Để hạn chế lây lan dịch bệnh cho trẻ, người chăm sóc phải thực hiện nghiêm ngặt các nguyên tắc phòng bệnh, tuyệt đối không ôm, hôn trẻ.
Tính đến 8 giờ sáng ngày 13/2, trên toàn thế giới đã có 60.017 trường hợp, tăng 14.322 ca mắc mới, trong đó riêng tại Trung Quốc có 59.493 ca mắc. Về con số tử vong, cùng giờ trên đã có 1.355 trường hợp tử vong, tăng 240 trường hợp, trong đó riêng ở Trung Quốc là 1.353 trường hợp.
Còn tại Việt Nam, tính đến 12 giờ sáng ngày 13/2, ghi nhận trên toàn quốc có 16 ca dương tính với COVID-19, trong đó có 7 người được điều trị khỏi, 9 người vẫn đang được điều trị tại TP.HCM, Hà Nội và Vĩnh Phúc. Điều đáng nói, trong số các ca dương tính được phát hiện, có 01 trường hợp là trẻ nhỏ mới 3 tháng tuổi, hiện vẫn đang tiếp tục được điều trị.
PGS Trần Minh Điển - Phó giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, COVID-19 cũng tương tự như các virus khác là lây truyền qua 2 đường chính đó là đường tiếp xúc trên bề mặt vật dụng và giọt bắn. Do đó, để phòng bệnh COVID-19 thì phải bảo đảm môi trường sạch sẽ, giảm bớt vấn đề về tiếp xúc trên bề mặt ở trong phòng, nơi sinh hoạt của các em bé phải được tiệt trùng, lau chùi sạch sẽ.
Không chỉ vệ sinh nhà cửa, mà cần phải thường xuyên vệ sinh cả đồ chơi của trẻ.
Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ các vật dụng, đồ dùng, đồ chơi của trẻ tại nhà hoặc những vị trí như tay nắm cửa bằng chất cồn hoặc dung dịch sát khuẩn để loại bỏ vết bẩn cũng như vi khuẩn, virus nhằm hạn chế sự lây nhiễm của COVID-19.
Vấn đề thứ hai đó là giọt bắn, nếu người lớn vô tình ôm ấp, hôn trẻ thì có thể gây ra tình trạng giọt bắn, người nhiễm bệnh có thể lây cho các cháu, cho nên cần giảm bớt các hành động đó.
Để phòng COVID-19 lây lan sang trẻ nhỏ, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo các bậc phụ huynh cần thực hiện 8 biện pháp sau:
1. Với những trẻ có bệnh nền, cha mẹ cần giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ; rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ít nhất 20 giây; súc miệng, họng bằng nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh, vệ sinh môi trường và tiêm phòng đầy đủ.
2. Hạn chế để trẻ tiếp xúc nơi đông người, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người có dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở). Trong trường hợp phải đi đến các nơi tập trung đông người phải đeo khẩu trang y tế đúng cách, giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
3. Cần che miệng và mũi cho trẻ khi trẻ ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
4. Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.
5. Giữ ấm cơ thể cho trẻ, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý.
6. Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc động vật nuôi như chó, mèo.
7. Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.
8. Khi trẻ có các triệu chứng sốt, ho, khó thở... cần thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên. Đồng thời thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.