Mới đây Bệnh viện (BV) K Trung ương đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân 59 tuổi ở Hà Giang trong tình trạng khối u đã vỡ gây loét ngoài da, sần sùi như một cây súp lơ có màu đỏ. Bệnh nhân cho biết khoảng 1 năm trước đó, bà sờ thấy u ở ngực nhưng đã tự tìm lá thuốc và đắp lá tại nhà.
Tháng 7 vừa qua khi một bên "núi đôi" lở loét, đau đớn không chịu được, lúc này gia đình mới đưa bà tới BV K Trung ương.
Nếu có dấu hiệu bất thường chị em cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra.
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị tổn thương thâm nhiễm toàn bộ vú trái, giai đoạn lan rộng tại chỗ không còn khả năng phẫu thuật mà chỉ có thể tiến hành truyền hoá chất điều trị triệu chứng, giúp kéo dài thời gian tối đa. Đến nay, bệnh nhân đã được hóa trị 4 lần.
Bác sĩ Nga cho biết tình trạng bệnh nhân đắp lá, cao, đắp đủ thể loại vào khối u xảy ra khá phổ biến, không chỉ ở bệnh nhân vùng sâu, vùng xa, nông thôn, mà ngay tại các thành phố. "Điều nguy hiểm nhất của đắp lá, cao... đó là người bệnh bỏ qua thời gian vàng, khi đang ở giai đoạn 1 - 2 điều trị ung thư mang lại hiệu quả rất cao thì không điều trị, đến khi thử đắp lá một thời gian dài, khối u vẫn tiếp tục phát triển, lớn lên, thậm chí di căn, nguy hiểm đến tính mạng mới đến BV.
Ung thư vú chữa khỏi nếu phát hiện sớm
Ung thư được chẩn đoán và điều trị sớm có thể chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống đáng kể. Hơn nữa, Tây y đã xác định có trên 200 loại ung thư khác nhau, nên không thể tùy tiện áp dụng cho mọi bệnh nhân ung thư bằng các bài thuốc nam bừa bãi. Trong đó, phổ biến nhất là làm mất cơ hội điều trị khi bệnh còn ở giai đoạn đầu, đến khi đã muộn thì việc điều trị không đem lại hiệu quả cao, người bệnh bị tử vong rất nhanh.
Theo các chuyên gia, với ung thư vú, nếu phát hiện ở giai đoạn 1 – 2, tỉ lệ chữa khỏi rất cao, người bệnh sống thêm 5 – 10 năm, thậm chí 20 năm sau vẫn khỏe mạnh. Không ít bệnh nhân ung thư vú sau điều trị vẫn sinh con khỏe mạnh.
Với người có nguy cơ cao (bố mẹ ung thư vú, anh em bị ung thư vú, ung thư dại trực tràng, phổi, nên đến bệnh viện tầm soát định kỳ từ 40 tuổi. Còn với người dân, sau 50 tuổi, ngoài tự khám vú mỗi tháng nên đến viện tầm soát 1 năm một lần, nếu có nguy cơ thời gian tầm soát rút ngắn lại,"
Cách bước khám phát hiện ung thư vú
Các chuyên gia y tế đưa ra lời khuyên: chị em phụ nữ, từ tuổi trẻ đến trung niên hãy hình thành thói quen tự khám vú mỗi tháng. Sau kỳ kinh nguyệt 7 ngày là thời điểm tuyến vú mềm nhất, hãy đứng trước gương để tự kiểm tra vú bằng cách thực hiện các bước sau:
- Ở tư thế nằm: Nằm ngửa, để một gối đệm dưới vai phải. Dùng 3 ngón tay giữa tay trái để khám vú phải bằng cách ấn nhẹ, vừa và mạnh xuống theo vòng tròn, tránh không nhấc các ngón tay khỏi da. Di chuyển theo hình vòng tròn từ trên xuống dưới. Cảm nhận sự thay đổi của vú, sờ vùng trên và dưới xương đòn và trong vùng nách của bạn. Tương tự dùng tay phải khám cho vú trái.
- Khám trước gương: Đặt hai bàn tay ra sau đầu hoặc chống hai tay bên hông. Kiểm tra xem có bất thường nào ở cả hai bên vú: tiết dịch, sự co kéo, lõm da hoặc núm vú hoặc bất cứ sự thay đổi nào của bề mặt da. Bóp nhẹ núm vú xem có tiết dịch hay không.
- Khám trong lúc tắm: Giơ cánh tay phải, bàn tay phải ở phía sau gáy. Dùng các ngón tay khép lại của bàn tay trái sờ các phần của tuyến vú phải. Sờ nhẹ nhàng kỹ lưỡng để phát hiện khối u hoặc những thay đổi dưới da. Tiếp tục thực hiện như vậy với vú bên trái.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu có dấu hiệu bất thường chị em cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra.