Từng là người hoàn toàn khỏe mạnh, anh Tuấn Linh mắc bệnh viêm gan siêu vi B từ bạn gái, do cả hai từng nhiều lần "yêu" không dùng biện pháp bảo vệ.
Bị bạn gái trách oan
Anh Tuấn Linh (34 tuổi), giám đốc một công ty truyền thông tại TP.HCM, cho biết đang điều trị viêm gan B theo phác đồ của bác sĩ tại bệnh viện gần nhà.
Anh Linh kể, trước đây mình có sức khỏe bình thường nhưng khoảng 5 tháng trước, anh thấy người mệt mỏi, giảm cân, rối loạn tiêu hóa và bị sốt. Khi khám và làm các xét nghiệm tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), anh được bác chẩn đoán mắc viêm gan siêu vi B giai đoạn đầu. “Ban đầu, tôi không biết vì sao mình bị bệnh, nguồn lây đến từ đầu”, anh nói.
Tuấn Linh từng hối hận và tự trách vì nghĩ mình lây bệnh cho bạn gái. Ảnh minh họa.
Sau khi biết chính xác cả gia đình mình không ai mắc bệnh này, anh Linh động viên bạn gái đi khám, làm các xét nghiệm thì có kết quả cô cũng mắc viêm gan siêu vi B. “Tôi và bạn gái từng nhiều lần quan hệ không an toàn. Lúc đầu, tôi bị cô ấy trách vì là người truyền bệnh. Tôi đã rất hối hận và tự trách mình”, anh giám đốc 34 tuổi nhớ lại.
Sau khi được bác sĩ điều trị giải thích, ngoài lây qua đường tình dục và tiếp xúc với máu người bệnh, virus viêm gan siêu vi B còn lây qua đường từ mẹ sang con, Tuấn Linh mới nguôi ngoai, yên tâm cùng bạn gái điều trị bệnh.
Anh đã được minh oan khi phát hiện mẹ bạn gái cũng được chẩn đoán đã mắc bệnh từ lâu và truyền bệnh cho con gái. “Mẹ cô ấy lây bệnh từ chồng rồi truyền sang con gái khi mang thai, sinh con. Do bệnh chưa bộc phát nên hai mẹ con không đi khám và điều trị”, anh Tuấn Linh chia sẻ.
Hiện anh dùng thuốc, ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh và mong rằng sẽ không lây bệnh này cho người khác, cho vợ tương lai và các con mình.
Theo các bác sĩ, sử dụng biện pháp an toàn khi "yêu" là cách tránh lây nhiễm virus viêm gan B và nhiều bệnh tình dục khác. Ảnh minh họa.
Có thể mắc viêm gan B chỉ từ 1 lần "yêu" không an toàn
Theo BS.CKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng Khoa khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, viêm gan siêu vi B là bệnh truyền nhiễm, do virus viêm gan B gây ra. Căn bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây tổn thương gan, hủy hoại tế bào gan và rất dễ tiến triển thành ung thư.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 3 triệu người mắc viêm gan B mới và 1 triệu ca tử vong do virus viêm gan B. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% trường hợp viêm gan B được chẩn đoán, trong đó 22% được điều trị.
Bác sĩ Huyền cho biết, virus viêm gan B có mặt ở tất cả các dịch cơ thể, nhưng nó chỉ lây lan qua tiếp xúc máu trực tiếp, quan hệ tình dục không an toàn và mẹ truyền sang con khi mang thai hoặc khi sinh.
Đối với đường lây virus viêm gan B qua đường quan hệ tình dục, Ths.BS Hoàng Thị Năng, Giám đốc chuyên môn tại một bệnh viện tư cho biết, đây là nỗi lo của nhiều người nhưng không ít người mắc sai lầm.
Theo bác sĩ Năng, bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B nếu “yêu” không an toàn bằng bất kỳ hình thức nào cũng truyền bệnh cho bạn tình khỏe mạnh. “Người mắc viêm gan B có thể “yêu” bình thường, với điều kiện cần có biện pháp bảo vệ an toàn, tránh trầy xước và tiếp xúc với máu người bệnh”, bác sĩ Năng chia sẻ.
Bác sĩ Năng khuyến cáo, với những người không mắc bệnh, khi gặp bạn tình chưa rõ tình trạng sức khỏe, tốt nhất nên sử dụng bao cao su và các biện pháp an toàn khi “yêu” để tránh nhiễm viêm gan B và nhiều bệnh về tình dục dễ lây nhiễm khác.
Tiêm vắc xin viêm gan B là cách tránh lây nhiễm bệnh này. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Huyền lý giải thêm, phần lớn người mới mắc viêm gan B không có bất kỳ dấu hiệu gì cảnh báo. Trường hợp hệ thống miễn dịch của người mắc viêm gan B phản ứng với virus viêm gan B thì người đó có thể cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi, đôi khi có sốt, đi tiểu nước vàng, đau khớp, đau dạ dày, vàng da, vàng mắt hoặc chán ăn, sợ mỡ. Chính vì điều này đã xảy ra nhiều câu chuyện éo le như trường hợp của anh Tuấn Linh và bạn gái.
Theo bác sĩ Huyền, bệnh viêm gan B có khả năng tự phục hồi và thải sạch virus là 95% nếu phát hiện ở giai đoạn đầu. Vì vậy, vị bác sĩ khuyến cáo, người mắc bệnh cần nghỉ ngơi và tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ, không nên tự ý bỏ thuốc và dùng những loại thuốc không rõ nguồn gốc. Bởi việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc thì có thể bệnh không khỏi mà gây suy gan, suy thận.
Bác sĩ Huyền cũng cho rằng, những người mắc viêm gan B như anh Tuấn Linh hoàn toàn sinh con mà không lây con. Tuy nhiên, trước khi kết hôn, anh cần đưa bạn đời đi tiêm phòng vắc xin viêm gan B. Khi sinh con, cần tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho trẻ ngay sau khi chào đời để trẻ có kháng thể, tránh bị lây nhiễm bệnh.
“Nếu người bệnh là nữ thì có thể lây bệnh cho con khi mang thai hoặc khi chuyển dạ. Vì vậy, khi có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm hoặc gan mật để được tư vấn các biện pháp dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con”, bác sĩ Huyền khuyến cáo.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.