Hà Nội xuất hiện tình trạng lây nhiễm chéo COVID-19: Lây nhiễm chéo là gì, nguy hiểm thế nào?

Ngày 21/03/2020 07:00 AM (GMT+7)

Nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo sẽ vô cùng nguy hiểm, thậm chí chúng ta còn phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao.

Lây nhiễm chéo đã từng xảy ra và phải trả giá đắt

Tính đến đêm ngày 20/3, Việt Nam đã ghi nhận 91 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 17 ca đã được điều trị khỏi. Trong số 91 ca mắc trên, đa số nguồn lây từ nước ngoài về Việt Nam, ngoài ra có một số ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Đặc biệt, trong một cuộc họp gần đây, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đã xuất hiện trường hợp lây nhiễm chéo trên địa bàn thành phố, bắt nguồn từ cán bộ an ninh tại cảng hàng không Nội Bài.

Theo ông Chung, hiện Hà Nội có nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau, đó là từ khách du lịch, người Việt ở nước ngoài trở về nước; lây nhiễm trong cộng đồng dân cư; lây nhiễm chéo từ những người thực thi công vụ (làm việc tại cơ quan chức năng khi tiếp xúc với người dân hoặc bệnh nhân).

Hà Nội xuất hiện tình trạng lây nhiễm chéo COVID-19: Lây nhiễm chéo là gì, nguy hiểm thế nào? - 1

Tình hình dịch bệnh ở Hà Nội đang diễn biến phức tạp khi có thêm nhiều ca nhiễm mới (Ảnh minh họa)

Thực tế, tình trạng lây nhiễm chéo đối với những người thực thi công vụ, đặc biệt là những y bác sĩ, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc cho người bệnh đã từng xảy ra trong quá khứ. Cách đây 17 năm, khi dịch SARS bùng phát tại Hà Nội, một nửa nhân viên Bệnh viện Việt Pháp đã bị lây nhiễm chéo khi chăm sóc cho người bệnh và có những bác sĩ đã hy sinh.

Còn với bệnh COVID-19, bài học tại Vũ Hán (Trung Quốc) vẫn còn nguyên giá trị. Tại thời điểm đỉnh dịch (giữa tháng 2/2019) ở Trung Quốc ghi nhận hơn 1.700 nhân viên y tế đã bị nhiễm căn bệnh này. Đa số họ bị lây nhiễm chéo khi chăm sóc cho người đã có xét nghiệm dương tính với COVID-19. Sự việc trở thành ký ức đau lòng khi nhiều bác sĩ đã mãi mãi ra đi.

Lây nhiễm chéo là gì? Mức độ nguy hiểm đến đâu?

PGS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dịch do COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A và lây truyền từ người sang người, do đó, kiểm soát nhiễm khuẩn luôn là nhiệm vụ hàng đầu để không xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo.

Lây nhiễm chéo là sự lây truyền virus gây bệnh từ người bệnh sang người bệnh, người bệnh sang thầy thuốc, giữa người bệnh, thầy thuốc lây ra cộng đồng”, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị COVID-19 nhấn mạnh.

Trước sự nguy hiểm của tình trạng lây nhiễm chéo, đặc biệt là ở trong bệnh viện, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải đưa ra khuyến cáo: “Việc nhân viên y tế có thể tự bảo vệ mình để không bị lây bệnh là điều cực kỳ quan trọng trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Lây nhiễm trong bệnh viện là mối lo ngại cho tất cả các quốc gia đang đối phó với COVID-19”.

Trong trường hợp nếu xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi nếu lây từ người bệnh sang người bệnh thì rất dễ diễn biến nặng, thậm chí tử vong, bởi một người phải nằm viện sức đề kháng vốn đã yếu, lại mắc sẵn bệnh lý thì đó là điều rất nguy hiểm.

Đối với nhân viên y tế và các lực lượng khác, khi bị lây nhiễm chéo điều mất mát đầu tiên đó chính là thiếu hụt nguồn nhân lực phòng và chữa bệnh. Hơn nữa, sau nhiều ngày căng mình chống dịch, sức khỏe các nhân viên y tế cũng giảm sút nên virus vào cơ thể rất dễ tấn công, gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Phòng lây nhiễm chéo thế nào?

Để phòng lây nhiễm chéo COVID-19, ngành y tế đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp từ cách ly, phân tuyến khám chữa bệnh, thu dung điều trị… Theo các chuyên gia y tế, nếu điều trị một lúc 100 người bệnh nhẹ, sẽ không bao giờ chăm sóc được tốt 10 người bệnh nặng. Chính vì vậy, cách ly và phân tuyến điều trị là vô cùng cần thiết. Thực tế, Việt Nam đang làm tốt việc này bằng cách các trường hợp nặng sẽ điều trị ở tuyến cơ sở, chỉ bệnh nhân nặng mới chuyển lên tuyến trung ương.

“Hiện phân tuyến điều trị bệnh nhân dương tính với COVID-19 ở Việt Nam hoàn toàn hợp lý, đúng với đặc tính của bệnh. Việc thu dung, điều trị, quản lý bệnh nhân nhiễm hay nghi nhiễm được thực hiện từ tuyến huyện, chỉ chuyển tuyến trên khi quá khả năng điều trị. Việc phân tuyến này nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nhân tử vong hay lây nhiễm chéo trong bệnh viện”, PGS Khuê cho hay.

Không chỉ các cán bộ y tế, mà các lực lượng khác như tại các khu cách ly, bộ độ, công an, nhân viên cửa khẩu, hàng không…cũng cần phải được trang bị đầy đủ để tránh lây nhiễm chéo. Cách phòng bị hiệu quả nhất là mặc đồ bảo hộ, bảo đảm vệ sinh trước khi ra khỏi bệnh viện, nơi cách ly, nơi làm nhiệm vụ có nguy cơ lây nhiễm.

Còn về phía UBND thành phố Hà Nội, để phòng bệnh nói chung và lây nhiễm chéo COVID-19 nói riêng, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, tuyệt đối không để bệnh nhân cách ly tự di chuyển, phải vận chuyển bằng phương tiện y tế. Các cán bộ tiếp xúc với người bệnh phải đảm bảo an toàn, nếu không sẽ trở thành F1, các đội cơ động trực 24/7, có mặt bất cứ lúc nào người dân cần. Trong quá trình làm nhiệm vụ, việc đảm bảo sức khỏe bản thân và trang bị phòng hộ cũng đặc biệt phải quan tâm.

Hà Nội xuất hiện tình trạng lây nhiễm chéo COVID-19: Lây nhiễm chéo là gì, nguy hiểm thế nào? - 2

Hà Nội xuất hiện tình trạng lây nhiễm chéo COVID-19: Lây nhiễm chéo là gì, nguy hiểm thế nào? - 3

Hà Nội xuất hiện tình trạng lây nhiễm chéo COVID-19: Lây nhiễm chéo là gì, nguy hiểm thế nào? - 4

Cập nhật COVID-19 ngày 20/3: WHO khuyến cáo 5 điều giúp cơ thể sẵn sàng đối phó với bệnh
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo 5 điều tưởng chừng không liên quan nhưng rất cần để bạn khỏe mạnh, tăng cơ hội chống lại dịch bệnh COVID-19.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h