Xét nghiệm ADN cho thai nhi trong bụng, người phụ nữ ở Hà Nội chết lặng nhận kết quả: "Con của bố, không phải của mẹ"

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 18/05/2023 11:40 AM (GMT+7)

Khi xét nghiệm ADN, chuyện cha con có kết quả không cùng huyết thống là rất bình thường, thế nhưng mẹ không cùng huyết thống với đứa con trong bụng lại rất ít gặp.

Sau nhiều năm làm nghề, thạc sĩ Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền không thể nhớ hết mình đã tư vấn và thực hiện bao nhiêu ca xét nghiệm ADN cho khách hàng. Mỗi trường hợp là một câu chuyện và mục đích xét nghiệm cũng khác nhau. Trong số các ca xét nghiệm, có một trường hợp bà Nga nhớ mãi vì kết quả khiến nhiều người không tin nổi.

Đó là tình huống của chị Nguyễn Thúy Hạnh, người phụ nữ đến làm xét nghiệm ADN khi đang mang thai và có chồng là người nước ngoài. Chị Hạnh được một đại sứ quán giới thiệu đến xét nghiệm để hoàn tất thủ tục xuất cảnh.  

Theo quy định, một người phụ nữ muốn ra nước ngoài với chồng thì phải có kết quả xét nghiệm ADN của đứa trẻ trong hồ sơ nếu như họ đã có con hoặc đang mang bầu. Kết quả ADN giữa người bố và đứa trẻ đang trong bụng mẹ hoặc đứa trẻ đã ra đời là một căn cứ để quyết định họ có được xuất cảnh theo chồng hay không.

Bà Nga cho biết, kết quả xét nghiệm đứa con trong bụng là con của bố nhưng không phải con của mẹ rất ít gặp ở trung tâm.

Bà Nga cho biết, kết quả xét nghiệm đứa con trong bụng là con của bố nhưng không phải con của mẹ rất ít gặp ở trung tâm. 

Theo bà Nga, với trường hợp của chị Hạnh, khi đứa trẻ vẫn ở trong bào thai thì phương pháp xét nghiệm ADN để tìm quan hệ huyết thống sẽ nhờ vào một lượng nước ối nhỏ được hút ra từ túi ối trong bụng người mẹ. Nước ối mang nhiều ADN của đứa trẻ nên từ lượng nước ối này sẽ cho ra kết quả chính xác đứa trẻ có phải con của người cha hay người mẹ hay không. Thời gian xét nghiệm cũng rất nhanh và lệ phí xét nghiệm cũng không khác gì so với xét nghiệm huyết thống với một đứa trẻ đã chào đời.

Sau khi nghe giải thích và lấy mẫu để làm xét nghiệm, chị Thúy Hạnh trở về đợi. “Khi có kết quả, chính chúng tôi cũng có chút lúng túng nên đã kiểm tra, rà soát lại các khâu xem có bị nhầm lẫn mẫu với một người mẹ nào khác không. Sau khi rà soát, chúng tôi khẳng định không có sự nhầm lẫn nào. Kết quả khẳng định: Thai nhi là con của bố, không phải con của mẹ”, bà Nga chia sẻ.

Khi đọc kết luận thai nhi đúng con của bố, chị Hạnh rất hồ hởi, vui mừng. Sau đó, mặt người phụ nữ biến sắc khi nhìn vào kết luận cuối cùng. “Cô ơi, sao lại thế này nhỉ? Đứa bé nằm trong bụng cháu, nước ối lấy ra từ bụng cháu thì đương nhiên nó phải là con của cháu chứ. Rõ ràng nó đã là con của chồng cháu rồi cơ mà. Nó phải là con của cháu nữa chứ?”, chị Hạnh hỏi dồn dập bà Nga.

Đợi chị Hạnh bình tĩnh lại, bà Nga mới giải thích rằng, sở dĩ có kết quả trên là vì đứa trẻ này được hình thành từ trứng của một người phụ nữ khác, chứ không phải trứng của chị Hạnh. Do vậy, cái thai trong bụng chỉ là con của người chồng ngoại quốc kia, chứ chị Hạnh không phải là mẹ sinh học của đứa trẻ.

Việc thụ tinh nhân tạo từ trứng người khác là nguyên nhân dẫn tới kết quả thai nhi không phải con của mẹ. (Ảnh minh họa)

Việc thụ tinh nhân tạo từ trứng người khác là nguyên nhân dẫn tới kết quả thai nhi không phải con của mẹ. (Ảnh minh họa)

“Cô giải thích như vậy chắc cháu đã hiểu và có thể tự trả lời cho mình những câu hỏi vừa rồi”, bà Nga nói. Lúc này, chị Hạnh mới tiết lộ bí mật, mà ngay bản thân chị cũng không ngờ nó lại đi ngược hoàn toàn với những gì dự tính.

Chị Hạnh kể, do lấy chồng nhưng đợi mãi chưa có thai nên chị đã đi kiểm tra và phát hiện trứng mình bị lép không thể có con tự nhiên. Các bác sĩ khuyên rằng, nếu muốn có con thì phải thụ tinh nhân tạo và hai vợ chồng chị đã đồng ý. Tinh trùng thì lấy của người chồng, nhưng trứng được xin từ ngân hàng để tạo phôi, sau đó chuyển vào tử cung của chị Hạnh. Đó chính là lý do cái thai trong bụng chỉ là con của bố, chứ không phải con của mẹ.

“Cháu đã thông báo với bố mẹ chồng ở bên kia là đã có thai, bố mẹ mừng lắm, đang từng ngày trông ngóng con dâu và cháu sang. Bây giờ kết quả như vậy, cháu phải làm sao? Cô giúp cháu gạch bỏ dòng “không phải con mẹ” đi được không cô? Điều này sẽ không gây ảnh hưởng xấu cho ai, phải không cô?”, chị Hạnh khẩn thiết cầu xin bà Nga giúp đỡ. Thế nhưng câu trả lời của trung tâm là: “Không thể”. Như vậy là gian dối. “Chỉ cần một lần cháu gian dối là sẽ bị đại sứ quán ghi tên vào sổ đen và mãi mãi không bao giờ có thể xuất nhập cảnh qua đó được nữa”, bà giải thích.

Chị Hạnh sau đó rời đi với gương mặt buồn rầu và những bước chân tuyệt vọng. Hy vọng sau đó, hai vợ chồng chị  sẽ có cách giải quyết sự việc hợp tình, hợp lý bởi khát khao có con của họ là hoàn toàn chính đáng và cả hai cũng đồng thuận khi quyết định thụ tinh nhân tạo.

Xét nghiệm ADN cho thai nhi có an toàn không? Trường hợp nào không nên xét nghiệm

Theo các chuyên gia, với các kỹ thuật hiện đại ngày nay, trong quá trình mang thai hoàn toàn có thể làm được xét nghiệm ADN là vì lượng ADN của thai nhi được giải phóng và di chuyển tự do trong máu mẹ xuyên suốt thai kỳ. 

Chính vì vậy, người ta có thể sử dụng mẫu máu tĩnh mạch, lấy dịch nước ối hoặc tế bào gai thai để tiến hành xét nghiệm ADN. Nói cách khác có thể xét nghiệm ADN cho thai nhi bằng phương pháp xâm lấn và không xâm lấn. 

Trong đó, phương pháp xâm lấn dễ xảy ra tai biến với thai nhi như nhiễm trùng nước ối, sảy thai, rò rỉ nước ối,... Còn xét nghiệm không xâm lấn thì an toàn hơn, nhưng nhược điểm là giá thành cao. 

Các xét nghiệm ADN thai nhi có thể thực hiện từ khi thai nhi được 7 tuần tuổi. Nguyên nhân là do, tuần thứ 7 trở đi nồng độ ADN tự do (hay còn gọi là cfDNA) giải phóng vào máu mẹ mới đủ để tiến hành xét nghiệm. 

Xét nghiệm ADN khi mang thai không được thực hiện hoặc kết quả xét nghiệm không chính xác trong các trường hợp sau:

- Đa thai hoặc hiện tượng thai nhi tiêu biến.

- Thai IVF chuyển nhiều hơn 1 phôi.

- Trường hợp mang thai hộ, xin trứng từ người khác.

- Thai phụ mang khối u.

- Thiếu máu trong thai kỳ, truyền máu (trong vòng 1 năm), ghép tủy xương hoặc ghép tạng, sử dụng liệu pháp tế bào gốc.

- Thai phụ hoặc người cha giả định có ít nhất hai tập hợp tế bào có bộ nhiễm sắc thể mang các gen khác hẳn nhau ở hai dòng tế bào.

Tóm lại, không nên xét nghiệm ADN cho thai nhi trừ một số trường hợp quá khẩn cấp ví dụ như liên quan đến thủ tục pháp lý. Các vấn đề khác nhưng không khẩn cấp hoàn toàn có thể đợi đứa trẻ chào đời rồi thực hiện, điều này để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thai nhi cũng như người phụ nữ trong quá trình mang bầu. 
 

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Hai con gái nhóm máu B, con trai út nhóm máu A, người bố chết lặng trước lời phán: Khỏi xét nghiệm ADN, vợ anh có vấn đề
Sau khi đa con đi viện và phát hiện trẻ có nhóm máu khác của cả bố và mẹ, người chồng mất ăn, mất ngủ suy nghĩ liệu có cần phải đi xét nghiệm ADN. Đại...

Bí ẩn từ xét nghiệm ADN

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí ẩn từ xét nghiệm ADN