Tết năm nay chẳng ngờ chồng cũ lại đến tận nhà đưa cho tôi 2 triệu rồi bảo mấy hôm nữa sẽ đón con trai về bên ông bà nội ăn Tết.
“Chào mọi người,
Tôi và chồng cũ ly hôn cách đây 4 năm vì anh ta ngoại tình. Nỗi đau và những tổn thương anh ta gây ra cho tôi quá lớn khiến tôi chẳng còn thiết tha níu giữ hôn nhân nữa dù rất thương con. Hơn nữa anh ta dường như cũng chẳng cần tôi tha thứ, chỉ muốn nhanh chóng rước bồ về mà thôi. Vậy là chúng tôi đường ai nấy đi.
Sau ly hôn 3 tháng chồng cũ tái hôn ngay với cô người tình của mình. Anh ta quên bẵng luôn mình có 1 cậu con trai chung với tôi, chẳng bao giờ gửi tiền chu cấp. Chỉ thi thoảng hỏi thăm vài câu gọi là có. Bố mẹ chồng cũng không đoái hoài đến cháu. Mấy năm qua chỉ có 2 mẹ con tôi tự lo liệu cho nhau. Tôi cũng quen với điều đó rồi.
Tết năm nay chẳng ngờ chồng cũ lại đến tận nhà đưa cho tôi 2 triệu rồi bảo mấy hôm nữa sẽ đón con trai về bên ông bà nội ăn Tết. Khi nào thằng bé đến lịch học sẽ trả về lại cho tôi. Tính thời gian cũng khoảng 7-10 ngày. 2 triệu anh ta đưa bảo tôi sắm vài bộ quần áo mới cho con diện Tết.
Hỏi ra mới biết anh ta đã ly hôn cô vợ kia. Hai người có 1 đứa con gái chung, cô ta mang theo mất rồi. Nhà họ chưa có cháu trai nào khác nên mới nhớ đến con trai tôi và bắt đầu muốn qua lại thăm nom, nhận cháu.
Tôi nghe xong thì ném trả 2 triệu vào mặt chồng cũ rồi tuyên bố thẳng: ‘Mấy năm qua không có anh thì mẹ con tôi vẫn sống tốt. Anh lấy vợ nữa mà đẻ con trai nối dõi, đừng bao giờ tìm đến làm phiền chúng tôi’. Nói xong tôi đuổi anh ta về khiến chồng cũ tái mét cả mặt.
Mẹ tôi biết chuyện bảo tôi ích kỷ, vì uất hận chồng cũ mà cấm cản con nhận họ nội, tước đi quyền lợi của thằng bé. Nghe mẹ mắng mà tôi hoang mang quá. Có phải tôi đã làm sai? Tết này tôi có nên cho con về nhà nội ăn Tết như đề nghị của chồng cũ không?”.
Có phải tôi đã làm sai? (Ảnh minh họa)
Băn khoăn của bạn cũng là nỗi lòng thường gặp ở các cặp vợ chồng sau ly hôn. Nhiều trường hợp cha mẹ có hiềm khích, thậm chí sau ly hôn còn trở mặt thành thù nên họ cũng không muốn con cái qua lại với người còn lại. Như hoàn cảnh của bạn, vì chồng cũ không làm tròn trách nhiệm của người bố trong mấy năm qua nên bạn không muốn cho con về bên ông bà nội ăn Tết. Đó là tâm lý khá bình thường, không có gì đáng trách cả.
Trước hết, bạn hãy đánh giá lại thành ý của chồng cũ và ông bà nội bé. Nếu họ thật sự hối lỗi và chân thành sửa sai bằng những hành động cụ thể thì bạn nên cân nhắc chuyện tha thứ cho họ. Tất cả vì quyền lợi của đứa trẻ. Có thêm càng nhiều người yêu thương, quan tâm bé luôn là chuyện tốt. Ngoài ra, họ vẫn là ruột thịt, máu mủ của bé, không bao giờ thay đổi được.
Thứ hai, bạn cần tôn trọng ý kiến của con. Bạn đã ly hôn 4 năm, tính ra bé nhà bạn không còn quá nhỏ nữa. Hãy hỏi ý kiến của con xem bé có thích về chơi với bố và ông bà nội hay không. Nếu con thích và nhà chồng cũ có thành ý, vậy thì còn lý do gì để bạn không cho con về ăn Tết với ông bà nội đâu, đúng không?
Sau ly hôn, phụ nữ hãy lưu ý vài điểm sau trong mối quan hệ giữa con với gia đình bên nội:
Vợ chồng sau ly hôn nên gạt bỏ cái tôi để nuôi dạy con cho tốt. (Ảnh minh họa)
- Đặt lợi ích của con cái lên hàng đầu
Mọi việc phải lấy lợi ích của con làm hàng đầu, người lớn phải gạt bỏ cái tôi của mình, nghĩ đến quyền lợi và tương lai của con cái. Dù hai người đã từng có mâu thuẫn thế nào thì khi rời khỏi tòa án với phán quyết ly hôn trên tay, hãy bỏ qua tất cả để giữ mối quan hệ hòa hảo, cùng nuôi dạy con.
- Không cấm cản nhưng cũng không cần nài xin
Không ít trường hợp phụ nữ sau ly hôn phải nuôi con một mình vì chồng cũ và gia đình chồng cũ không quan tâm đến đứa trẻ. Thay vì oán trách người khác và tìm mọi cách cho con qua lại với bố và ông bà nội, bạn hãy tập trung nuôi con cho tốt. Một khi đối phương đã không muốn thì bạn có ép buộc hay nài xin cũng chẳng ích gì. Trái lại còn gây ảnh hưởng xấu đến con cái, khiến lũ trẻ phải chứng kiến sự bạc bẽo, lạnh nhạt từ người lớn.
- Tôn trọng ý kiến của bé
Bé sẽ biết bản thân mình muốn gì, biết ai yêu quý mình để thân thiết, gắn bó. Dù bạn có hiềm khích với chồng cũ nhưng bé muốn được bố đón về chơi, hãy đồng ý với con nhé. Ngược lại bạn muốn con về ông bà nội nhưng bé không cảm nhận được tình yêu thương của họ, con không muốn về thì cùng đừng ép uổng làm gì. Suy cho cùng đó là mối quan hệ của chính con, hãy để con được chọn lựa và quyết định nếu con đã đủ hiểu biết.