Khi con trai vào tiểu học, Đăng đòi ly hôn. Anh bỏ lại tờ đơn ly hôn có sẵn chữ ký của mình rồi biến mất mà chẳng cần biết tôi có muốn, có đồng ý hay không. Anh cũng không cho tôi biết lý do…
Mẹ Đăng đã qua đời trước khi chúng tôi kết hôn. Tuy bà mất khi còn trẻ nhưng với Đăng, đó cũng là một điều nhẹ nhõm, nói đúng ra là sự giải thoát.
Bởi bố Đăng là một người nghiện cờ bạc. Nhiều người khuyên mẹ anh ly hôn nhưng bà không chịu, vẫn cố gắng để cho anh một gia đình trọn vẹn đủ cả bố lẫn mẹ. Sự chịu đựng dần thành thói quen, rồi cuối cùng bà đã ôm hận qua đời khi chồng tôi mới 17 tuổi.
Thực sự, khi mới biết anh có một người bố như vậy tôi đã rất lưỡng lự. Nhưng nghĩ tới việc anh đối tốt với mình thế nào, tôi lại không kìm nổi lòng mình. Bố mẹ tôi cũng rất bất bình với gia đình Đăng. Họ lo ông bố cờ bạc của anh sẽ là một gánh nặng, nhưng vì tôi nhất quyết cưới anh nên bố mẹ đành tặc lưỡi đồng ý cho hai đứa kết hôn.
Khi tôi và Đăng cưới, bố mẹ đã mua cho chúng tôi một căn nhà ra ở riêng, tránh phải sống chung với bố chồng. Tuy vậy vợ chồng tôi vẫn phải giúp bố chồng trả nợ cờ bạc không ít lần, lần nào ông cũng hứa hẹn đây là lần cuối. Nhưng thói cờ bạc đã ngấm vào máu, sao mà thay đổi được.
Vợ chồng tôi đã phải trả nợ cờ bạc cho bố không ít lần, lần nào ông cũng nói là lần cuối. (Ảnh minh họa)
Tuy bố chồng luôn gây rắc rối cho hai vợ chồng, nhưng tôi chỉ phàn nàn và chưa bao giờ có ý định ly hôn cả. Nhưng khi con trai vào tiểu học, Đăng lại đòi ly hôn. Anh bỏ lại tờ đơn ly hôn có sẵn chữ ký của mình rồi biến mất mà chẳng cần biết tôi có muốn, có đồng ý hay không. Anh cũng không cho tôi biết lý do…
Lòng tôi như tan nát. Lúc đó tôi đã nghĩ tới nhiều khả năng. Tôi nghĩ có khi nào bố nợ nần chồng chất quá nhiều, anh không muốn mẹ con tôi liên lụy nên mới thế. Nhưng gặp bố chồng hỏi chuyện, ông lại nói bản thân bỏ cờ bạc rồi, việc hai đứa ly hôn không liên quan gì tới ông. Thậm chí ông còn nói:
- Đôi khi nó chán cô rồi, có cô khác tốt hơn nên mới bỏ đi. Cô cũng nên ngẫm lại mình, tại sao lại bị chồng chê chồng bỏ như thế.
Tôi thực sự tin những lời nói đó, vì tôi không biết có lý do nào khác hợp lý hơn nữa. Không biết bao đêm tôi trốn vào góc phòng thầm khóc một mình. Lá đơn ly hôn anh để lại vẫn còn đó, tôi muốn gặp anh một lần để hỏi cho ra nhẽ, hỏi tại sao bỏ lại mẹ con tôi mà đi. Nhưng sau khi để lại đơn ly hôn, Đăng như bốc hơi vậy, dù tôi có tìm kiếm thế nào cũng vô ích.
Chồng để lại đơn ly hôn có sẵn chữ ký của anh rồi biệt tích. (Ảnh minh họa)
Rồi hôm đó đến trường đón con tan học, tôi vô tình gặp lại một người bạn của chồng cũ. Thấy tôi, anh ấy hỏi thăm rất nồng nhiệt:
- Thanh đấy à, không ngờ con nhà em và con nhà anh lại học chung một trường. Dạo này vợ chồng em thế nào rồi? Ngày đó Đăng tâm sự với anh, nói muốn ly hôn vì không muốn liên lụy tới vợ con. Anh khuyên can mãi, nó chỉ “ừ” rồi từ đó đến nay anh không liên lạc được với nó nữa…
Liên lụy? Nghe hai từ này tôi choáng váng, vội ngắt lời anh bạn để hỏi cho ra nhẽ. Thấy phản ứng của tôi, anh thảng thốt hỏi:
- Đăng với bố nó không nói với em ư? Bố Đăng lúc đó nợ 2 tỷ vì cờ bạc, sợ làm khổ mẹ con em nên đòi ly hôn. Chẳng nhẽ hai người ly hôn thật rồi?
Tôi òa khóc, kể lại mọi việc cho bạn của Đăng nghe. Nghe xong anh thở dài:
- Thật xui xẻo khi có một ông bố như thế. Em yên tâm, anh sẽ cố gắng tìm kiếm tung tích của nó. Chắc nó vẫn đang cày cuốc trả nợ cho bố thì ông mới sống bình an được như thế, chứ không đời nào bọn đòi nợ chịu để yên cho.
Khi về nhà, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện này. Tôi từng hận chồng, nhưng giờ lại thấy thương anh nhiều hơn. Cầm tờ đơn ly hôn chồng để lại năm xưa, tôi xé thẳng. Dù có khó khăn thế nào đi chăng nữa, tôi cũng không muốn để anh phải gánh vác một mình. Anh là bố của con trai tôi, là người tôi thương, dù có chuyện gì xảy ra tôi cũng muốn cùng tiến cùng lùi với anh.