Một nghiên cứu gần đây đã điều tra tác động của cà phê đối với mức dopamine trong não của người bệnh Parkinson.
1. Bệnh Parkinson ảnh hưởng đến chức năng não như thế nào?
Bệnh Parkinson là một rối loạn thần kinh tiến triển, ảnh hưởng chủ yếu đến các tế bào thần kinh sản xuất dopamine. Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò trong việc điều khiển các chuyển động của cơ thể. Khi các tế bào thần kinh này bị suy giảm hoặc chết đi, nó sẽ gây ra những thay đổi đáng kể về chức năng não, dẫn đến các triệu chứng điển hình của bệnh Parkinson.
Những ảnh hưởng chức năng não ở bệnh nhân Parkinson bao gồm:
Giảm sản xuất dopamine: Đây là nguyên nhân chính, sự giảm sút dopamine làm mất cân bằng các tín hiệu thần kinh trong não, gây ra các vấn đề về vận động.
Thoái hóa các tế bào thần kinh: Các tế bào thần kinh ở vùng sản xuất dopaminebị thoái hóa dần theo thời gian.
Rối loạn chức năng của hạch nền: Hạch nền là một nhóm các cấu trúc sâu trong não, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chuyển động. Ở bệnh nhân Parkinson, hạch nền hoạt động không bình thường do thiếu dopamine.
Ảnh hưởng đến các vùng não khác: Bệnh Parkinson không chỉ ảnh hưởng đến vùng sản xuất dopamine và hạch nền mà còn có thể ảnh hưởng đến các vùng não khác, gây ra các triệu chứng như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, mất trí nhớ…
Bệnh Parkinson ảnh hưởng chủ yếu đến các tế bào thần kinh sản xuất dopamine.
2. Tác động của cà phê đối với chức năng dopamine ở bệnh Parkinson
Một nghiên cứu do nhóm nghiên cứu từ Đại học Turku và Bệnh viện Đại học Turku ở Phần Lan dẫn đầu đã tìm ra ảnh hưởng của tiêu thụ cà phê đối với những người đã được chẩn đoán mắc bệnh Parksinon và đang biểu hiện các triệu chứng của bệnh này.
Ở người bệnh Parksinon, các triệu chứng của bệnh xuất hiện khi mất đi đáng kể các tế bào sản xuất dopamine ở vùng não. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, uống cà phê có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson và tác động của caffeine lên các thụ thể trong hệ thống dopamine nigrostriatal có thể liên quan.
Nhà thần kinh học Valtteri Kaasinen tại Đại học Turku cho biết: "Mối liên hệ giữa việc tiêu thụ nhiều caffeine và việc giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson đã được quan sát thấy trong các nghiên cứu dịch tễ học. Tuy nhiên, nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên tập trung vào tác động của caffeine đối với sự tiến triển của bệnh và các triệu chứng liên quan đến chức năng dopamine ở bệnh Parkinson".
Các nhà nghiên cứu đã đánh giá 163 người mắc bệnh Parkinson giai đoạn đầu và 40 người khỏe mạnh, trong đó 44 người tham gia mắc bệnh Parkinson được gọi đến để đánh giá lần thứ hai, trung bình là sáu năm sau đó. Việc sử dụng cà phê được so sánh với một phân tử vận chuyển mang dopamine trong não.
Trong các đánh giá tiếp theo, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người thường uống ba tách cà phê chứa caffeine trở lên mỗi ngày (được đo thông qua cả báo cáo tự nguyện và mẫu máu) có mức liên kết chất vận chuyển dopamine thấp hơn từ 8,3 đến 15,4 % so với những người uống ít hơn ba tách.
Điều đó có nghĩa là ít dopamine được sản xuất hơn. Mặc dù có liên quan đến việc giảm nguy cơ ban đầu, nhóm nghiên cứu không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy chức năng phục hồi của caffeine trong não của những người mắc các triệu chứng Parkinson đang diễn ra. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu cũng không quan sát thấy bất kỳ sự cải thiện nào về các triệu chứng của Parkinson ở những người uống nhiều cà phê hơn.
Tiêu thụ nhiều cà phê không làm giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson.
Theo nhà thần kinh học Valtteri Kaasinen: "Mặc dù caffeine có thể mang lại một số lợi ích nhất định trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng việc tiêu thụ nhiều caffeine không mang lại lợi ích gì cho hệ thống dopamine ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh. Lượng caffeine cao không làm giảm các triệu chứng của bệnh, chẳng hạn như cải thiện chức năng vận động."
Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự điều hòa giảm dopamine ở những người uống nhiều cà phê cũng giống như tác dụng cân bằng xảy ra trong não của những người khỏe mạnh. Đây cũng là điều đã được thấy ở các loại thuốc kích thích tâm thần khác.
Điều thú vị là việc uống cà phê trong thời gian gần với thời điểm chụp hình ảnh vận chuyển dopamine lâm sàng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, có khả năng làm phức tạp thêm cách giải thích kết quả.
Theo các nhà nghiên cứu, kết quả này không ủng hộ việc ủng hộ phương pháp điều trị bằng caffeine hoặc tăng lượng cà phê tiêu thụ đối với những bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson.
Mặc dù không có phát hiện đáng kể nào về việc uống cà phê có thể tạo ra sự khác biệt ở bệnh nhân Parkinson nhưng nghiên cứu này đã bổ sung thêm bằng chứng mới quan trọng về mối quan hệ giữa dopamine và bệnh Parkinson, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về căn bệnh này và cách chống lại nó.
Xem thêm video đang được quan tâm
Uống cà phê có giúp ngăn ngừa ung thư, kéo dài tuổi thọ?