Đau dạ dày và những điều cần lưu ý

Đau dạ dày là bệnh lý phổ biến ở nước ta. Khoảng 70% viêm loét dạ dày tá tràng ở Việt Nam là do vi khuẩn HP. HP vừa là nguyên nhân chính, vừa khiến bệnh nặng hơn, dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng ổ loét, chảy máu dạ dày, ung thư dạ dày,…

Tổng quan

Đau dạ dày là bệnh lý về đường tiêu hóa phổ biến. Khi dạ dày bị tổn thương dẫn đến những cơn đau khó chịu, âm ỉ. Ngoài ra, khi bị đau dạ dày người bệnh cũng sẽ đối mặt với tình trạng ợ nóng, chướng hơi, đầy bụng. 3 vị trí bệnh đau dạ dày điển hình  nhất là đau dạ dày tại vùng thượng vị, đau dạ dày vị trí vùng bụng giữa và đau dạ dày vị trí phía trên bên trái. Nếu không sớm phát hiện, có phương pháp xử lý kịp thời thì bệnh đau dạ dày sẽ biến chứng khó lường như viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, hẹp môn vị thậm chí là ung thư dạ dày,…

Tìm hiểu chi tiết về triệu chứng đau dạ dày sẽ ngăn ngừa và sớm phát hiện bệnh để có phác đồ chữa trị kịp thời, hạn chế tối đa biến chứng do đau dạ dày gây ra.

Nguyên nhân

Thói quen ăn quá nhanh

Nhiều người có thói quen an thật nhanh để tiết kiệm thời gian làm việc khác, nhưng bạn nên biết điều này không hề có lợi cho dạ dày của bạn. Ăn quá nhanh sẽ gây nên hiện tượng khó tiêu hoá vì thức ăn được đưa vào cơ thể quá nhanh, khiến dạ dày không kịp tiết dịch và lượng dịch tiết ra không đủ để tiến hành co bóp, giúp thức ăn được tiêu hoá.

Hãy hiểu đơn giản là: Việc nhai thức ăn qua loa, ăn nhanh nuốt vội, thức ăn chưa được nghiền nhỏ sẽ tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, kéo dài thời gian lưu giữ thức ăn trong dạ dày, dẫn tới tổn thương niêm mạc dạ dày. Nếu việc ăn quá nhanh trở thành thói quen thường xuyên của bạn có thể dẫn tới bệnh đau dạ dày.

Ăn không đúng giờ

Việc ăn uống không theo giờ giấc cụ thể hoặc ăn vặt  nhiều quên bữa chính cũng là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày. Vì nếu bạn ăn uống đúng giờ giấc, dạ dày sẽ theo thói quen, cứ đến giờ đó là tiết acid để tiêu hóa thức ăn. Nếu thời gian ăn uống của bạn “vô tổ chức”, lượng acid mà dạ dày đã tiết ra để tiêu hóa thức ăn, nhưng không có thức ăn được nạp vào sẽ “phản lại” chính chủ nhân của mình, nó sẽ gây ra căn bệnh viêm loét dạ dày thường gặp.

Việc ăn quá no cũng ảnh hưởng không tốt đến dạ dày, vì có thể kích thích niêm mạc dạ dày bài tiết quá nhiều acid hydrochloric, gây viêm loét dạ dày.

Làm việc quá sức

Khi bạn làm việc quá sức sẽ dẫn đến sự suy kiệt năng lượng, kéo theo sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút nhanh chóng. Từ đó, chức năng tự bảo vệ của niêm mạc dạ dày cũng bị suy yếu. Điều này dẫn tới dạ dày dễ bị mất cân bằng chức năng bài tiết do không được cấp đủ máu. Khi dạ dày bị dư axít, dịch vị dạ dày ít đi, niêm mạc dạ dày sẽ bị tổn hại và gây ra tình trạng đau dạ dày.

Căng thẳng thần kinh

Hiện tượng đau dạ dày do căng thẳng thần kinh thường gặp nhất ở đối tượng là dân văn phòng. Khi bạn rơi vào trạng thái khó chịu, căng thẳng, trầm cảm, mệt mỏi... sự tiết dịch ở dạ dày cũng bị ảnh hưởng theo.

Đó là nguyên do tại sao chức năng tiêu hóa của dạ dày không được thực hiện tốt như mọi khi. Sự căng thẳng về tâm lý, cảm xúc có thể kéo theo ảnh hưởng xấu ở dạ dày. Do đó, trầm cảm kéo dài, lo lắng cũng sẽ làm tăng nguy cơ bệnh đau dạ dày, viêm loét dạ dày.

Lạm dụng thuốc giảm đau

Các loại thuốc  giảm đau đều có tác dụng kìm hãm sự sản xuất niêm mạc bảo vệ thành dạ dày. Khi các niêm mạc này bị ảnh hưởng và không làm tốt chức năng bảo vệ thành dạ dày thì sẽ dẫn tới hiện tượng dạ dày co bóp bất thường, gây đau. Thậm chí, khi các niêm mạc bị ảnh hưởng trầm trọng còn làm xuất hiện các vết loét trong dạ dày, dẫn đến viêm loét dạ dày.

Do vậy, nếu cảm thấy chưa thực sự cần thiết, bạn không nên lạm dụng thuốc giảm đau. Chỉ nên sử dụng thuốc khi có sự chỉ dẫn và kê đơn của bác sĩ.

Uồng nhiều bia rượu

Các thức uống chứa cồn đều có khả năng ức chế sự tạo thành chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, mặt khác các loại đồ uống này kích thích dạ dày tiết ra nhiều acid dịch vị, làm tăng khả năng gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Nếu chúng ta thường xuyên uống nhiều rượu, bia sẽ có cảm giác bụng bị chướng, nóng rát trong bụng, hơi thở nóng, đau thắt vùng thượng vị…

Nhiều người có thể không thấy các triệu chứng ban đầu, vẫn tiếp uống rượu bia, khiến dạ dày càng bị tổn thương nặng hơn, lâu dài có thể dẫn tới các bệnh nguy hiểm như viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa hay chảy máu đường tiêu hóa, nguy hiểm hơn là thủng dạ dày tá tràng… với những biến chứng này bệnh nhân cần được mổ cấp cứu kịp thời, nếu không có thể dẫn tới tử vong. Thậm chí, người bệnh còn có thể bị ung thư dạ dày nếu cứ uống rượu, bia triền miên khi dạ dày đang có dấu hiệu tổn thương, viêm loét.

Vi khuẩn HP gây bệnh đau dạ dày

Theo nghiên cứu nhiều ca mắc bệnh đau dạ dày đều do nhiễm khuẩn HP. Vi khuẩn HP sau một thời gian cư trú trong dạ dày sẽ gây tổn thương cho niêm mạc dẫn đến việc viêm loét gây ra tình trạng đau dạ dày.

Triệu chứng

Triệu chứng cơ năng:

Đau bụng vùng thượng vị: đau có chu kỳ (loét dạ dày, loét tá tràng), đau không chu kỳ (đau do viêm dạ dày-tá tràng hoặc ung thư dạ dày). Đau có lan xuyên (loét dạ dày lan lên trên và sang trái), loét hành tá tràng (lan ra sau lưng và sang phải). Đau liên quan đến bữa ăn: loét dạ dày đau khi no, loét hành tá tràng đau khi đói, ăn vào hết đau. Kém ăn là một triệu chứng không đặc hiệu (ăn mất ngon, ăn ít hơn), cũng có thể do nguyên nhân khác như bệnh gan, bệnh thận... Ợ là biểu hiện của rối loạn vận động dạ dày, do lỗ tâm vị không đóng kín. Thức ăn lưu lại trong dạ dày quá lâu nên sinh hơi. Thức ăn và hơi có thể lên tận trên họng mà người có bệnh cảm thấy vị chua. Ợ có thể gặp ở các bệnh dạ dày: viêm loét dạ dày tá tràng; hẹp môn vị; rối loạn chức năng cơ vòng tâm vị. Ợ có thể gặp ở các bệnh ngoài dạ dày như suy gan do bất cứ nguyên nhân gì. Hội chứng bán tắc ruột. Nôn và buồn nôn: các bệnh của dạ dày gây nôn và buồn nôn gồm viêm dạ dày; đợt tiến triển của loét dạ dày-tá tràng; ung thư dạ dày; hẹp môn vị do bất cứ nguyên nhân gì; chảy máu dạ dày; các bệnh ngoài dạ dày như viêm não, u não… Chảy máu dạ dày: có thể là một triệu chứng, có thể là một biến chứng của viêm dạ dày cấp do thuốc; ung thư dạ dày; loét dạ dày-tá tràng; u lành dạ dày (polip, u mạch); hội chứng Mallory- Weiss; tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Triệu chứng thực thể

Trong cơn đau loét dạ dày-tá tràng thăm khám sẽ thấy: điểm thượng vị ấn đau (loét dạ dày); điểm môn vị-hành tá tràng ấn đau (loét hành tá tràng); dấu hiệu óc ách lúc đói (+), dấu hiệu Bouveret (+): gặp trong hẹp môn vị; gõ thượng vị đau: gặp trong viêm dạ dày…

Các triệu chứng xét nghiệm.

Chụp Xquang dạ dày-tá tràng thấy một số hình ảnh bệnh lý như: thay đổi niêm mạc: to, nhỏ hoặc không đều; thay đổi ở thành dạ dày: có ổ đọng thuốc ở bờ cong nhỏ, bờ cong lớn, có đoạn cứng, hành tá tràng biến dạng hình quân bài “nhép”; rối loạn vận động: co thắt, xoắn; rối loạn trương lực: tăng hoặc giảm; thoát vị hoành; các khối u dạ dày (hình khuyết).

Nội soi dạ dày tá tràng: là xét nghiệm đầu tiên giúp nhìn trực tiếp các tổn thương thực quản, dạ dày, tá tràng phát hiện sớm các tổn thương nhỏ. Nội soi cho biết có trào ngược dịch mật không hoặc trào ngược dạ dày-thực quản. Qua nội soi có thể điều trị bệnh như cầm máu, tiêm xơ, thắt…

Sinh thiết và xét nghiệm tế bào: tìm tế bào trong dịch vị; sinh thiết trong khi soi: chỗ nghi ngờ có tổn thương để làm mô bệnh học, tế bào học để giúp cho chẩn đoán chính xác. Chẩn đoán viêm dạ dày cấp, mạn, chẩn đoán các khối u, tìm vi khuẩn Helicobacter pylori bằng các test Urease, xét nghiệm mô bệnh học…

Thăm dò chức năng dạ dày: lấy dịch vị bình thường, khối lượng lúc đói không quá 100ml; màu sắc: trong, hoặc không màu; độ quánh: hơi quánh dính và dính do có chất nhầy; cặn thức ăn: sau một đêm cặn thức ăn còn lại rất ít hoặc không còn.

Định lượng bài tiết acid ngay trong dạ dày: là một phương pháp sinh lý nhất, cho phép đánh giá các nội tiết tố và thời gian lưu thức ăn trong dạ dày. Ngoài ra còn xét nghiệm dịch vị dựa trên các phương pháp kích thích tiết acid với histamin, pentagastrin…

Phân biệt với một số bệnh

Các bệnh khi đau vùng thượng vị có thể nhầm với viêm loét dạ dày - tá tràng như viêm tụy, viêm đường dẫn mật, sỏi đường dẫn mật; viêm ruột thừa ở những giờ đầu cũng có thể đau thượng vị; ngộ độc thức ăn gây viêm dạ dày cấp tính trong một vài giờ đầu. Đau bụng âm ỉ, đi ngoài phân đen có thể nhầm với bệnh giun móc, khi đó cần xét nghiệm tìm trứng giun móc.

Làm gì khi bị đau dạ dày?

Bệnh nhân không nên tự điều trị mà phải đi khám bệnh để được thầy thuốc khám cẩn thận, cho làm các xét nghiệm như chụp dạ dày, nội soi dạ dày…để chẩn đoán xác định bệnh. Đối với người có hội chứng dạ dày – tá tràng nên kiêng tuyệt đối rượu, bia, chất chua cay và thuốc lá, thuốc lào, các chất gây kích thích khác như nước trà đặc, cà phê, vì những chất này có khả năng làm tổn thương niêm mạc dạ dày.

Điều trị

Việc điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng dựa trên cơ chế tiêu diệt vi khuẩn HP, sử dụng thuốc chữa bệnh dạ dày gồm các nhóm: kháng sinh, chống tăng tiết dịch vị và bao phủ niêm mạc tránh tác dụng của dịch vị... Hiện nay, vấn đề kháng thuốc của HP đang có chiều hướng gia tăng và thật sự gây khó khăn cho việc điều trị. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị vẫn còn có kết quả HP dương tính làm cho họ rất hoang mang. Những trường hợp kháng thuốc, thầy thuốc bắt buộc phải phối hợp thêm nhiều kháng sinh sẽ làm gia tăng tác dụng phụ và làm cho chi phí điều trị cao hơn. Vì vậy để hạn chế vi khuẩn kháng thuốc, bệnh nhân đau dạ dày và mọi người không nên sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi mà chỉ dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

Đối với bệnh ung thư dạ dày cần phát hiện sớm để phẫu thuật loại bỏ khối ung thư. Nếu để muộn việc điều trị thường không có kết quả tốt, bệnh nhân có thể tử vong trong thời gian ngắn.

Phòng bệnh

Để phòng bệnh đau dạ dày một cách hiệu quả, bạn cần thực hiện thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học, điều độ.

Về lối sống

Tránh các chất kích thích: không hút thuốc, bởi vì hút thuốc khiến mạch máu trong đó có mạch máu hệ tiêu hóa bị co lại, ảnh hưởng tới việc cung cấp máu cho tế bào thành dạ dày, khiến sức đề kháng của niêm mạc dạ dày giảm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hút thuốc làm tăng nguy cơ viêm, ung thư dạ dày, đặc biệt ung thư phâng tâm – phình – vị.

Không nên ăn trước khi đi ngủ, nếu đói bụng bạn chỉ nên uống 1 ly sữa ấm vừa có tác dụng xoa dịu, bảo vệ dạ dày vừa giúp bạn ngủ ngon và sâu giấc hơn.

Không nên hoạt động trí óc hay hoạt động thể lực mạnh trong khoảng thời gian 30 phút sau bữa ăn vì lúc này não bộ đang tập trung điều khiển dồn toàn bộ năng lượng cơ thể để thực hiện việc tiêu hóa thức ăn một cách hiệu quả nhất, nếu bạn có những hoạt động khác thì cơ thể sẽ có sự “chia sẻ” năng lượng nhất định khiến dạ dày hoạt động quá tải, kém hiệu quả, lâu dần sẽ gây nên bệnh đau dạ dày .

Bởi căng thẳng, stress, áp lực chính là nguyên nhân làm tăng sản sinh axít dạ dày và tiêu hóa chậm, gây rối loạn dạ dày lâu dần gây nên các chứng bệnh đau dạ dày và rất nhiều chứng bệnh khác. Chính vì vậy bạn cần sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, giải tỏa stress, luôn giữ cho mình tâm lý thoải mái, vui vẻ chính là biện pháp hỗ trợ phòng bệnh đau dạ dày nói riêng và các căn bệnh khác nói chung.

Chú ý giữ ấm vùng bụng: vùng bụng sau khi bị lạnh sẽ khiến chức năng dạ dày kém đi. Vì vậy, người bị bệnh dạ dày càng nên chú ý giữ ấm cơ thể nhất là vùng bụng, đừng để nhiễm lạnh.

Về cách ăn

Cần đảm bảo ăn uống vệ sinh, rửa tay sạch trước khi ăn, ăn chín uống sôi nhằm hạn chế vi khuẩn xâm nhập gây bệnh viêm dạ dày.

Thực hiện việc ăn chậm, nhai kỹ để giảm bớt gánh nặng hoạt động cho dạ dày; hạn chế tối đa việc ăn nhanh nuốt vội, vừa ăn vừa làm việc, hãy cố gắng thư giãn trong bữa ăn để dạ dày hoạt động hiệu quả giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn nhé.

Ăn uống điều độ: nghiên cứu cho thấy, ăn uống điều độ đúng giờ, có định lượng sẽ hình thành phản xạ có điều kiện, hỗ trợ bài tiết tuyến tiêu hóa, có lợi cho tiêu hóa. Bạn cần ăn đầy đủ 3 bữa/ngày và ăn đúng giờ, không nên để dạ dày quá đói hoặc quá no vì khi đó các axit trong dạ dày sẽ tiết ra, gây ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa.

Không vừa ăn vừa uống, tốt nhất hãy uống 1 cốc nước trước bữa ăn 30 phút để giúp bạn ăn ngon miệng hơn và sau khi ăn chỉ nên uống thêm một vài ngụm nước nhỏ.

Những thực phẩm nên hạn chế

Ăn ít thực phẩm chiên rán: do các loại đồ ăn này không dễ tiêu hóa nên có thể làm gia tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa. Ăn nhiều có thể khiến máu nhiễm mỡ, không tốt cho sức khỏe.

Ăn ít thực phẩm ngâm muối: trong các thực phẩm ướp chứa nhiều muối cũng làm cho dạ dày “vất vả” hơn trong khâu xử lý. Hơn nữa, chúng còn chứa một số chất gây ung thư, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra khi ăn các loại thức ăn có chứa nitrates và nitrites như thịt hun khói, thịt ướp cá muối, cũng như rau, cà, dưa muối… nên cần hạn chế, không nên ăn.

Hạn chế đồ sống, lạnh: đồ ăn sống, lạnh có tác dụng kích thích khá mạnh đối với niêm mạc đường tiêu hóa, nhất là niêm mạc dạ dày nên dễ gây tiêu chảy hoặc viêm dạ dày.

Uống nước đúng cách: thời điểm uống nước tốt nhất là lúc ngủ dậy vào sáng sớm và một giờ trước khi ăn. Uống nước ngay sau bữa ăn sẽ làm loãng dịch vị dạ dày, càng dễ gây ra chứng đau dạ dày. Uống quá nhiều nước canh cũng sẽ ảnh hưởng tới việc tiêu hóa thức ăn trong và sau bữa ăn.

Bổ sung vitamin C: vitamin C có tác dụng bảo vệ dạ dày nếu tiêu thụ trong mức cho phép. Duy trì hàm lượng vitamin C bình thường trong dịch dạ dày có thể phát huy hiệu quả chức năng của dạ dày và tăng cường sức đề kháng cho dạ dày. Bạn nên bổ sung vitamin C qua chế độ ăn uống hàng ngày với các loại rau củ quả tươi.

Bệnh đau dạ dày tuy phổ biến nhưng lại là căn bệnh có thể phòng ngừa, hãy áp dụng và thực hiện một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học để bảo vệ và nâng cao sức khỏe, đặc biệt giúp hạn chế các nguy cơ về bệnh về dạ dày.

Thông Tin Cần Biết

Phải làm gì khi bị đau dạ dày?

Phải làm gì khi bị đau dạ dày?

Phòng tránh cũng giống như chữa bệnh, bạn cần lên một chế độ sinh hoạt hợp lí và khoa học để dạ dày của bạn được nghỉ ngơi đúng mức, tránh tình trạng đau dạ dày, sẽ ảnh hưởng xấu đến cuộc...

Bệnh dạ dày khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY