Trong bếp, mùi thức ăn thơm nức quẩn quanh. Trên bàn ăn, một mâm cơm tươm tất đủ màu sắc, hương vị và bổ dưỡng đã bày sẵn đâu ra đấy, chỉ chờ mọi người trong nhà về là có thể ngồi vào bàn ăn.
Vợ chồng tôi cưới nhau 3 năm rồi và vẫn chưa sinh con. Hôm vừa rồi tôi phải nằm viện một tuần. Ba ngày đầu, vì sức khỏe của tôi vẫn yếu nên chồng có vào chăm vợ ở viện. Mấy hôm sau, tôi khỏe hơn có thể dậy đi lại được nên không cần người kè kè bên cạnh nữa.
Mỗi chiều tan làm chồng có ghé vào thăm tôi một lát rồi lại về. Tôi tự ăn cơm trong bệnh viện, nếu có vấn đề khó khăn thì nhờ y tá hoặc người nhà bệnh nhân chung phòng.
Mẹ chồng ốm yếu không chịu được cảnh đông đúc xô bồ ở bệnh viện, mẹ đẻ tôi mất sớm, bố đã tái hôn và có gia đình riêng. Hoàn cảnh tôi như thế, chồng lại bận rộn công việc nên tôi cũng không trách móc gì anh.
Hết một tuần điều trị, tôi được xuất viện về nhà. Hành lý chẳng có gì nặng nhọc, hôm ấy tôi không báo chồng đến đón, cũng bởi vì hôm trước anh nói có cuộc họp quan trọng và kéo dài. Tôi thu dọn mọi thứ, tự làm thủ tục ra viện rồi bắt taxi về nhà chồng.
Hoàn cảnh tôi như thế, chồng lại bận rộn công việc nên tôi cũng không trách móc gì anh. (Ảnh minh họa)
Bước vào nhà, đập vào mắt tôi là một cảnh tượng khó ngờ. Trong bếp, mùi thức ăn thơm nức quẩn quanh. Trên bàn ăn, một mâm cơm tươm tất đủ màu sắc, hương vị và bổ dưỡng đã bày sẵn đâu ra đấy, chỉ chờ mọi người trong nhà về là có thể ngồi vào bàn ăn.
Thế nhưng mâm cơm ấy không phải được sửa soạn để chào đón tôi ra viện. Bởi vì người đang đứng nấu nướng trong căn bếp mà tôi đã gắn bó suốt 3 năm qua chính là vợ cũ của chồng tôi!
Tôi quen chồng khi anh ấy đã ly hôn được hơn một năm. Nói về lý do chia tay của họ thì là do mâu thuẫn bất đồng trong cuộc sống chung. Vợ cũ của anh không biết nấu nướng, lười làm việc nhà, chỉ muốn thuê người giúp việc. Tất nhiên quan điểm ấy không sai nhưng lại không phải là mong muốn của chồng tôi.
Anh ấy thích một người vợ giỏi nữ công gia chánh, tự tay vào bếp nấu những bữa ăn nóng hổi thơm ngon cho chồng con. Anh mong một căn nhà có bàn tay phụ nữ chăm sóc và giữ gìn hàng ngày. Cũng chính vì điều đó mà họ cãi nhau liên miên, cuối cùng thì kéo nhau ra tòa ly hôn vì không thể thay đổi vì nhau.
Nhưng bây giờ vợ cũ của chồng tôi lại trở về nơi chị ta đã từng bỏ đi, làm một việc mà chị ta trước đây rất ghét. Và hình như chị ta đã quên mất 1 điều là hiện tại chị ta còn không có tư cách để làm điều đó ở đây nữa.
Vừa hay chồng tôi tan làm về nhà, mẹ chồng cũng từ tầng 2 đi xuống, vợ cũ của anh phát hiện ra tôi đã về, bốn người nhìn nhau sượng sùng và tê tái. Vậy ra anh nói dối tôi là họp, thực ra anh chỉ không muốn ghé qua viện thăm tôi thôi. Thật không may là tôi lại ra viện sớm, định không báo cho chồng, muốn tặng anh một bất ngờ.
Lúc ấy tôi mới biết 5 ngày gần đây tối nào chị ta cũng ghé qua nấu nướng rồi ăn tối cùng mẹ chồng và chồng tôi như thể tôi không tồn tại. Và người đứng đằng sau tiếp tay cho chị ta chính là mẹ chồng. Chồng tôi không lên tiếng phản đối, anh cũng chẳng khác gì đồng phạm.
Tôi biết mình đã khiến anh thất vọng nhưng anh đối xử với tôi như vậy có phải quá tàn nhẫn hay không? (Ảnh minh họa)
Tôi đi thẳng lên phòng, không trách móc cũng không rơi giọt nước mắt nào trước mấy người đó. Khi chỉ còn lại một mình trong căn phòng khóa trái, nước mắt tôi lúc đấy mới tuôn rơi. Tôi biết tại sao họ lại đối xử với tôi như thế, vì sau ba năm kết hôn tôi vẫn chưa sinh được con. Tôi vừa nhập viện cũng là do bị sảy thai sớm. Đây là lần sảy thai thứ 2 của tôi trong ba năm. Bác sĩ nói cơ địa của tôi khó giữ được thai dù đã tiêm thuốc giữ thai ngay từ đầu.
Lần đầu tiên tôi bị sảy thai, chồng đã khóc vì thương tôi và thương cho em bé xấu số. Lần này, tôi đọc được sự mệt mỏi trong mắt anh, nhiều hơn là sự thờ ơ và chán nản. Hành động im lặng ngầm cho phép vợ cũ đến nhà của anh đã nói lên tất cả. Chị ta đã thay đổi theo ý muốn của anh và chắc chắn là đang hối hận muốn quay về. Anh thì lại đang chán một cô vợ không thể sinh con.
Tôi biết mình đã khiến anh thất vọng nhưng anh đối xử với tôi như vậy có phải quá tàn nhẫn hay không? Tôi nên làm gì? Chủ động buông tay cho nhẹ lòng hay đáp trả lại sao cho xứng đáng với sự bạc bẽo này trước khi rời đi?