Ở nơi xứ người, họ đã phải chịu đựng bao tủi nhục tinh thần và đau đớn thể xác.
Hành trình thoát khỏi “tổ quỷ” của người phụ nữ gốc Tây Ninh
Cuối tháng 4/2018, chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1981, Tây Ninh) đã có những chia sẻ về cuộc sống “địa ngục trên gian” khi đi xuất khẩu lao động ở Ả-rập Xê-út gây xôn xao mạng xã hội.
Theo đó, chị cho biết: “Chuyện như xảy ra ngày hôm qua, mỗi lần nằm ngủ, nhớ lại chuyện này, tôi vẫn còn thấy ác mộng. Tôi lập gia đình đã lâu nhưng vì vợ chồng sống không hợp nhau nên chúng tôi ly hôn. Sau khi chia tay, tòa án cho tôi được quyền nuôi con”.
Đầu năm 2014, sau khi ra sống riêng, hoàn cảnh gia đình chị Thanh vô cùng khó khăn. Vì thế chị quyết định gửi con cho mẹ ruột chăm sóc rồi đi xuất khẩu lao động với hy vọng có chút vốn liếng. Thế nhưng chị không ngờ được rằng, mình bị người môi giới lừa. Bởi ban đầu họ hứa cho chị qua Úc làm việc. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn tất hồ sơ, chị lại đi xuất khẩu lao động tại Ả-rập Xê-út.
Chị Thanh nhớ lại những chuỗi ngày ác mộng ở Ả-rập Xê-út.
Khi vừa đặt chân đến nước bạn, người mẹ đơn thân đã gặp phải những nỗi tủi nhục từ bị quỵt tiền, đánh đập đến cưỡng hiếp. “Sau một ngày chờ đợi, tôi được ông chủ đến bảo lãnh đưa về. Căn nhà nơi tôi làm giúp việc nằm ở Al Nazeem, TP.Riyadh, Ả-rập Xê-út. Lúc đầu nhà đó chỉ có bố mẹ già chừng 70 tuổi và 3 người con. Dần dần xuất hiện thêm 6 người họ hàng đến ở, bắt tôi phải phục tùng từng tí một.
Tôi làm việc quần quật từ 4h sáng cho đến 24h đêm. Cứ thấy tôi rảnh tay là họ bảo vào cọ rửa nhà cầu dù trước đó nó đã được dọn rất sạch. Thậm chí từ ông cho tới cháu luôn tìm cách để cưỡng hiếp, ép tôi quan hệ tình dục”, chị Thanh bức xúc.
Chị kể, gã chủ nhà nhiều lần ép chị Thanh quan hệ tình dục khiến chị phải phải chạy đi cầu cứu người con gái nhưng thất bại. Cuối cùng chị đành tìm đến người vợ thì ông ta mới chịu dừng lại.
Vì ép chị Thanh quan hệ tình dục không thành công, lại bị chị nói với người trong nhà, ông chủ vô cùng bực tức, thường xuyên lấy cớ đánh đập, hạnh hạ chị một cách dã man.
Dù vậy sự khổ ải của chị Thanh vẫn chưa dừng lại ở đó. Trong nhà chủ còn có 2 người cháu 14 tuổi và 16 tuổi. Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng cơ thể họ rất phát triển. Trong những lần gia đình đi vắng, 2 người này đã thay nhau làm nhục chị nhiều lần.
Những nỗi tủi nhục đó, chị đều đem nói hết với bà chủ nhưng thất bại. Cuối cùng chị phải tìm cách liên hệ ra bên ngoài để thoát khỏi khổ nạn. Đó là liên hệ với môi giới xuất khẩu lao động được đổi chủ nhà. Nhưng rồi nhu cầu vẫn không được… đáp ứng.
Không thể chịu đựng được, chị Thanh quyết định bỏ trốn, tìm đến đại sứ quán Việt Nam. Dù vậy chỉ sau ít phút, chủ nhà đã phát hiện ra và chị đành câm nín quay trở lại đó làm việc.
Thời gian sau, chị Thanh may mắn kết nối được với người mẹ nuôi đang sống tại Úc và liên hệ với mẹ ruột ở Việt Nam. Nhờ đó chị đã làm đơn cầu cứu lên các cơ quan chức năng trong nước, có cơ hội lên máy bay trở về quê hương.
Cô gái trẻ thoát khỏi động quỷ, về với bản bằng đôi chân tàn
Đầu năm 2011, bà Vi Thị Nguyệt nhiều lần đến nhà rủ rê cô gái Lữ Thị T. (cùng trú tại Kỳ Sơn, Nghệ An) sang thủ đô của Lào làm nghề thêu thổ cẩm, mức lương 2 triệu đồng/tháng nhưng bố mẹ T. không đồng ý. Biết gặp khó, bà ta lợi dụng lúc bố mẹ T. đi làm rẫy, bí mật đưa chị rời khỏi bản xuống TP.Vinh “làm hộ chiếu xuất cảnh sang Lào”.
Thay vì đưa hộ chiếu cho T., bà Nguyệt dẫn chị lên chiếc xe con rồi trao viên thuốc, nói: “Uống thuốc chống nôn để không nôn ra xe”. Tưởng thật, chị uống rồi dần dần thiếp đi.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, T. bỗng dưng thấy mình ở trong một căn nhà treo biển chữ Trung Quốc giữa rừng, còn bà Nguyệt đã biến mất. Trong nhà rất đông người Trung Quốc đang nhìn ngó chị rồi gọi điện thoại… “Lúc đó, một phụ nữ Việt ghé tai tôi nói nhỏ, họ gọi điện giục người đến nhanh để mua mày đấy”, T. nhớ lại.
Một ý nghĩ vụt đến trong đầu T. là không thể lấy chồng nơi xứ người xa lạ. Chị cố tìm cách thoát khỏi “động quỷ” ghê sợ này. Thấy đám người đang nhộn nhạo, T. lẻn ra ngoài rồi chạy thục mạng vào rừng tối. Chạy được một đoạn xa chị mới biết mình chỉ có cái áo mong manh trên người và đôi chân trần mà rừng thì tối mịt và lạnh cóng.
Lữ Thị T. trở về quê bằng đôi chân không còn bàn chân.
Cứ thế, lúc khỏe thì chạy, lúc mệt thì đi, khi mệt lử thì T. bước dò dẫm hết ngày sang đêm. Đến ngày thứ ba, chị nhìn thấy một hang đá, liền lết người vào đó nằm nghỉ lấy sức. Tại đó, chị đã nằm liệt thêm 3 ngày đêm nữa. Sáng ngày thứ sáu, một giấc mơ hết sức lạ lùng đánh thức T. tỉnh dậy. T. nhớ như in trong giấc mơ có bà lão hỏi vì sao lại lạc lối trong rừng. Sau đó bà dặn “đi tiếp một chặng nữa rồi xuống dốc rừng đi thêm 100m sẽ gặp con đường và có người giúp”.
T. toan đứng dậy đi nhưng không thể nào nhấc nổi hai bàn chân tê buốt. Chị đành cố gắng bò ra khỏi hang, lê lết một lúc lâu rồi bò xuống dốc. Lúc này chị tình cờ gặp 2 ông bà già. Họ đã cứu giúp, đưa chị đến bệnh viện.
Khi tỉnh dậy, T. hoảng hồn nhìn thấy 2 chân mình bị cắt cụt lủn. Sau này T. mới biết, do bị ngấm lạnh, máu ở 2 bàn chân không lưu thông được nên bác sĩ phải phẫu thuật để cứu người.
Ở bệnh viện 15 ngày, T. được chuyển về Trung tâm chăm sóc người tàn tật. Trong suốt 6 năm trời bơ vơ nơi xứ người, T. buồn tê tái. Đã nhiều lần chị viết đơn, ghi rõ tên tuổi, quê quán đưa tận tay người quản lí trung tâm để nhờ họ liên lạc về quê nhưng đều không có kết quả.
Một lần, công an Trung Quốc đến dẫn theo 1 người Việt. Họ yêu cầu T. tường trình lại toàn bộ vụ việc dẫn đến trung tâm này. Không ngờ ít hôm sau, trung tâm nhận được cuộc điện thoại của gia đình T. Sau đó chị được gia đình sang đón về nhà.
Chị Hon hồi hương sau 22 năm lưu lạc xứ người
Mới đây (3/7), bà Nguyễn Thị Hến (Đông Hải, Bạc Liêu) cho biết, gia đình bà đã tìm được người con gái sau 22 năm mất tích – chị Nguyễn Kim Hon (SN 1976).
Chị Hon bảo những ngày tháng cơ cực, đen tối nơi xứ người như cuộn phim quay chậm, luôn hằn sâu trong tiềm thức. “Đầu năm 1997, tôi rời quê lên thành phố Bạc Liêu làm thuê cho các nhà hàng. Đêm ấy, có một thanh niên lớn hơn tôi chừng 2-3 tuổi nài ép ăn một bát cơm có thức ăn đầy và một ly rượu màu. Thế rồi, tôi không còn biết gì nữa. Tỉnh dậy tôi đã thấy mình ở Trung Quốc”, Hon nhớ lại.
Nơi chị bị nhốt có khoảng 20 cô gái toàn người Việt còn trẻ, đều là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc. Ngay tối hôm đó, các chị phải xếp hàng để khách làng chơi, chủ yếu là dân đầu trọc, mắt híp “vui vẻ”. Chị và một vài cô không chịu tiếp khách liền bị nhốt vào một phòng nhỏ, bị tra tấn dã man như thời trung cổ.
Từ đó, Hon buộc phải lê lết theo đám “ma cô” đi từ Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây), sang tỉnh Phúc Kiến, Ôn Châu làm trò mua vui cho các đại gia. Một hôm trời mưa, chị trốn thoát khỏi ổ điếm, đi mãi mới lọt vào một nghĩa địa rồi thiếp đi bên một ngôi mộ.
Tỉnh dậy, Hon thấy mình đang nằm trong một góc nhà lạnh lẽo. Nhìn kỹ, đó chính là nơi “lầu xanh” mà chị vừa trốn ra. Một mụ béo trắng hiện ra trước mắt phẩy tay ra hiệu. Lập tức, có 3 thanh niên xăm trổ đầy mình giữ tay Hon rồi tiêm vào người chị một thứ thuốc màu nâu đục.
“Sau một đêm lì bì, tôi bị tẩy não. Suốt 3 năm trời, tôi như người mất hồn, không nói được câu nào. Tôi cũng chẳng biết mình là ai, từ đâu tới. Khi hết thuốc thì quên luôn tiếng mẹ đẻ...”, chị nói.
Sau 22 năm lưu lạc xứ người, chị Hon đã trở về quê hương.
Gần mười năm trời tàn tạ, thân thể gầy yếu, chị Hon được thoát khỏi “tổ quỷ”. Nhưng bọn chúng lại bán chị cho một gã đàn ông ở một làng xa xôi Phú Điển, tỉnh Phúc Kiến với giá 6 vạn nhân dân tệ (trên 200 triệu đồng).
Trong căn nhà đó, mẹ chồng là người gần gũi nhất, thường xuyên trò chuyện và dạy Hon biết tiếng địa phương, các phong tục, tập quán. Nhưng cách đây chừng 4 năm, bà mắc bạo bệnh rồi mất.
Một hôm, trên truyền hình có phát một bộ phim mà chị mang máng nghe được 2 từ “ăn cơm” rồi có số đếm 1,2,3,4. Chị hỏi chồng, bộ phim này của nước nào? Chồng chị đáp: “Việt Nam”. Chị bỗng bừng tỉnh rồi hàng đêm cứ nhâm nhẩm hai chữ “Việt Nam”. Từ đây, chị tâm niệm chắc chắn mình là người Việt, và âm thầm mong mỏi được trở lại cố hương.
Cuối năm 2018, sau 8 năm chung sống song do Hon không thể sinh con, ông chồng đón về nhà một người phụ nữ. Chị bị chồng ghẻ lạnh, xa lánh, thậm chí bị chồng vô cớ đánh đập và cuối cùng bị tống cổ ra khỏi nhà vào một đêm mưa bão.
Hon đi như vô định. Lang thang làm thuê, kiếm sống. Sau đó được người tốt mách bảo, chị tìm đến các đồn công an nước sở tại. Cuối cùng chị được cơ quan chức năng đưa đến đường mòn phân ranh giữa hai nước Trung- Việt.