Suy tuyến thượng thận - Nguyên nhân và cách điều trị

Khi tuyến thượng thận bị suy, có nghĩa là tuyến sản xuất quá ít cortisol, đôi khi là cả aldosterol dẫn đến rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí gây tử vong.

Tổng quan

Thượng thận là tuyến nội tiết nhỏ nằm ngay phía trên hai quả thận. Mỗi tuyến thượng thận gồm có hai phần, đó là phần tủy (bên trong) tiết ra các hormon catecholamin có tác dụng duy trì mức huyết áp và nhịp tim, phần vỏ (bên ngoài) tiết ra các hormon corticosteroid, những hormon này có vai trò rất quan trọng đối với sự sống của cơ thể chúng ta.

Khi tuyến thượng thận bị suy, có nghĩa là tuyến sản xuất quá ít cortisol, đôi khi là cả aldosterol dẫn đến rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí gây tử vong.

Nguyên nhân

Nguyên nhân ngay tại tuyến thượng thận: Khi vỏ thượng thận bị phá hủy cho nên không thể sản xuất đủ hormon theo nhu cầu của cơ thể, trong đó phải kể đến bệnh tự miễn, sau đó là nhiễm lao hoặc nhiễm vi khuẩn khác hoặc do di căn của ung thư ở một bộ phận khác tới thượng thận hoặc do chảy máu tuyến thượng thận với nhiều lý do khác nhau...

Nguyên nhân ngoài tuyến thượng thận:  Thường do tuyến yên bị tổn thương nên sản xuất ACTH bị giảm (ACTH là tên viết tắt của hormon kích vỏ thượng thận -adrenocorticotropic hormon, bài tiết ra các glucocorticoid), hậu quả là hoạt động của tuyến thượng thận cũng bị giảm mặc dù nó không hề bị tổn thương.

Một nguyên nhân suy tuyến thượng thận hay gặp là do dùng quá nhiều hoặc dùng kéo dài, liều cao hoặc do lạm dụng thuốc corticoid (như prednisolon, dexamethason, solu - medrol...) để điều trị các bệnh mạn tính như thấp khớp, hen, Lupus, viêm da dị ứng (mề đay, chàm...)... không theo đúng chỉ định của bác sĩ. Đây là một nguyên nhân khá phổ biến ở nước ta trong giai đoạn trước đây và hiện nay, gặp nhiều ở các bệnh nhân nữ lớn tuổi, không am hiểu hoặc hiểu sai về tác dụng của corticoid khi bị đau khớp, đau thắt lưng đã tự mua thuốc để điều trị kéo dài, đặc biệt không hiểu được tác dụng phụ nhưng rất nguy hiểm (suy tuyến thượng thận) của corticoid.

Triệu chứng

Bệnh suy tuyến thượng thận mạn thường gặp ở người trẻ tuổi. Bệnh diễn biến từ từ trong nhiều năm, bắt đầu rất kín đáo. Khi có các triệu chứng nổi bật, rầm rộ thì tổn thương nhu mô tuyến đã rất nặng nề và đã ảnh hưởng đến nhiều phủ tạng.

Triệu chứng toàn thân: mệt mỏi, thiếu sinh khí, giảm khả năng lao động, mỏi cơ; gầy, sụt cân; hạ đường huyết sáng sớm, lúc đói.

Triệu chứng ngoài da: da nhăn nheo do mất nước, muối; sạm da và niêm mạc. Thường xảy ra trên phần da hở (da mặt, quanh mi mắt, nếp gấp lòng bàn tay, các vết sẹo cũ, đường trắng ở bụng), mặt trong má, môi, lưỡi, những nơi đã thâm cũ (núm vú, bộ phận sinh dục ngoài).

Triệu chứng tim mạch: huyết áp thấp, mạch nhanh, tim bé.

Triệu chứng tiêu hóa: thường bị rối loạn tiêu hóa, tiêu lỏng; bài tiết acid dịch vị giảm ở dạ dày; bệnh túi mật.

Triệu chứng tâm thần kinh: rối loạn ý thức: lú lẫn, lơ mơ, hôn mê. Xen kẽ triệu chứng kích thích thần kinh lẫn ức chế thần kinh: vật vã, choáng.

Thay đổi cơ quan sinh dục, sinh dục phụ: trên thực tế lâm sàng cần chú ý 4 triệu chứng quan trọng mà Addison nêu lên: sạm da, mệt mỏi, hạ đường huyết và sụt cân.

Điều trị

Điều trị suy thượng thận mạn tính: Bổ sung các hormon thượng thận mà chủ yếu là cortison dưới dạng các thuốc uống như hydrocortison, prednisolon. Do nguyên nhân phổ biến gây suy thượng thận là bệnh tự miễn nên điều trị thường là suốt đời, nhưng liều lượng có thể thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe cũng như tuổi tác của bệnh nhân.

Điều trị cơn suy thượng thận cấp: Do suy thượng thận cấp là bệnh nặng, có thể gây tử vong do các nguyên nhân huyết áp tụt, hạ đường huyết, tăng kali máu... nên người bệnh cần được điều trị tích cực và nhanh chóng, các thuốc phải được dùng bằng đường tiêm như tiêm tĩnh mạch hydrocortison, truyền tĩnh mạch các dung dịch đường glucose hoặc muối natri clorua.

Để đề phòng các cơn suy thượng thận cấp cũng như các hậu quả xấu của biến chứng này thì ngoài việc phải uống thuốc hydrocortison đều đặn bệnh nhân suy thượng thận nên:

Luôn mang theo người thẻ có ghi vắn tắt chẩn đoán và điều trị. Bởi nếu trong trường hợp bệnh nhân bị hôn mê thì các thầy thuốc sẽ có cơ sở để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Dự trữ thuốc: Nếu bỏ uống thuốc một ngày thì rất nguy hiểm, vì vậy lúc nào cũng cần có một túi thuốc dự trữ tại nơi làm việc hoặc mang theo người để luôn có thuốc uống.

Giữ liên hệ với thầy thuốc bằng cách đi khám định kỳ theo lịch hẹn hoặc gọi điện để được tư vấn đầy đủ về việc tăng hoặc giảm liều thuốc cho phù hợp.

Biện pháp tránh tái phát

Để chức năng của tuyến thượng thận phục hồi hoàn toàn và để tránh tái mắc bệnh, ngoài việc dùng thuốc và thực hiện các yêu cầu về ăn uống, sinh hoạt theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ điều trị, bạn cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây: không tự ý dùng các thuốc kháng viêm giảm đau không có toa, không rõ nguồn gốc, vì đa phần các loại thuốc kháng viêm, giảm đau mạnh đều có nguồn gốc từ corticoid. Không nên dùng các thuốc gia truyền, y học cổ truyền không có nguồn gốc, không kê đơn, nhất là các thuốc dùng để trị các chứng bệnh đau nhức xương khớp, hoặc viêm mũi xoang, hen suyễn... vì rất nhiều kẻ đã trộn thêm dexa để làm tăng công hiệu, đánh lừa bệnh nhân. Trường hợp phải dùng thuốc có chứa corticoid để điều trị bệnh mạn tính, bệnh nhân nên kiên trì điều trị và tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ chuyên khoa để được điều chỉnh liều lượng thuốc. Tuyệt đối không dùng toa thuốc cũ mà không có ý kiến của bác sĩ.           

Thông Tin Cần Biết

Bệnh nội tiết khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY