Suy sinh dục và những điều quan trọng cần biết

Suy sinh dục nam, còn được gọi là thiểu năng sinh dục nam do thiếu hụt nội tiết tố testosteron làm ảnh hưởng đến nhiều chức năng của các hệ cơ quan, có tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống nam giới.

Suy giảm sinh lý nữ là một hội chứng phức tạp, liên quan đến nhiều nội tiết tố sinh dục, trong đó, sự suy giảm estrogen là yếu tố mang tính chất quyết định. 

Suy sinh dục nam

Suy sinh dục nam, còn được gọi là thiểu năng sinh dục nam do thiếu hụt nội tiết tố testosteron làm ảnh hưởng đến nhiều chức năng của các hệ cơ quan, có tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống nam giới.

Suy sinh dục nam là một hội chứng khá phổ biến, chiếm gần nửa số nam giới tuổi từ 40 - 65.

Suy tuyến sinh dục nam khởi phát muộn và thường “bị bỏ quên” trong nhiều năm cũng vì triệu chứng mơ hồ và khác nhau tùy từng người. Nam giới từ 40 - 55 tuổi có thể sẽ trải qua hiện tượng tương tự với mãn kinh ở phụ nữ, gọi là tắt dục nam hoặc mãn dục nam. Hiện nay, hiện tượng này được gọi bằng các thuật ngữ mới như suy giảm một phần androgen ở nam giới đứng tuổi hay suy tuyến sinh dục nam khởi phát muộn. Suy sinh dục nam có thể là thứ phát bởi một bệnh hệ thống, bởi sự lạm dụng các loại thuốc hoặc bị một bệnh lý ở hệ sinh dục, tiết niệu và nội tiết hoặc chỉ bởi tâm lý, trong đó người đàn ông không thể đạt được sự cương dương, sự xuất tinh hoặc cả hai.

Thông thường, chứng suy sinh dục nam được phân loại như sau:

Mất ham muốn: Nguyên nhân có thể do thiếu hụt androgen, do rối loạn tâm lý, do dùng hoặc lạm dụng thuốc gây nghiện. Sự thiếu hụt androgen có thể đo lường được bằng lượng testosteron và gonadotrophin/huyết tương trong khi tình trạng giảm năng tuyến sinh dục (hypogonadism) lại đưa đến sự không xuất tinh do giảm tiết tinh dịch từ túi tinh và prostat.

Rối loạn cương dương: Do giảm testosteron, rất ít gặp nhưng dễ chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, sự giảm đến mức giới hạn của testosteron lại không phải là nguyên nhân của sự không cương dương. Do tăng prolactin máu đưa đến ức chế sản xuất testosteron và gonadotropin, nguyên nhân có thể: khối u ở tuyến yên, do sử dụng các thuốc gây tăng sản xuất prolactin như oestrogen, lạm dụng phenothiazin hay reserpin (2 - 5% trường hợp). Việc sử dụng một số thuốc như: thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị tăng huyết áp, các thuốc an thần, chống lo âu… có tác dụng phụ gây rối loạn cương dương.

Không xuất tinh: Nam giới rất khó khăn trong việc xuất tinh, thậm chí có trường hợp còn xuất tinh ngược.

Không có khoái cảm: thường do tâm lý nếu bệnh nhân vẫn có ham muốn và vẫn còn cương dương được.

Nguyên nhân gây suy sinh dục nam

Có 2 nguyên nhân chính, nguyên phát do rối loạn chức năng tinh hoàn bẩm sinh và thứ phát do ảnh hưởng của bệnh lý (quai bị, tan máu bẩm sinh...) hoặc do tác dụng phụ của thuốc (thuốc giảm đau dạng thuốc phiện và một số hormon ngoại sinh...), chất độc hại hoặc do béo phì hoặc do chấn thương tinh hoàn... gây rối loạn chức năng của vùng dưới đồi - tuyến yên (quá trình sản sinh ra testosteron chịu sự tác động của vùng dưới đối - tuyến yên) nên ảnh hưởng rất lớn việc sản sinh testosteron.

Biểu hiện của suy tuyến sinh dục ở nam

Giảm ham muốn tình dục cùng với rối loạn cương, thiếu nhiệt tình trong công việc, thiếu bền bỉ và chịu đựng, dễ bị bức xúc, cảm xúc bực bội, giảm hứng thú sống và giảm cảm giác khỏe mạnh, sức chế ngự chịu đựng kém, mất ngủ, khó ngủ thường xuyên nhưng lại buồn ngủ ngay sau khi ăn tối, rối loạn vận mạch, bừng nóng, choáng váng, bốc hỏa, giảm nhạy cảm ở đầu dương vật, dương vật nhỏ đi, tinh hoàn nhỏ đi, vú to ra, béo lên, mỡ phát triển ở vùng bụng và thắt lưng, loãng xương dễ gãy xương, gù, vẹo, các dấu hiệu thiểu năng tuyến yên; bệnh mạn tính phát triển như đái tháo đường, hen, béo phì, tăng huyết áp...

Nhận biết suy tuyến sinh dục ở nam giới

Suy tuyến sinh dục khởi phát muộn thường kèm với giảm testosteron. Hầu như bất kỳ người đàn ông nào ngoài 40 tuổi cũng giảm testosteron nhưng mỗi người có biểu hiện mỗi khác. Mặc dù nồng độ testosteron ở nam giới giảm theo tuổi nhưng không phải ai cũng giống nhau. Hậu quả của testosteron thấp là làm giảm hoạt động tình dục, thay đổi thói quen, tâm lý, xúc cảm, giảm khối lượng và sức mạnh cơ, tăng khối lượng mỡ ở bụng và phần trên cơ thể, loãng xương, đau lưng, nguy cơ tim mạch. Sang chấn về tâm lý, rượu, tai nạn, phẫu thuật, dùng thuốc, béo phì và nhiễm trùng có thể là yếu tố tác động tới suy giảm nội tiết tố ở nam giới.

Điều trị

Hiện nay, việc điều trị chứng suy sinh dục ở nam giới không quá khó khăn. Xét nghiệm máu có thể giúp chẩn đoán chính xác, việc điều trị sớm sẽ giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhân. Bổ sung testosteron là phương pháp điều trị hiệu quả sau 3-6 tháng. Nó có tác dụng tăng sức sống, tăng ham muốn tình dục, cải thiện khả năng cương, cải thiện tinh thần, giảm buồn rầu hay giận dữ, mệt mỏi...

Ngoài ra, bổ sung testosteron còn làm tăng khối lượng cơ, giảm mỡ, tăng sức mạnh và độ bền của cơ bắp, giảm hao hụt khối lượng xương, đặc biệt là giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Phương pháp này thích hợp cho hầu hết nam giới bị suy giảm nội tiết tố. Tuy nhiên, người bị ung thư tuyến tiền liệt, bệnh gan, bệnh tim, phù, phì đại tuyến tiền liệt, bệnh thận, đái tháo đường không nên bổ sung testosteron.

Bên cạnh đó, việc thay đổi lối sống theo hướng tích cực cũng góp phần cho việc điều trị thành công như chế độ ăn hợp lý, không hút thuốc lá và không uống rượu, tập thể dục đều đặn, tránh và giảm căng thẳng thần kinh (nếu có).

Suy sinh dục nữ

Suy giảm sinh lý nữ là một hội chứng phức tạp, liên quan đến nhiều nội tiết tố sinh dục, trong đó, sự suy giảm estrogen là yếu tố mang tính chất quyết định. Thông thường, hội chứng này xuất hiện rõ nhất vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.

Nguyên nhân gây suy sinh dục nữ

Một số yếu tố có thể góp phần vào sự suy giảm tình dục hoặc rối loạn chức năng. Những yếu tố này có xu hướng tương quan với nhau.

Vật lý: điều kiện thể chất có thể gây ra hoặc góp phần vào vấn đề tình dục bao gồm những khó khăn: viêm khớp, tiết niệu hoặc ruột, phẫu thuật vùng chậu, mệt mỏi, nhức đầu, vấn đề đau khác và các rối loạn thần kinh như bệnh đa xơ cứng. Một số thuốc, bao gồm cả thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp, kháng histamin, thuốc hóa trị liệu có thể làm suy giảm tình dục.

Nội tiết: mức estrogen thấp sau khi mãn kinh có thể dẫn đến những thay đổi trong các mô sinh dục và đáp ứng tình dục. Các nếp gấp của da bao phủ khu vực bộ phận sinh dục (môi lớn) trở nên mỏng hơn, âm vật tiếp xúc nhiều hơn. Điều này đôi khi làm giảm tiếp xúc tăng độ nhạy cảm của âm vật, hoặc có thể gây ngứa ran hoặc cảm giác khó chịu. Ngoài ra, niêm mạc âm đạo trở nên mỏng và kém đàn hồi, đặc biệt nếu không sinh hoạt tình dục. Đồng thời, sự kích thích âm đạo đòi hỏi nhiều hơn để thư giãn và bôi trơn trước khi giao hợp. Những yếu tố này có thể dẫn đến đau khi giao hợp và trải qua cơn cực khoái có thể lâu hơn. Mức độ hoóc-môn của cơ thể cũng thay đổi sau khi sinh và trong thời gian cho con bú, có thể dẫn đến khô âm đạo và có thể ảnh hưởng đến ham muốn tình dục.

Tâm lý và xã hội: nếu không điều trị lo âu hay trầm cảm có thể gây ra hoặc góp phần rối loạn chức năng tình dục, như: có thể căng thẳng lâu dài; những lo lắng khi mang thai và sau khi mới sinh con; xung đột lâu dài với chồng, bạn tình về tình dục hay khía cạnh khác của mối quan hệ có thể làm giảm hứng thú tình dục; các vấn đề văn hóa và tôn giáo và các vấn đề về hình thể.

Yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ rối loạn chức năng tình dục:

- Trầm cảm hoặc lo âu.

- Bệnh tim mạch.

- Các bệnh về thần kinh, như: tổn thương tủy sống hoặc bệnh đa xơ cứng.

- Các bệnh về gan và thận.

- Một số thuốc như: thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc huyết áp cao.

- Cảm xúc hay tâm lý căng thẳng, đặc biệt là đối với các mối quan hệ với các đối tác.

- Từng bị lạm dụng tình dục.

Thời gian để gây sự kích thích ở phụ nữ chậm, yếu tố tâm lý chiếm một tỉ lệ khá cao so với các yếu tố khác. Yếu tố tâm lý bao gồm: quan điểm cá nhân, xã hội, môi trường, các giá trị đạo đức luân lý, sự cấm đoán do tôn giáo, các quan hệ cá nhân của lứa đôi, cũng như nhận định chung về vấn đề tình dục. Phụ nữ thường ít khi lên tiếng than phiền về sự suy giảm ham muốn tình dục của mình và họ cũng chẳng bao giờ quan tâm hoặc đi tìm sự trợ giúp của người thầy thuốc Với truyền thống, giáo dục, trọng nam khinh nữ trong quá khứ đã đẩy người phụ nữ chấp nhận sự suy yếu tình dục của mình là một sự tự nhiên, là hợp với đạo đức. Trên phương diện xã hội, truyền thống đã không công bằng đối với phụ nữ ở vấn đề có hay không cho phép họ nói về tình dục.

Các triệu chứng điển hình

Triệu chứng toàn thân:

Sự thay đổi về dáng vẻ bên ngoài (da vùng mặt, cổ nhăn nheo, tóc bạc và rụng, ngực, mông, đùi… bị chảy sệ).

Thay đổi tâm sinh lý (hay cáu gắt, giận dữ, lo âu, vui buồn vô cớ).

Thay đổi về hệ thần kinh (mất ngủ, trầm cảm, hay quên, những phản xạ thần kinh chậm đi và không chính xác nữa).

Hệ thần kinh thực vật bị rối loạn, gây ra những cơn phừng nóng, mệt lả người, toát mồ hôi rất nhiều.

Hệ xương bị thoái hóa, loãng xương.

Viêm khớp gây hiện tượng đau, nhức mỏi ở các khớp; rối loạn chuyển hóa làm xơ vữa động mạch, đái tháo đường…

Rối loạn về hệ tim mạch gây tăng huyết áp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim…

Rối loạn hệ tiết niệu sinh dục gây rối loạn kinh nguyệt, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng phần phụ…

Triệu chứng rối loạn tình dục và sinh sản:

Giảm ham muốn tình dục.

Giảm tiết dịch nhầy âm đạo, làm cho âm đạo khô, gây đau đớn khi quan hệ vợ chồng.

Rối loạn về hiện tượng rụng trứng, giảm hoặc hết khả năng có con.

Các xét nghiệm chẩn đoán và Điều trị

Các xét nghiệm và chẩn đoán

Cần khám phụ khoa để kiểm tra các tổn thương có thể hưởng đến khả năng tình dục, chẳng hạn như sự tổn thương của các mô sinh dục, giảm tính đàn hồi của da, sẹo… Thầy thuốc có thể giới thiệu với một chuyên gia tư vấn hay chuyên gia trị liệu chuyên về vấn đề tình dục và hôn nhân.

Rối loạn chức năng tình dục nữ thường được chia thành các loại sau đây, không loại trừ lẫn nhau:

Mong muốn tình dục thấp: giảm ham muốn tình dục hoặc thiếu tình dục.

Kích thích tình dục rối loạn: mong muốn đối với quan hệ tình dục có thể còn nguyên vẹn, nhưng có khó khăn hoặc không thể trở nên hưng phấn hoặc duy trì kích thích trong quá trình hoạt động tình dục.

Rối loạn cực khoái: gặp khó khăn kéo dài hoặc tái phát trong việc đạt được cực khoái khi kích thích tình dục đầy đủ và sự kích thích liên tục.

Rối loạn tình dục đau: bị đau kết hợp với kích thích tình dục hoặc liên hệ với âm đạo.

Đáp ứng tình dục là một sự tương tác phức tạp của nhiều thành phần, bao gồm sinh lý, tình cảm, kinh nghiệm, lối sống, niềm tin và mối quan hệ. Nếu bất kỳ một trong các thành phần này bị phá vỡ, sự hưng phấn, kích thích hoặc sự hài lòng có thể bị ảnh hưởng.

Phương pháp điều trị

Điều trị sử dụng thuốc có chứa estrogen:

Estrogen: hóa liệu pháp estrogen, theo hình thức một loại kem âm đạo, vòng hoặc viên thuốc có thể cải thiện chức năng sinh dục, cải thiện độ đàn hồi, tăng lưu lượng máu âm đạo, tăng cường sự bôi trơn...

Androgen: androgen bao gồm kích thích tố nam, chẳng hạn như testosterone. Testosterone quan trọng cho chức năng sinh dục ở phụ nữ cũng như nam giới, mặc dù mức testosterone thấp hơn nhiều ở phụ nữ. Testosterone có thể dùng ngoài da hoặc là một viên thuốc kết hợp với estrogen. Tác dụng phụ như: mụn trứng cá, rậm lông, tính cách thay đổi là có thể… Do ảnh hưởng lâu dài của liệu pháp testosterone, nên theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ.

Liệu pháp nội tiết sẽ không giải quyết vấn đề tình dục có nguyên nhân không liên quan đến hoóc-môn.

Điều trị không dùng thuốc:

Phương pháp trị liệu hành vi, chẳng hạn như các cặp vợ chồng cần quản lý căng thẳng là cần thiết để giải quyết các nguyên nhân gây ra rối loạn chức năng tình dục nữ . Có thể cải thiện sức khỏe tình dục bằng cách tăng cường giao tiếp với đối tác và chọn lối sống lành mạnh.

Thảo luận và lắng nghe: một số cặp vợ chồng không bao giờ nói về tình dục, nhưng cởi mở và trung thực với đối tác có thể làm tạo nên sự hòa hợp về tình dục.

Tạo thói quen lối sống lành mạnh: tránh uống quá nhiều rượu. Uống quá nhiều sẽ giảm đáp ứng tình dục. Ngoài ra, ngừng hút thuốc và tập thể dục. Hút thuốc lá hạn chế máu lưu thông khắp cơ thể, và ít máu đến các cơ quan sinh dục có nghĩa là giảm kích thích tình dục và phản ứng cực khoái. Thường xuyên tập thể dục có thể làm tăng sức chịu đựng, cải thiện vóc dáng cơ thểvà cải thiện tâm trạng. Cuối cùng, đừng quên dành thời gian cho giải trí và thư giãn. Học để thư giãn giữa lúc những căng thẳng của cuộc sống hàng ngày.

Tìm kiếm sự tư vấn: nói chuyện với một chuyên gia tư vấn hay chuyên gia trị liệu chuyên về vấn đề tình dục và mối quan hệ. Điều trị thường bao gồm giáo dục cơ thể làm thế nào tối ưu hóa đáp ứng tình dục, cách thức tăng cường sự thân mật với bạn tình, chồng, và đọc tài liệu hoặc các bài thực hành cho cặp vợ chồng. Với sự giúp đỡ của chuyên gia trị liệu, có thể đạt được hiểu biết tốt hơn về bản sắc tính dục, niềm tin và thái độ, yếu tố bao gồm cả mối quan hệ gần gũi, gắn bó, truyền thông và phong cách đối phó và sức khỏe tình cảm tổng thể.

Tập luyện: các động tác tăng cường khí huyết lưu thông vùng bụng dưới với các động tác đi thẳng mông; ngồi trên chân kiểu viên đe; nằm ngửa ngay chân, khoanh tay ngồi dậy.

Thông Tin Cần Biết

Bệnh nội tiết khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY