Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, phải ở trong hoàn cảnh của tôi thì mới hiểu được cảnh làm dâu mà có em chồng nó khốn đốn thế nào.
Tôi lấy chồng khác tỉnh, hai vợ chồng cùng làm việc ở thành phố, không phải làm dâu. So với nhiều người thì tôi là người may mắn vì có những người bạn hay than với tôi cảnh phải sống chung với bố mẹ chồng khó tính, mất hết tự do, không được làm theo ý mình.
Tôi hiểu, không phải ai sống chung với bố mẹ chồng cũng khó chịu và không phải ai ở riêng cũng sung sướng. Có những người dù ở riêng nhưng vẫn phải chịu sự điều khiển từ bữa ăn giấc ngủ.
Tôi dù không rơi vào hoàn cảnh quá quắt đến vậy nhưng những gánh nặng kinh tế mà gia đình chồng đè lên đầu vợ chồng tôi quả thực có lúc khiến tôi không thở nổi.
Tôi lấy chồng khác tỉnh, hai vợ chồng cùng làm việc ở thành phố, không phải làm dâu. (Ảnh minh họa)
Làm dâu hơn 3 năm, tôi chưa bao giờ muốn ly hôn như lúc này. Không lẽ, lúc dịch bệnh khó khăn, kinh tế không dư gì tôi lại muốn bỏ chồng? Còn con cái thì sao, ai sẽ là người lo lắng cho chúng? Tình trạng của tôi đúng là “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Dù chồng không phải là nguyên nhân chính khiến tôi muốn ly hôn nhưng anh lại là nguồn cơn của tất cả mọi chuyện. Nếu như anh biết bảo vệ vợ, có chính kiến hơn một chút, bớt vì gia đình đi thì mọi thứ đã khác.
3 năm đó, bất cứ ngày lễ tết nào chồng cũng bắt tôi về quê. Dù nhà tôi có việc quan trọng và có van nài chồng thì anh cũng một mực “lấy chồng thì phải theo đạo nhà chồng, việc ngoại phải xếp sau” khiến tôi bực dọc vô cùng.
Về thôi không xong, tôi còn phải sắm rất nhiều đồ đạc, quà cáp còn cả tiền để biếu bố mẹ và họ hàng nhà anh. Tại anh sĩ diện, lúc nào cũng ra oai công việc của anh chị ổn định, thu nhập ổn lại còn sống ở thành phố.
Anh muốn “ở thành phố cho ra dáng người phố” mà ai biết đâu, chúng tôi chỉ thuê một căn hộ nhỏ, nhà cửa còn chưa có cho riêng mình.
Ngoài tiền quà cáp còn có tiền biếu, mỗi lần về quê hơn 100km mà số tiền phải lên tới 7-8 triệu khiến tôi kiệt quệ. Lúc chưa có con, mọi việc còn thu xếp được, khi có con, mất thêm một khoản ăn uống, học hành, tôi bắt đầu thấy ái ngại về cách hành xử của chồng.
Góp ý với anh bớt bớt đi mấy khoản không cần thiết thì anh trừng mắt: “Cái gì là không cần thiết, bố mẹ nuôi mình khôn lớn, ăn học đàng hoàng, bây giờ là lúc mình phụng dưỡng”.
Đau đầu nhất là cô em chồng vừa mới ra trường chưa xin được việc, suốt ngày hỏi vay tiền chị dâu.
(Ảnh minh họa)
Tôi đâu có cấm anh biếu xén bố mẹ, tôi cũng vậy thôi nhưng cái gì cũng phải nhìn vào hoàn cảnh và điều kiện của mình. Anh không biết mình kiếm được bao nhiêu, vợ con như thế nào mà lúc nào cũng vung tay.
Gần đây, dịch bệnh căng thẳng, tôi mất việc, nói đúng hơn công ty cắt lương, thi thoảng chu cấp vài triệu gọi là đóng góp lúc khó khăn, vậy mà khoản tiền gửi về nhà chồng cứ đều đầu.
Đau đầu nhất là cô em chồng vừa mới ra trường chưa xin được việc, suốt ngày hỏi vay tiền chị dâu. Biết chị dâu hay ngại, em chồng thường xuyên gọi điện lên kể khổ. Nói là vay nhưng chẳng bao giờ có ngày trả. Tính tôi ngại nên dù có đi vay cũng cố gắng đưa cho em chồng vài đồng.
Hai tháng này không có việc, em chồng biết rõ tình hình nhưng vẫn gọi điện lên hỏi. Lần trước, em bảo có việc này việc kia, tôi đành phải đi vay bạn cho 3-4 triệu dù lúc đó tôi đang khó khăn vô cùng. Nói khó với em rồi, em cũng gật gù xong chuyện vậy mà lần này, em gọi lên cho anh trai kể xấu chị dâu…
Chồng tôi nghe nói em muốn đi phẫu thuật cắt mĩ, làm mũi nên đã bắt tôi phải lo cho em tầm 30 triệu. Tôi quá hốt. Lúc khó khăn thế này 3 triệu còn khó lấy đâu ra 30 triệu?
Tôi không biết lấy ở đâu ra thì chồng tôi hắng giọng: “Tiền hàng tháng tôi đưa cô, cô tiêu gì hết? Làm gì thì làm cũng phải có đồng tiết kiệm chứ, cô định tiêu hết tiền của tôi à? Em nó có cần thì nó mới cầu anh chị, nó có thì nó chả thèm. Cả đời nó mới dám thẩm mỹ một lần, nó có xinh đẹp thì sau mình cũng được nhờ. Cô lo mà tính toán đi”.
Không chịu được, tôi hét vào mặt chồng: “Anh im mồm đi. Anh đưa cho tôi được mấy triệu, cái nhà này đã đủ chi tiêu chưa? Tôi đã nói với anh, hai tháng nay tôi không có lương, anh cố gắng chu cấp, tôi không phải ăn bám anh nên anh đừng nói cái giọng khó chịu đó. Còn nhà anh, bao tháng nay khó khăn, bố mẹ anh đã hỏi một câu chưa hay lúc nào cũng chỉ tiền?
Tiền ăn còn không có, con tôi còn đói kia mà em anh còn nghĩ đến việc đi thẩm mỹ? Anh không có óc à mà còn đòi tôi lo cho em gái anh 30 triệu? Anh thích thì mang tiền về, tôi đây không có. Anh thử hỏi nó xem, bao nhiêu tháng nay, đã bao nhiêu lần nó vay tiền của tôi, có trả được xu nào? Tôi không nói ra anh lại tưởng tôi ngu…”.
Từ hôm đó cũng không thấy anh nói khoản 30 triệu lo cho em chồng. (Ảnh minh họa)
Sau câu nói của tôi, chồng có chút chột dạ. Anh chưa từng thấy vợ phản ứng dữ như vậy, ánh mắt tôi long lên, nước mắt cứ thế trào ra. Quá uất nghẹn, tôi đã định rũ bỏ tất cả, lành làm gáo, vỡ làm muôi. Nhưng có vẻ chồng đã biết sợ và xuống nước.
Từ hôm đó cũng không thấy anh nói khoản 30 triệu lo cho em chồng. Không biết anh có vay ai hay không, tôi cũng không quan tâm. Nhưng tôi đã nhận ra một điều đàn bà phải mạnh mẽ, yếu đuối, chấp nhận, cam chịu chỉ có thiệt thân mình.