mẻ đó sẽ dẫn tới tình trạng tổn thương, viêm bờ lưỡi mạn tính. Đặc biệt, việc ăn uống hàng ngày nếu không vệ sinh cẩn thận các tổn thương bờ lưỡi sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Tình trạng viêm mạn tính nếu không được kiểm soát có thể dẫn tới việc sinh ra các tế bào lạ và chuyển thành ung thư.

Những tổn thương ở răng nếu dùng lưỡi cọ xát thường xuyên có thể gây viêm mãn tính và đó là nguy cơ mắc ung thư lưỡi. (Ảnh minh họa)

Những tổn thương ở răng nếu dùng lưỡi cọ xát thường xuyên có thể gây viêm mãn tính và đó là nguy cơ mắc ung thư lưỡi. (Ảnh minh họa)

- Người có răng sâu, có tổn thương vùng răng lợi mãn tính.

- Trước đây, ung thư lưỡi còn hay gặp ở những người nhai trầu. Nhai trầu nhiều có thể làm biến đổi các thành phần tế bào trong khoang miệng, tổn thương niêm mạc miệng. Tuy nhiên, hiện người nhai trâu đang có xu hướng ngày càng giảm so với trước đây.

- Người lạm dụng rượu bia và người hút thuốc lá cũng là đối tượng nguy cơ cao.

Ngoài ra, ung thư lưỡi có thể gặp ở một số trường hợp nhiễm virus HPV (type 11, 16). Bác sĩ Nam cảnh báo, ung thư lưỡi là căn bệnh ác tính và vì lưỡi có nhiều mạch máu nên dễ di căn xa như các bộ phận vùng hạch cổ, thậm chí là các cơ quan nội tạng. Do vậy, việc thăm khám khi có tổn thương ở vùng lưỡi rất quan trọng. Đối với những người đã có tổn thương viêm bờ lưỡi mãn tính thì 6 tháng cần khám một lần.

Người có vấn đề bất thường ở lưỡi, nhất là viêm bờ lưỡi cần phải đi khám càng sớm càng tốt. (Ảnh minh họa)

Người có vấn đề bất thường ở lưỡi, nhất là viêm bờ lưỡi cần phải đi khám càng sớm càng tốt. (Ảnh minh họa)

Cần đi khám sớm khi có dấu hiệu dù là nhẹ

Ung thư lưỡi ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật, tái tạo lại lưỡi. Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, bệnh nhân thường phải kết hợp phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống.

Bác sĩ Hà Hải Nam khuyên, mọi người nên đi khám khi có các triệu chứng như tê bì, khó chịu, gai lưỡi, đau khi ăn và uống nước, vị giác thay đổi bất thường… ở vùng lưỡi có tổn thương. Các triệu chứng này không xuất hiện một cách dồn dập nên bệnh nhân có thể bỏ qua.

"Tôi có những bệnh nhân mắc ung thư lưỡi nhưng lúc đầu nghĩ đó chỉ là tổn thương nhất thời, nhiệt miệng… sau sẽ hết. Chỉ khi bệnh nặng, tổn thương trở thành ung thư lan xuống vùng sàn miệng, bệnh nhân đi khám mới phát hiện ung thư. Do vậy, việc đi khám ngay khi có bất thường là rất quan trọng để phát hiện ra bệnh sớm", bác sĩ Nam nói.

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi

5 bệnh ung thư dễ di truyền nhất, trong nhà có một người mắc thì cả gia đình đều nên đi khám
Sự xuất hiện của ung thư có liên quan nhiều đến đột biến gen. Nếu những đột biến có hại này được truyền lại cho các thế hệ sau, khả năng bị ung thư sẽ tăng lên nhiều lần.

Sống khỏe

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ung thư lưỡi