Vụ trẻ nhiễm sán lợn: Người dân không nên quá hoang mang, nấu thịt chín kỹ sẽ tiêu diệt sán

Ngày 18/03/2019 15:00 PM (GMT+7)

Kể cả trường hợp thịt lợn bị ốm, nếu chế biến chín ở nhiệt độ cao thì sán cũng bị tiêu diệt và người ăn không thể nhiễm sán lợn.

Những ngày vừa qua dư luận xã hội đang rất hoang mang lo lắng khi hàng trăm học sinh mầm non ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có kết luận dương tính với sán lợn. Các phụ huynh học sinh cho rằng, con họ mắc sán lợn là do ăn phải thịt lợn ốm do một công ty cung cấp cho các trường mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành. Về vấn đề này, phía cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra và chưa có kết luận cuối cùng.

Về sự nguy hiểm khi bị mắc sán lợn, bác sĩ Nguyễn Quang Thiều – Phó viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết, khi bị nhiễm sán lợn ngoài vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa, người bệnh còn đối mặt với các nguy hiểm khác trong trường hợp ấu trùng sán lợn tấn công lên não, vào tim hoặc gan.

Vụ trẻ nhiễm sán lợn: Người dân không nên quá hoang mang, nấu thịt chín kỹ sẽ tiêu diệt sán - 1

BS Nguyễn Quang Thiều - Phó viện trưởng Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương

Về nguồn lây nhiễm của sán lợn, BS Thiều cho rằng sán có thể lây sang người qua việc ăn thịt lợn tái, sống như nem chua, nem chạo, thính…hoặc ăn các loại rau (rau sống) có ấu trùng sán lợn. Trong sự việc xảy ra tại huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, nhiều người cho rằng trẻ mầm non không thể ăn rau sống, thịt tái sống... vậy tại sao vẫn nhiễm sán?

BS Thiều lý giải, không ai có thể đảm bảo được rằng tất cả mọi thức ăn trẻ sử dụng đều đã được nấu chín 100%. “Kể cả trẻ không ăn rau sống nhưng khi ăn cái kẹo, cái bánh bị rơi xuống đất sau đó lại nhăt lên ăn, hoặc việc trẻ uống nước lã, ăn những loại đồ ăn không được cách ly mầm bệnh thì vẫn hoàn toàn có thể nhiễm giun sán nói chung và sán lợn nói riêng”, ông Thiều nói. Trong trường hợp thức ăn đã được nấu chín kỹ thì chắc chắn sán lợn đã bị tiêu diệt.

“Tôi phải khẳng định rằng, kể cả là thịt lợn ốm bị nhiễm sán nhưng nếu đã được nấu chín ở nhiệt độ cao thì sán cũng vẫn bị tiêu diệt. Tuy nhiên, khi ăn thịt lợn ốm, thịt lợn bẩn dù không bị nhiễm sán thì cũng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe vì không đảm bảo an toàn thực phẩm”, BS Thiều cho hay.

Một số ý kiến cho rằng, bị nhiễm sán lợn từ rau sống nguy hiểm hơn là bị nhiễm từ thịt lợn, BS Thiều cho biết, sán lợn là từ gọi chung cho dễ hiểu. Còn thực tế có hai loại đó là sán lợn trưởng thành và ấu trùng sán lợn.

Vụ trẻ nhiễm sán lợn: Người dân không nên quá hoang mang, nấu thịt chín kỹ sẽ tiêu diệt sán - 2

Thịt lợn gạo nếu được nấu chín ở nhiệt độ cao thì sán lợn cũng sẽ bị tiêu diệt, không thể lây bệnh

Với sán lợn trưởng thành khi vào cơ thể nó sẽ khu trú ở đường ruột, khi hết vòng đời nó sẽ đứt đoạn và theo đường phân ra ngoài. Còn ấu trùng sán lợn khi đi vào cơ thể nó có thể tấn công và làm tổ trên não, tấn công vào gan, cơ tim…Với trường hợp này thì rất nguy hiểm, cần phải điều trị nếu không sẽ bị ảnh hưởng đó là có thể bị động kinh, co giật…

Tóm lại, BS Thiều cho rằng, việc trẻ bị nhiễm giun sán nói chung và sán lợn nói riêng không phải là bệnh cấp tính và không quá nguy hiểm. Bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách ăn chín, uống sôi.

Khi mắc bệnh, sán lợn nếu hoàn toàn có thể loại trừ bằng việc uống thuốc tẩy giun sán. Chỉ có những trường hợp sán đi lạc chỗ như lên não, vào gan hoặc các cơ thì mới cần phải điều trị nội trú theo phác đồ. Việc điều trị hoàn toàn có thể loại trừ được sán, tùy vào từng trường hợp bác sĩ sẽ đưa ra lộ trình điều trị hợp lý.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

- Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh. - Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.

- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi

Bộ Y tế hướng dẫn cách nhận biết và biện pháp phòng bệnh sán lợn
Sự việc 62 trẻ mầm non ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh dương tính với bệnh sán lợn đã gây nhiều hoang mang trong các bậc phụ huynh về nguy cơ con mình...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vụ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh