Cha mẹ nên cân nhắc khi cho trẻ dưới 3 tuổi dùng khẩu trang y tế

Ngày 06/02/2020 14:35 PM (GMT+7)

Việc dùng khẩu trang y tế cho trẻ dưới 3 tuổi cần cân nhắc vì nếu trẻ quá nhỏ sẽ ảnh hưởng tới việc hô hấp của trẻ.

Tính đến 7h ngày 6/2, trên thế giới có 28.276 trường hợp nhiễm virus corona 2019-nCoV ở 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 565 trường hợp tử vong do virus corona mới gây nên, hầu hết con số này đều tập trung ở Trung Quốc. Trước tình hình dịch bệnh ngày càng có diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Còn tại Việt Nam, hiện đã ghi nhận 10 trường hợp dương tính với virus corona mới, trong đó có 2 người Trung Quốc, 1 người quốc tịch Mỹ và 7 người Việt Nam. Hiện tại, ngành y tế cũng đang cách ly khoảng hơn 300 trường hợp vì nghi ngờ nhiễm virus này.

Để giúp các bạn trang bị đầy đủ kiến thức, chủ động phòng ngừa virus corona mới đúng cách, 3 giờ chiều ngày 6/2, Báo Gia đình Xã hội kết hợp với Trang tin điện tử Eva.vn tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến: Virus corona (nCoV) - Hiểu đúng để bảo vệ gia đình với sự tham gia của 2 khách mời:

Tiến sĩ - Bác sĩ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam và Thạc sĩ - Bác sĩ Chuyên khoa II Lại Thu Hà - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.

Cha mẹ nên cân nhắc khi cho trẻ dưới 3 tuổi dùng khẩu trang y tế - 1

Hai khách mời đã có mặt để tham gia buổi giao lưu trực tuyến.

Mời quý độc giả cập nhật liên tục để theo dõi thông tin. 

Các chuyên gia trực tiếp giải đáp những thắc mắc của quý độc giả

Câu hỏi 10: Bé nhà em hiện được 5 tháng, mỗi khi đi ra ngoài em thường dùng khăn xô thay khẩu trang cho cháu. Bác sĩ cho em hỏi cách này liệu có phòng chống được virus corona hiệu quả như khẩu trang hay không? Sau khi dùng em giặt sạch bằng nước nóng và dùng lại có ổn không?

Bác sĩ Hà: Dùng khăn xô thay khẩu trang khi cho bé ra ngoài chỉ giữ ấm, tránh lạnh, không có hiệu quả phòng nhiễm bệnh nên không thể thay khẩu trang y tế.

Về việc giặt sạch dùng lại vẫn có thể dùng nhưng không hiệu quả như khẩu trang y tế. Khẩu trang y tế có 3 lớp, lớp chống nước, lớp giữ ẩm và lớp diệt khuẩn nên khăn xô không thể có hiệu quả ngừa vi khuẩn bằng khẩu trang y tế.

Ngoài ra, dùng khẩu trang phải đúng theo thời điểm khuyến cáo của Bộ Y tế.

Bác sĩ Sơn: Trẻ dưới 3 tuổi việc sử dụng khẩu trang cần cân nhắc vì nếu trẻ quá nhỏ sẽ ảnh hưởng tới việc hô hấp của trẻ. Tốt nhất nên cho trẻ ở những nơi an toàn, tránh nơi đông người nếu không cần thiết phải ra ngoài.

Trong trường hợp phải dùng, khăn xô không có hiệu quả ngừa virus nhưng có thể ngăn ngừa một phần giọt bắn. Nếu sử dụng khẩu trang kín cần chú ý vì có thể bịt kín trẻ quá mức.

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế, nếu bệnh nhân mắc các bệnh cảm cúm hoặc có triệu chứng liên quan tới nCoV,… Các bệnh nhân tới cơ sở y tế cần đeo khẩu trang hoặc khi tụ tập ở nơi đông người cũng cần đeo khẩu trang.

Nhiều người quá hoảng sợ, mua cả trăm hộp khẩu trang sẽ gây ảnh hưởng tới việc bảo vệ trong công đồng. Bởi khi một người mua quá nhiều khẩu trang thì sẽ có những người bệnh không có khẩu trang dùng và có thể dễ lây nhiễm cho người khác. Mọi người chỉ nên mua đủ dùng trong vài ngày.

Những ai nếu mua quá nhiều, hãy chia sẻ với mọi người xung quanh vì việc bảo vệ mọi người cũng chính là giúp bảo vệ cho chính chúng ta.

Câu hỏi 9: Chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi từ những người làm trong ngành dịch vụ, do đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với người lạ, họ lo lắng bản thân có nguy cơ cao hơn người bình thường, dễ bị lây nhiễm virus nói chung và virus corona chủng mới nói riêng. Bác sĩ có lời khuyên nào với người làm nghề dịch vụ: phục vụ bàn, tiếp viên, lái xe... không?

Với những người có thói quen ăn hàng quán, bác sĩ có khuyến cáo gì trong thời gian này?

Bác sĩ Sơn: Công việc chúng ta vẫn phải đi làm, dù đã có thông báo giới hạn việc đi lại nơi đông người. Tuy nhiên, khi ở nơi đông người, ở nơi làm dịch vụ thì nên đeo khẩu trang. Ngoài ra biện pháp phòng bệnh hữu hiệu khác là rửa tay bằng xà phòng sau khi vệ sinh, trước khi ăn, sau khi bỏ khẩu trang ra. Nên lưu ý là cần phải rửa tay đúng quy chuẩn theo 6 bước, ít nhất 20 giây theo đúng khuyến cáo Bộ Y tế.

Việc chọn nơi ăn uống, không chỉ thời điểm dịch do virus nCoV mà bất cứ thời điểm nào, khi đi ăn ở ngoài phải chọn nơi đảm bảo vệ sinh, bởi những nơi không đảm bảo thì không chỉ corona mà còn các vi khuẩn gây bệnh khác. Ngoài ra, mọi người nên ăn chín, uống sôi.

Câu hỏi 8: Trên mạng các bà mẹ thường truyền tai nhau công thức nước uống sả, chanh, mật ong, gừng để tăng sức đề kháng, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh. Liệu em có nên làm theo để bảo vệ sức khỏe không ạ?

Bác sĩ Sơn: Những loại thực phẩm có thể nâng cao miễn dịch, nhưng có loại có thể sử dụng với người trưởng thành, còn phụ nữ có thai nên chú ý, bởi không phải cái gì tốt với mọi người là tốt với phụ nữ mang thai.

Tốt nhất nếu đang mang thai bình thường, khỏe mạnh thì không nên bổ sung gì, mà nên giữ chế độ ăn đầy đủ hàng ngày.

Cha mẹ nên cân nhắc khi cho trẻ dưới 3 tuổi dùng khẩu trang y tế - 2

Đại diện trang tin Eva tặng hoa khách mời.

Câu hỏi 7: Hiện tại em đang mang bầu được 3 tháng và rất lo lắng trước tình hình dịch bệnh. Liệu virus 2019-nCoV có lây truyền từ mẹ sang con hay không?

Bác sĩ Sơn: Hiện nay chưa đủ điều kiện để nhận xét hay khẳng định có lây truyền từ mẹ sang con hay không. Cách đây vài ngày có trường hợp sinh con ở Vũ Hán khi mắc corona và người con không mắc bệnh.

Dù chưa có bằng chứng nCoV lây từ mẹ sang con, nhưng theo tôi có 3 điểm cần lưu ý để không ảnh hưởng đến đứa con trong bụng.

- Thứ nhất là biểu hiện nhiễm nCoV là bị sốt, nếu bà bầu có biểu hiện này cần hết sức lưu ý đi khám để bác sĩ sản khoa có hướng dẫn cụ thể.

- Thứ 2 là ảnh hưởng đến miễn dịch từ mẹ sang con. Bởi nếu ảnh hưởng từ hệ miễn dịch sẽ dễ bị hỏng thai. Trong trường hợp không ảnh hưởng thì sẽ vượt qua được, mà không vấn đề gì.

- Thứ 3 là nếu nhiễm nCoV gây nên tình trạng khó thở, sẽ ảnh hưởng đến thai.

Câu hỏi 6: Thưa bác sĩ, công ty của tôi hiện nay vẫn thường xuyên đóng kín cửa, bật điều hòa. Việc làm này có phải không tốt trong việc phòng ngừa virut dịch bệnh?

Bác sĩ Hà: Trong điều kiện đóng kín cửa, lưu thông không khí kém sẽ trở thành nơi vi khuẩn, virus tồn tại và nếu kéo dài thời gian tiếp xúc sẽ tăng nguy cơ lây bệnh.

Câu hỏi 5: Hiện nay các bà nội trợ cũng rất lo lắng khi đi chợ do phải tiếp xúc với các thực phẩm tươi sống. Vậy theo bác sĩ, có cách nào có thể đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm cho người nội trợ.

Câu hỏi 4: Nhiều gia đình hiện nay trong đó có gia đình tôi đang tích trữ nhiều đồ trong tủ lạnh để hạn chế đi chợ, ra nơi công cộng. Theo bác sĩ, làm cách nào để vừa đảm bảo an toàn cho bữa ăn vừa không lo ăn phải đồ ăn trữ quá lâu, mất chất dinh dưỡng. 

Bác sĩ Sơn: Hiện nay chúng ta đang có khuyến nghị hạn chế đi lại khi không cần thiết, nhưng không có khuyến nghị mua thực phẩm tích trữ để phòng dịch. Việc những ngày vừa qua dân chúng mua nhiều thực phẩm để tích trũ giống như có chiến tranh là không nên.

Lý do theo tôi là:

- Thứ nhất, tình hình dịch hiện nay không đến mức như vậy.

- Thứ hai là tích trữ thực phẩm nhiều sẽ không đảm bảo dinh dưỡng.

- Thứ ba, đất nước chúng ta đã thoát khỏi nhóm các quốc gia nghèo đói, vì thế nguồn thực phẩm đủ để cung cấp nên không cần phải tích trữ.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, lúc này người dân không nên gây hoang mang, phải bình tĩnh, phải bảo vệ cả cộng đồng chứ không nên chỉ bảo vệ gia đình. Vì thế, cộng đồng bị ảnh hưởng thì bản thân chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Cha mẹ nên cân nhắc khi cho trẻ dưới 3 tuổi dùng khẩu trang y tế - 3

Câu hỏi 3: Tôi đọc được thông tin do một số chuyên gia hướng dẫn, có thể pha cồn 90 độ với nước cất theo tỉ lệ: 8 phần cồn + 1 phần nước cất = cồn 80 độ. Không cần mua nước rửa tay khô giờ đang khan hàng, có thể sử dụng dung dịch cồn 80 độ này mang theo rửa tay, diệt virus. 

Bác sĩ Hà: Cồn 70 độ là cứ 100ml cồn sẽ có 70ml cồn ethanol và cồn 80, 90 độ cũng tương tự như vậy.

Cách pha chế cồn 90 độ thành 80 độ ở trên có thể pha được cồn 80 độ. Theo một số ý kiến chuyên gia, cồn 80 độ có thể diệt virus mạnh hơn cồn 70 độ. Tuy nhiên tác dụng phụ là gây khô da, bay hơi quá nhanh nên có một số ý kiến cho rằng điều này sẽ khiến cho khả năng diệt virus giảm hơn.

Câu hỏi 2: Ngoài xà phòng, dung dịch chuyên dụng thì có những nguyên liệu khác có thể thay thế trong việc diệt khuẩn sát trùng không: như cồn chẳng hạn? 

Bác sĩ Hà: Xà phòng và các dung dịch chuyên dung được chứng minh loại bỏ virus, vi khuẩn nếu thực hiện đúng quy trình khuyến cáo.

Cồn 70 độ cũng có thể dùng để sát khuẩn tay, rửa tay và được dùng nhiều trong y tế. Hiện nay có thông tin sử dụng cồn 80 độ, 90 độ để diệt khuẩn, Bộ Y tế chưa khuyến cáo điều này vì gây khô tay. Đặc biệt, cồn 90 độ không dùng trong sát trùng với vết thương hở vì có thể làm sâu hơn vết thương hở.

Câu hỏi 1: Chào bác sĩ, tôi muốn hỏi: Dùng nước đun sôi để khử trùng bát đĩa, đũa có ngừa được virus corona không?

Bác sĩ Sơn: Bát đũa bình thường đã phải làm sạch, nhưng giai đoạn này càng phải chú ý hơn. Đó là rửa sạch dưới vòi nước, dùng chất tẩy rửa (nước rửa bát) để làm sạch, dùng nước sôi tráng lại một lần nữa thì càng tốt nữa. Một số nghiên cứu cho rằng nCoV yếu đi khi nhiệt độ trên 50 độ, như vậy việc chú ý làm sạch bát đũa, tráng qua nước sôi trong bất kỳ thời điểm nào cũng là rất tốt.

MC: Công tác sàng lọc, chuẩn bị cách ly bệnh nhân nghi hoặc nhiễm virus corona mới ở Bệnh viện Thanh Nhàn hiện nay như thế nào?

Bác sĩ Hà: Khi nhận được công văn và chỉ đạo của chính phủ về việc cách ly bệnh nhân nhiễm virus corona mới, Bệnh viện Thanh Nhàn đã xây dựng quy trình sàng lọc và có phương án cách ly cho bệnh nhân nghi bị nhiễm virus corona mới.

Hiện tại, bệnh viện có tổ chức phân luồng, đo nhiệt độ cho bệnh nhân và tiến hành sàng lọc.

Bệnh viện cũng có chỉ đạo sẽ hội chẩn với Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội để xem có chỉ định làm test virus corona cho bệnh nhân. Sau đó nhờ bên dịch tễ kiểm tra bệnh phẩm. Hiện tại, bệnh viện chưa có trường hợp nào cần xét nghiệm bệnh phẩm. Bệnh viện cũng có 10 giường cách ly và thành lập 1 đội gồm bác sĩ để trị bệnh.

MC: Đối với việc ăn uống trong gia đình, hầu hết các nhà đều có thói quen dùng chung 1 bát canh, nước mắm. Theo bác sĩ Sơn, có giải pháp nào để phòng tránh lây nhiễm virus khi thói quen ăn uống của người Việt ta đã là chung đụng như vậy?

Bác sĩ Sơn: nCoV hiện đã được nghiên cứu là lây qua đường tiếp xúc, hô hấp, còn lây qua đường tiêu hóa đã có một số thông tin, tuy nhiên hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa có khẳng định cuối cùng.

MC: Điều kiện thời tiết miền Bắc hiện tại (lạnh, độ ẩm cao, mưa rét…) có phải là lý tưởng để virus corona 2019 - nCoV phát triển? Còn những nơi có khí hậu nóng hơn, virus nCoV có phát triển lây lan được không?

Bác sĩ Hà: Theo thông tin của 1 số chuyên gia, virus 2019-nCoV tồn tại ở nhiệt độ dưới 25 độ C và độ ẩm 40% có thể tồn tại ở môi trường 5 ngày, nhiệt độ cao trên 25 độ sẽ giảm đi và nhiệt độ cao trên 38 độ, virus sẽ suy yếu đi rất nhiều. Tuy nhiên nhiệt độ trên 25 độ, virus không hoàn toàn mất đi nguy cơ gây bệnh nên vẫn phải phòng ngừa. 

Với điều kiện miền Bắc lạnh, độ ẩm cao, mưa rét là điều kiện tốt để virus lây lan và mạnh lên. Hơn nữa, trong thời tiết lạnh, mọi người thường đóng kín cửa, tụ tập gần nhau nên dễ tiếp xúc với người bệnh và dễ nhiễm bệnh hơn.

Cha mẹ nên cân nhắc khi cho trẻ dưới 3 tuổi dùng khẩu trang y tế - 4

Bác sĩ Sơn: Đây là câu hỏi còn có một số thông tin khác nhau. Virus nCoV có xu hướng thuận lợi hơn ở môi trường nhiệt độ thấp. Còn mùa hè thời tiết nắng nóng thì phát tán chậm hơn, tuy nhiên việc giảm khả năng lây nhiễm, phát tán là bao nhiêu thì hiện nay vẫn chưa có thống kê cụ thể. Thực tế cho thấy, có các quốc gia có khí hậu nóng hơn nhưng vẫn ghi nhận có ca mắc nCoV.

MC: Sau khi khỏi bệnh do nhiễm virut, người bệnh có nguy cơ mắc lại không? Những người được cho là điều trị khỏi có cần cách ly khỏi cộng đồng không thêm một thời gian, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Hà: Đây là chủng mới nên vấn đề bệnh nhân có miễn dịch sau khi đã mắc bệnh hay không cần phải nghiên cứu tiếp. Hiện tại, chưa có thông tin bệnh nhân có miễn dịch với nCoV sau khi mắc bệnh.

BS Sơn: Về có miễn dịch và mắc lại hay không thì là vấn đề lớn mà các nhà nghiên cứu chưa khẳng định. Về các loại virus nói chung, nhiều loại khi mắc rồi có miễn dịch thì sẽ không mắc trong một thời gian nhất định. Có thể không nhiễm loại virus đó, nhưng lại nhiễm chủng mới biến thể. Tôi cho rằng thời gian tới sẽ có những nghiên cứu cụ thể về vấn đề này.

MC: Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh do nCoV gây ra. Tuy nhiên, Việt Nam tuyên bố đã chữa khỏi cho 3 bệnh nhân, vậy từ “chữa khỏi” nên hiểu như thế nào, mời bác sĩ Hà chia sẻ?

MC: Bộ Y tế khuyến cáo một số biện pháp phòng dịch như rửa tay với xà phòng; lau chùi vật dụng; đeo khẩu trang.... Một trong những cách ngăn ngừa virus là nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Vậy đâu là những thực phẩm giúp tăng sức đề kháng, tốt cho cơ thể, xin mời bác sĩ Sơn tư vấn?

Bác sĩ Sơn: Hiện nay sự quan tâm chủ yếu của độc giả đó là virus nCoV là gì và phòng ra sao. Ngoài những khuyến cáo của Bộ Y tế, một vấn đề rất nhiều người quan tâm đó là phòng bệnh bằng cách nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Điều nay là đúng, tuy nhiên cần phải có giải giải thích rõ để tránh hiểu lầm trong thời điểm hiện tại.

Theo đó, trên mạng xã hội có một số biện pháp nâng cao thể trạng bằng cách bổ sung vitamin C, tỏi, gừng, sả…Theo quan điểm của tôi thì việc nâng cao thể trạng là cả một quá trình, nếu hiện tại cơ thể vẫn hoàn toàn khỏe mạnh thì không cần phải bổ sung thêm bất kể thứ gì, mà hãy duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.

Khi bổ sung cũng cần phải thực hiện cân đối các nhóm chất như vitamin, chất đạm, chất béo, lipit…Riêng trong vitamin tốt nhất bổ sung từ nguồn thực phẩm hàng ngay như rau xanh, hoa quả tươi. Với việc bổ sung các loại vitamin liều cao như viên vitamin C thì buộc phải có chỉ định của bác sĩ, chứ tuyệt đối không bổ sung tùy tiện.

Tóm lại, trong thời điểm này mọi người nên ăn uống đầy đủ dưỡng chất, nếu cơ thể khỏe mạnh bình thường thì cứ duy trì chế độ sinh hoạt như vậy, không cần phải bổ sung gì thêm.

Cha mẹ nên cân nhắc khi cho trẻ dưới 3 tuổi dùng khẩu trang y tế - 5

Tiến sĩ - Bác sĩ Trương Hồng Sơn.

MC: Nhiều người dùng từ “cúm” để nói về bệnh do virus corona 2019 – nCoV gây ra. Đây là cách dùng từ chưa chính xác. Bác sĩ Đạt có thể giải thích đơn giản virus corona nCoV là gì? Các con đường lây nhiễm của virus này?

Bác sĩ Hà: Virus NcoV là chủng mới của virus corona. Virus NcoV được các nhà khoa học giải trình tự gen và công bố ngày 17/1/2020. Virus này là chủng virus gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Bệnh đã lây lan ra nhiều quốc gia, tính đến sáng ngày 6/2 số người tử vong đã là 565 người.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, có 2 con đường lây nhiễm virus corona mới là con đường hô hấp và con đường tiêu hóa (vẫn đang được nghiên cứu).

Lây qua đường hô hấp: Thông qua các giọt bắn, dịch tiết từ người bệnh ho, hắt hơi vào người lành.

Thông qua tiếp xúc: Người lành tiếp xúc với các mầm bệnh thông qua các vật dụng mà bệnh nhân hay dùng hoặc nhiều người dùng như mặt bàn, đồ vật có chứa các dịch tiết mang mầm bệnh do người bệnh ho, hắt hơi vào.

Ngoài ra, còn có con đường lây qua các giọt bắn nhỏ hơn thường được gọi là khí dung và con đường này hay gặp ở các y bác sĩ làm các thủ thuật cho bệnh nhân.

Bác sĩ Sơn: Thực ra, nCoV là một họ virus mà theo nghiên cứu thì đã có từ lâu trên thế giới. Trong dòng này có rất nhiều dạng khác nhau anpha corona, bêta corona… Như vậy, corona không phải là chủng mới, còn nCoV này có nghĩa là News (mới) phát hiện năm 2019. Đây là loại thứ 7 đã được phát hiện ra và có xuất xứ từ Vũ Hán (Trung Quốc).

Xôn xao tin vitamin C phòng virus corona mới, BS cảnh báo uống quá liều có thể gây sỏi thận
Việc tùy tiện dùng vitamin C hay nước tăng sức đề kháng không có tác dụng chống hay tiêu diệt virus corona mới, mà còn làm nguy hại đến sức khỏe.
PV
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19