Những người có nhóm máu A có thể dễ bị nhiễm virus corona chủng mới, trong khi những người nhóm máu O có vẻ kháng virus hơn, theo một nghiên cứu sơ bộ về bệnh nhân mắc COVID-19 ở Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu y tế ở Trung Quốc đã lấy mẫu nhóm máu của hơn 2.000 bệnh nhân mắc COVID-19 ở Vũ Hán và Thâm Quyến để so sánh với những người khỏe mạnh tại địa phương. Họ phát hiện ra rằng những bệnh nhân nhóm máu A có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn và họ có xu hướng phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
"Những người thuộc nhóm máu A có thể cần được tăng cường bảo vệ cá nhân để giảm nguy cơ nhiễm bệnh", chuyên gia Wang Xinghuan tại Trung tâm Y học thực chứng và chuyển đổi tại Bệnh viện Chung Nam thuộc Đại học Vũ Hán, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết. "Bệnh nhân bị mắc COVID-19 có nhóm máu A có thể cần được theo dõi thận trọng và chú ý trong việc điều trị."
Ngược lại, nhóm máu O có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn đáng kể so với các nhóm máu còn lại. Trong số 206 bệnh nhân đã tử vong vì COVID-19 ở Vũ Hán, 85 bệnh nhân có nhóm máu A và 52 bệnh nhân có nhóm máu O. Các bệnh nhân này thuộc các nhóm tuổi và giới tính khác nhau.
Nghiên cứu của các chuyên gia Trung Quốc cho thấy những người có nhóm máu A dễ nhiễm virus corona chủng mới hơn. Ảnh: Shutterstock
Mặc dù các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu này là sơ bộ và cần tìm hiểu kỹ hơn, họ cũng khuyên các cơ sở y tế nên xem xét sự khác biệt về nhóm máu khi lập kế hoạch giảm thiểu hoặc điều trị bệnh nhân bị nhiễm virus corona chủng mới.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học và bác sĩ từ các thành phố trên khắp Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh, Vũ Hán, Thượng Hải và Thâm Quyến. Nghiên cứu đã được đăng tải trên Medrxiv.org vào ngày 11/3 nhưng chưa được bình duyệt nên các chuyên gia cũng lưu ý nó có thể có những rủi ro nếu sử dụng nghiên cứu để hướng dẫn thực hành lâm sàng.
Gao Yingdai, một nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm huyết học thực nghiệm ở Thiên Tân, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết mặc dù các nhà khoa học đã tìm hiểu với 2.000 bệnh nhân và đó không phải con số nhỏ nhưng so với tổng số gần 180.000 người mắc trên toàn cầu thì số liệu này vẫn chưa đủ để tin tưởng. Một hạn chế khác của nghiên cứu là nó không đưa ra lời giải thích rõ ràng về việc tại sao lại có sự khác biệt giữa các nhóm máu.
Theo các nghiên cứu trước đây, sự khác biệt về nhóm máu đã được ghi nhận trong các bệnh truyền nhiễm khác bao gồm virus Norwalk, viêm gan B và hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Sars).
Bà Gao cho biết nghiên cứu mới có thể hữu ích cho các chuyên gia y tế, nhưng những người dân không nên quá coi trọng số liệu thống kê này. "Nếu bạn thuộc nhóm máu A, không cần phải hoảng sợ. Điều đó không có nghĩa là bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 100%", bà Gao nói. "Nếu bạn thuộc nhóm máu O, điều đó cũng không có nghĩa là bạn an toàn tuyệt đối. Bạn vẫn cần rửa tay và làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng."