Những thực phẩm tốt cho sức khỏe như vitamin, collagen... mà nhiều người thường sử dụng cũng cần phải được uống vào thời điểm phù hợp mới có thể phát huy tác dụng.
Con người hiện đại ngày càng chú trọng hơn đến sức khỏe. Trên thị trường có rất nhiều loại thực phẩm tốt cho sức khỏe hay còn gọi là thực phẩm chức năng và mỗi loại cần sử dụng vào thời điểm khác nhau.
Nếu chúng ta sử dụng những thực phẩm này không đúng cách có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe thay vì đem lại lợi ích. Vậy cụ thể thời gian sử dụng thích hợp cho các thực phẩm này là gì.
Các sản phẩm bổ sung không phải là thuốc và không có yêu cầu nghiêm ngặt về khoảng thời gian sử dụng. (Ảnh minh họa)
Chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan, Chen Yichun, đã phân tích từng thứ một và tìm hiểu về thời gian sử dụng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, một số loại nên dùng trước bữa ăn và một số khác nên dùng sau bữa ăn. Nhưng khoảng thời gian giữa cái gọi là trước và sau bữa ăn là bao lâu?
Chuyên gia dinh dưỡng giải thích rằng vì thuốc cần xem xét dược động học nên phải uống vào thời điểm chính xác, nhưng những thực phẩm chăm sóc sức khỏe không phải là thuốc nên không có yêu cầu khắt khe phải uống trước hoặc sau bữa ăn chính xác bao nhiêu phút.
Chuyên gia Chen Yichun nhấn mạnh mục đích của việc sử dụng thực phẩm chức năng trước bữa ăn là để giảm sự cản trở của thức ăn, để chất dinh dưỡng được hấp thụ nhanh hơn, hoặc tăng diện tích tiếp xúc với thành ruột nên có thể dùng khi không có thức ăn trong dạ dày và ruột. Thời điểm thích hợp là lúc bụng đói vào buổi sáng.
Đối với những thực phẩm bổ sung sử dụng sau bữa ăn hoặc trong bữa ăn, chuyên gia Chen Yichun giải thích rằng đó là dùng các thành phần trong thức ăn để giúp hấp thu chất dinh dưỡng. Vì vậy có một số thực phẩm chức năng sẽ có hiệu quả tốt hơn nếu sử dụng lúc thức ăn vẫn còn trong đường tiêu hóa, thường là trong hoặc sau bữa ăn khoảng 30 phút.
Chuyên gia Chen Yichun cũng chia các thực phẩm chức năng thành 3 loại dựa theo thời gian sử dụng:
1. Những thực phẩm tốt cho sức khỏe nên dùng khi bụng rỗng
- Probiotics (các chất trợ sinh): Dùng khi bụng đói để tránh việc bị cản trở bởi thức ăn, probiotics có thể đến đường ruột nhanh hơn. Hãy nhớ uống nó riêng biệt với thuốc kháng sinh.
Ngoài ra, dùng probiotics cùng với nước ép rau củ chứa oligosaccharide hay táo, sữa đậu nành, măng tây… có thể làm cho men vi sinh trong ruột sống lâu hơn.
- Polysaccharide (đường đa): Khi không có thức ăn trong ruột, diện tích polysaccharide tiếp xúc với niêm mạc ruột lớn hơn, có thể thực hiện chức năng điều hòa miễn dịch tốt hơn.
- Collagen: Hầu hết collagen bán trên thị trường là một peptide phân tử nhỏ được thủy phân, có thể được hấp thụ hoàn toàn mà không có sự can thiệp của các loại thực phẩm protein khác để đạt được tỷ lệ hấp thụ tốt nhất.
- Nước sâm: Nhân sâm chủ yếu giúp nâng cao khả năng miễn dịch, chống mệt mỏi. Nước sâm nên uống vào buổi sáng lúc bụng đói. Lưu ý, uống nhân sâm và caffein, thuốc chống đông máu, thuốc lợi tiểu, vitamin C có thể có phản ứng bất lợi nếu kết hợp chung, hãy nhớ không dùng cùng một lúc.
- Lactoferrin: Nếu được sử dụng phòng ngừa sự phát triển của vi khuẩn và vi rút, sản phẩm này phải được dùng khi đói để đạt được hiệu quả kháng khuẩn và kháng vi rút tốt hơn. Tuy nhiên, nếu nó được sử dụng để giúp hấp thu sắt, bạn nên uống cùng hoặc sau bữa ăn.
Một số thuốc, thuốc bổ có thể không phù hợp dùng cùng lúc. (Ảnh minh họa)
2. Các thực phẩm tốt cho sức khỏe nên dùng sau bữa ăn hoặc trong bữa ăn
- Chất béo (dầu cá, dầu tảo, dầu hoa anh thảo…): Chất béo trong thực phẩm có thể giúp hấp thu các thành phần hòa tan trong chất béo, do đó tỷ lệ hấp thụ tốt hơn khi ăn cùng hoặc sau bữa ăn.
- Chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo (lutein, Q10, nghệ, lycopene, carotenoids…): Đây là những chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo và cần chất béo để hỗ trợ hấp thu.
- Vitamin tổng hợp: Vitamin tổng hợp cũng chứa các vitamin tan trong chất béo (A, D, E, K) nên chúng cũng cần chất béo để hỗ trợ quá trình hấp thu.
- Vitamin C: Mặc dù vitamin C tan trong nước nhưng vì vitamin C có tính axit tương đối cao nên một số người sẽ cảm thấy tức bụng khi ăn lúc đói, do đó không nên dùng lúc bụng rỗng. Bên cạnh đó, chất flavonoid trong thực phẩm có thể cũng giúp hấp thu vitamin C tốt hơn. Vì vậy, bạn nên dùng vitamin C sau hoặc trong bữa ăn để tăng hấp thu.
- Sắt: Uống sắt khi bụng đói dễ gây khó chịu đường tiêu hóa, vì vậy các sản phẩm bổ sung sắt thích hợp ăn sau bữa ăn hoặc trong bữa ăn hơn. Tuy nhiên cần tránh ăn nhiều thực phẩm giàu axit oxalic và axit phytic, nó sẽ ảnh hưởng đến tốc độ hấp thụ của sắt.
- Thực phẩm giúp tiêu hóa: Các men tiêu hóa, axit dạ dày, mật… phải dùng kèm với thức ăn mới có vai trò giúp tiêu hóa.
- Sữa ong chúa: Có thể giúp giảm hội chứng tiền kinh nguyệt, tăng sinh collagen, kháng khuẩn. Liều khuyến cáo hàng ngày là 250-500 mg.
3. Thực phẩm tốt cho sức khỏe có thể ăn trước hoặc sau bữa ăn
Vitamin nhóm B và canxi thích hợp uống trước hoặc sau bữa ăn. (Ảnh minh họa)
- Vitamin nhóm B: Vitamin nhóm B giúp trao đổi chất, tốt nhất nên ăn sau bữa sáng, nếu bạn có các hoạt động thể chất như chạy bộ, vận động thì nhớ ăn trước giờ hoạt động 2 tiếng. Vitamin nhóm B cũng có thể ăn lúc đói, nhưng hãy nhớ ăn càng sớm càng tốt sau khi dùng loại vitamin này.
- Viên canxi (canxi cacbonat, canxi photphat, canxi citrate): Canxi được hấp thụ tốt hơn khi bụng đói vì không có sự can thiệp của các thành phần khác trong thức ăn. Tuy nhiên, vì canxi là khoáng chất có tính kiềm nhẹ, có tác dụng trung hòa nhẹ axit dịch vị, nếu bạn tiết axit dịch vị không đủ, uống viên canxi lúc đói sẽ dễ gây khó chịu cho dạ dày nên bạn có thể uống sau bữa ăn.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ được dùng làm thực phẩm nên không có tác dụng chữa bệnh và không thể thay thế việc sử dụng thuốc. Nếu đang sử dụng thuốc để chữa bệnh mà muốn dùng các thực phẩm này, bạn nên chủ động trao đổi với bác sĩ trước khi dùng để tránh gây tương tác.