TP.HCM còn duy nhất một ca nhiễm COVID-19 đang điều trị, đó là bệnh nhân 91; hiện dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân này tạm ổn định, không sốt, phổi trái đông đặc 1/2 dưới.
Tình hình sức khỏe mới nhất của bệnh nhân 91
Sáng 26-4, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã xác định 54 người mắc COVID-19 trên địa bàn TP.HCM tính tới thời điểm hiện tại. Trong đó, 53 người chữa khỏi và đã xuất viện.
Hiện TP.HCM còn duy nhất bệnh nhân 91 đang điều trị COVID-19 tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân này tạm ổn định, không sốt, phổi trái đông đặc 1/2 dưới. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm ngày 25-4 dương tính. Bệnh nhân tiếp tục thở máy, can thiệp ECMO (lọc máu) và tiên lượng còn nặng.
Bệnh nhân 91 (nam, 43 tuổi, quốc tịch Anh, trú quận 2, TP.HCM) là phi công. Từ ngày 13 tới 18-3, bệnh nhân đến vài điểm giải trí, trong đó có bar Buddha (quận 2). Bar này được ghi nhận là ổ dịch COVID-19 ở TP.HCM.
Bệnh nhân 91. Ảnh: HỮU NGỌC
Trong quá trình điều trị COVID-19, bệnh nhân rơi vào tình trạng sốt cao và suy hô hấp nặng. Để điều trị hội chứng rối loạn đông máu, ngành y tế đã mua thuốc hiếm từ nước ngoài.
Tới thời điểm hiện tại, TP.HCM còn 28 người thực hiện cách ly tập trung tại các điểm của TP. Bên cạnh đó, tổng số người cách ly tập trung tại quận, huyện là 2.003. Trong đó, 1.993 hết thời gian theo dõi 14 ngày và 10 đang còn theo dõi. Tổng số người cách ly tại nhà và nơi lưu trú là 11.467. Trong đó, 11.317 hết thời gian theo dõi 14 ngày và 146 hiện còn đang theo dõi.
Sáng cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết nơi đây phối hợp những đơn vị liên quan chuẩn bị các khu cách ly tập trung sẵn sàng tiếp nhận người nhập cảnh. HCDC cũng đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cơ sở tiêm chủng an toàn.
Ngoài ra, HCDC tiếp tục kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-1 dựa theo bộ tiêu chí rủi ro lây nhiễm tại các nhà máy, xí nghiệp. HCDC cũng giám sát COVID-19 đối với toàn bộ tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại TP.HCM.
HCDC còn theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm các bệnh nhân xuất viện sau điều trị COVID-19.
(Theo Pháp luật TPHCM)
WHO cảnh báo từng mắc COVID-19 vẫn có thể mắc lại
“Hiện không có bằng chứng cho thấy người từng mắc COVID-19 sẽ không mắc lần hai”, WHO tuyên bố trong một thông báo khoa học ngày 25/4. WHO cảnh báo các chính phủ đang cân nhắc phát hành “hộ chiếu miễn dịch” cho những người từng mắc COVID-19 với hàm ý việc để họ trở lại nhịp sống bình thường là an toàn.
“Tại giai đoạn này của đại dịch, không có đủ bằng chứng về tính hiệu quả của miễn dịch nhờ kháng thể để bảo đảm tính chính xác của ‘hộ chiếu miễn dịch’ hoặc ‘chứng chỉ không có nguy cơ’”, WHO tuyên bố.
Trước đây, TS Maria Van Kerkhove (công tác tại WHO) nói rằng, hiện chưa rõ người từng nhiễm virus corona chủng mới có trở nên hoàn toàn miễn dịch hay không. Bản thông báo mới của WHO nhấn mạnh quan điểm này.
(Theo Tiền Phong)
Virus corona không lây qua đường tình dục
Theo kết quả vừa được công bố trên tạp chí Fertility and Sterility (tạp chí về vấn đề sinh sản), một nhóm các nhà khoa học quốc tế của Mỹ và Trung Quốc không tìm thấy bằng chứng của COVID-19 trong tinh dịch của 34 người đàn ông Trung Quốc trưởng thành, những người được xác định dương tính với chủng virus chết người một tháng trước đó.
Các tác giả lưu ý rằng, mặc dù những phát hiện của họ được công nhận chỉ dựa trên mẫu xét nghiệm ở qui mô nhỏ, nhưng vẫn có ý nghĩa vì chúng cho thấy virus không có trong tinh hoàn.
Virus corona không lây qua đường tình dục, nhưng hôn thì chắc chắn sẽ lây bệnh.
Trong một thông cáo báo chí, tiến sĩ James M. Hotaling cho biết: ”Nếu như phát hiện một căn bệnh giống như COVID-19 có thể lây truyền qua đường tình dục, thì điều đó sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc phòng bệnh và điều trị những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe sinh sản trong tương lai của đàn ông.”
Những phát hiện mới này cũng loại COVID-19 khỏi nhóm những bệnh tương tự có thể lây truyền qua đường tình dục như Zika và Ebola.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho biết, những người tham gia vào nghiên cứu hiện tại chỉ là những trường hợp mắc virus corona ở thể từ nhẹ đến trung bình, và có thể (nhưng chưa được chứng minh) những người mắc bệnh ở thể nặng hơn có thể truyền bệnh qua quan hệ tình dục.
Tiến sỹ Hotaling cho biết: “Có thể một người đàn ông mắc COVID-19 ở thể nặng sẽ mang lượng virus cao hơn, dẫn đến khả năng lây nhiễm qua tinh dịch nhiều hơn. Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho trường hợp này, tuy nhiên, việc không phát hiện sự lây lan qua tinh dịch trong số các bệnh nhân đang hồi phục từ các thể bệnh nhẹ đến trung bình cũng đã cho thấy những tín hiệu để an tâm.”
Mặc dù quan hệ tình dục không có khả năng lan truyền virus, nhưng các hành động thân mật khác như hôn chắc chắn sẽ lây bệnh.
(Theo Tiền Phong)