Chúng ta vẫn thường cho rằng đau dạ dày là do tâm lý căng thẳng, phiền muộn hoặc thói quen ăn đồ cay nóng. Thực ra, chưa có nghiên cứu nào chứng minh những nguyên nhân đó trực tiếp gây bệnh. Vậy đau dạ dày là gì, đâu là nguyên nhân? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Năm 1984, một bác sĩ người Australia tên Barry Marshall có quyết định táo bạo. Rất nhiều bệnh nhân của ông phàn nàn về những cơn đau ở vùng bụng, bao gồm những vết loét dạ dày, gây cảm giác đau đớn kéo dài tới ruột. Lúc đó chỉ có một vài phương pháp hiệu quả chữa cho những cơn đau này và nhiều bệnh nhân được yêu cầu nhập viện hay thậm chí phải phẫu thuật.
Quyết tâm tìm ra câu trả lời, bác sĩ Marshall đã nuốt một đám vi khuẩn lấy từ dạ dày của một bệnh nhân. Không lâu sau, ông cũng trải qua những cơn đau vùng bụng tương tự, cảm thấy chướng bụng, nôn mửa.
Mười ngày sau, một loại camera nội soi được đưa vào để quan sát bên trong bụng bác sĩ: Dạ dày của ông đang chứa đầy các loại vi khuẩn giống như của bệnh nhân. Ông cũng mắc phải nhiều vết loét, hay sưng tấy trong dạ dày.
Nhiều người cho rằng tình trạng căng thẳng có thể gây đau dạ dày. (Ảnh minh họa)
Ý tưởng của bác sĩ Marshall đã thách thức những quan niệm sai lầm vẫn khăng khăng cho rằng: Căng thẳng, thức ăn hay quá nhiều dịch vị dạ dày gây đau dạ dày. Bác sĩ Marshall nghĩ rằng thủ phạm chính là nhiễm trùng từ vi khuẩn.
Ban đầu, ý tưởng của ông bị những người nổi tiếng trong ngày y coi là điên rồ. Nhưng đến năm 2005, ông và bác sĩ Robin Warren cuối cùng đã được công nhận khi họ giành được giải Nobel trong lĩnh vực y tế.
Dạ dày của chúng ta có hình chữ J với hệ sinh thái phong phú đến bất ngờ và chịu tác động bởi các hormone và chất hóa học.
Dạ dày thường xuyên bị tấn công bởi các enzym tiêu hóa, dịch mật, các protein, vi khuẩn, và chính bởi dịch vị của nó. Phản ứng lại, dạ dày tạo ra bicarbonate - dịch nhầy, và các phospholipid (thành phần cấu tạo của màng) được gọi là Prostaglandins để duy trì sự nguyên vẹn của nó.
Sự cân bằng mỏng manh này liên tục được điều chỉnh và có ảnh hưởng đến lớp niêm mạc dạ dày.
Thực phẩm bạn ăn có thể ảnh hưởng tới đường tiêu hóa nhưng không trực tiếp gây loét dạ dày. (Ảnh minh họa)
Từ giữa thế kỉ 19, các bác sĩ cho rằng hầu hết đau dạ dày là do căng thẳng. Bệnh nhân được cho uống thuốc chống suy nhược hoặc thuốc an thần và được khuyên nên đến các trung tâm y tế để điều trị. Cuối cùng, có quan niệm rằng, thủ phạm gây đau dạ dày là đồ ăn cay và căng thẳng.
Thực tế, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy cảm xúc buồn rầu hay căng thẳng hoặc các món cay trực tiếp gây ra các cơn đau dạ dày.
Đến giữa thế kỷ 20, người ta công nhận rộng rãi rằng sự dư thừa axit clohidric dẫn đến dạ dày tự bào mòn chính nó. Những người tán đồng ý tưởng này được coi là những người thuộc “phe axit”. Nhưng lỗ hổng lớn nhất của lý thuyết này là các thuốc chống axit chỉ làm giảm tạm thời triệu chứng đau dạ dày.
Chúng ta biết có một số ít cơn đau đó là do dư thừa acid clohydric trong dạ dày, nhưng chỉ là 1% trong số tất cả các trường hợp.
Bác sĩ Marshall và Warren xác định được một loại vi khuẩn dạng xoắn ốc có tên Helicobacter pylori (hay H.pylori), chính là những kẻ gây ra điều này. H.pylori là một trong những bạn đồng hành lâu đời và thường xuyên nhất với con người, ít nhất là 50 ngàn năm trước đã có người nhiễm vi khuẩn này và hiện nay nó được tìm thấy trong cơ thể của khoảng 50% dân số thế giới.
Bác sĩ Barry Marshall đã dũng cảm lấy chính bản thân mình ra thử nghiệm để tìm hiểu bệnh đau dạ dày.
Trước đây, chúng ta nghĩ rằng dạ dày là nơi không thể sinh sống được bởi đó là môi trường khắc nghiệt chứa đầy axit. Vi khuẩn H.pylori sinh tồn và làm xáo trộn dịch vị dạ dày với rất nhiều cách khác nhau để phá hủy lớp màng nhầy bảo vệ dạ dày. Chẳng hạn, nó sản xuất một enzyme gọi là urease, giúp bảo vệ bản thân khỏi môi trường axit xung quanh.
Vi khuẩn H.pylori có thể tạo ra hơn 1.500 loại protein khác nhau, nhiều loại trong số đó để tăng độc lực của nó.
Chúng ta vẫn còn những câu hỏi chưa có giải đáp, như vì sao có người chỉ bị đau trong những khoảng thời gian nào đó.
Tuy nhiên, chúng ta biết gene đặc trưng từng cá nhân, các vấn đề y tế khác, những phương pháp chữa trị nhất định, hút thuốc, và sự đa dạng di truyền của chủng vi khuẩn H.pylori đều góp phần gây đau dạ dày. Đặc biệt, những liệu pháp giảm đau dùng để giảm viêm khớp được phát hiện là có kết hợp với vi khuẩn H.pylori tạo ra nhiều cơn đau dạ dày hơn.
Bác sĩ Marshall cuối cùng vẫn ổn sau thí nghiệm nổi tiếng và đầy rủi ro của mình. Ông đã uống một nhóm các kháng sinh giống với các loại hiện được dùng để chữa viêm loét dạ dày.
Điều trị chỉ bằng kháng sinh là một thành tựu lớn cho loại bệnh mà trước đây phải dùng tới phẫu thuật. Những nghiên cứu của Marshall cũng nhắc chúng ta rằng quá trình nghiên cứu khoa học không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng rất đáng khi chúng ta đặt niềm tin vào "lòng dạ" mình, theo cả theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.