Các loại nước rửa tay khô chứa khoảng 60% cồn ethyl (cồn ethanol), khi sử dụng cần đặc biệt lưu ý tránh xa lửa để không gây cháy.
Với sự bùng phát dịch COVID-19 ở khắp nơi trên thế giới, tất cả mọi người đều cố gắng giữ vệ sinh nhất có thể. Ngay cả trẻ nhỏ cũng được khuyến khích rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay khô chứa cồn để ngăn ngừa lây nhiễm virus corona chủng mới. Tuy nhiên khi sử dụng, mọi người cần phải lưu ý tuân theo hướng dẫn sử dụng trên nước rửa tay khô, tránh tự gây hại cho chính mình.
Một bé gái ba tuổi ở Jakarta, Indonesia đã bị bỏng nặng ở mặt, cánh tay và chân sau khi cầm chai nước rửa tay khô và đi bộ gần đống rác đang được đốt ở gần nhà.
Bé gái bị bỏng gần như toàn bộ cơ thể vì cầm chai nước rửa tay chứa cồn gần lửa.
Theo Sin Chew Daily, vụ việc xảy ra vào ngày 4/4 và bé gái ngay lập tức được đưa đến bệnh viện gần đó để cấp cứu. Tuy nhiên, vì bệnh viện khi ấy chuyên điều trị các trường hợp COVID-19 nên bé gái đã được chuyển đến một bệnh viện khác để điều trị.
Vết thương của bé đã được xử lý nhanh chóng và hiện đang dần hồi phục. Tuy nhiên gia đình cô bé hiện đang khó có thể chi trả hóa đơn bệnh viện cho việc điều trị cũng như những lần kiểm tra và làm sạch vết thương. Gia đình đã lên Facebook kêu gọi quyên góp trong khi cha của bé gái đang đi làm ở xa và không thể trở về nhà chăm sóc con.
Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Mỹ, nước rửa tay khô thường bao gồm khoảng 60% cồn ethyl (cồn ethanol) và dễ cháy. Mặc dù thông thường chất cồn trong nước rửa tay khô bốc hơi tương đối nhanh (ít nhất 10 giây), nhưng nếu để nguyên một chai chứa 60% cồn tiếp xúc với lửa sẽ rất nguy hiểm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng cảnh báo về an toàn cháy nổ khi sử dụng chất rửa tay có chất cồn. Người sử dụng khi rửa tay nên chà tay cho đến cồn bay hơi hết trước khi tiếp xúc với bất cứ thứ gì dễ gây cháy.
Lưu ý khi dùng nước rửa tay khô
- Không dùng nước rửa tay khô khi da có vết thương hở.
- Tránh tiếp xúc ngay với các dụng cụ phát lửa sau khi dùng nước rửa tay khô, vì thành phần là cồn nên nguy cơ bắt lửa gây bỏng da là hoàn toàn có thể xảy ra.
- Nước rửa tay khô không loại bỏ được dầu mỡ trên tay khi dính thức ăn, nên không phải dung dịch làm sạch tay sau ăn.