Họ đều là những doanh nhân tuổi Sửu nổi tiếng trên thương trường với tài kinh doanh giỏi, sở hữu khối tài sản bao người mơ ước.
Doanh nhân Trần Đình Long
Ông Trần Đình Long (SN 1961, quê Hải Dương) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát là một trong những đại gia tuổi Tân Sửu thành đạt, sở hữu khối tài sản "siêu khủng". Ông nổi tiếng trên thương trường với biệt danh "ông vua" ngành thép.;
Năm 1992, doanh nhân gốc Hải Dương đã cùng bạn của mình thành lập Công ty TNHH Thiết bị phụ tùng, chuyên buôn bán đồ cũ như máy móc, nội thật, ống thép... từ Nga về Việt Nam. Từ đó sự nghiệp kinh doanh của ông bắt đầu.
Đến năm 2007, ông Long chính thức thành lập tập đoàn và đưa lên một tầm cao mới. Ông từng nhận định lợi nhuận sau thuế của tập đoàn trong năm 2016 đạt khoảng 5.000 tỷ đồng - một con số không hề nhỏ trong giới kinh doanh. Cũng trong năm đó, ông lần đầu bước lên vị trí là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt.
Ông Trần Đình Long là một trong những đại gia tuổi Sửu thành đạt, sở hữu khối tài sản "siêu khủng".
Năm 2018, vị đại gia tiếp tục lọt vào Danh sách tỷ phú của Forbes với khối tài sản 1,3 tỷ USD, đứng thứ 1.756 thế giới. Nhưng năm 2019, ông đã bị loại khỏi danh sách này dù tài sản ước tính chừng 1 tỷ USD.
Cuối năm 2020, tập đoàn của doanh nhân Trần Đình Long sở hữu tổng tài sản là ;131,5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 30 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2019. Doanh nghiệp này cũng đang sở hữu kho tiền lên tới hơn 13 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi ngân hàng là hơn 2 nghìn tỷ đồng và hơn 10,9 nghìn tỷ đồng các khoản tương đương tiền. Vì thế, ông đã quay trở lại thị trường chứng khoán Việt với vị trí người giàu thứ 2.
Nữ doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh
Bà Trương Thị Lệ Khanh (SN 1961 - Tân Sửu, quê An Giang) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn được mệnh danh là “bà hoàng” của ngành thuỷ sản Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau tại công ty xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp thương mại...
Năm 1997, người phụ nữ miền Tây chính thức thành lập công ty với mục đích chính là xuất nhập khẩu các mặt hàng như cá tra, basa phi lê và hàng giá trị gia tăng từ cá tra và cá basa.
Bà Trương Thị Lệ Khanh được mệnh danh là “bà hoàng” của ngành thuỷ sản Việt Nam.
Năm 2003 ngành xuất khẩu cá tra bùng nổ cũng là lúc lần đầu tiên công ty của nữ đại gia miền Tây vươn lên dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước. 4 năm sau đó, doanh nghiệp này chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Ngoài ra, đơn vị còn chuyển sang kinh doanh nhiều sản phẩm khác có liên quan đến dự án về nuôi trồng, chế biến cá tra, gạo... với sự ra đời của hàng loạt công ty con.
Hiện bà Khanh đang sở hữu gần 80 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 43,16% với tổng tài sản khoảng 3.000 tỷ đồng. Năm 2020, bà là một trong 2 đại diện của Việt Nam lọt bảng vàng 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của tạp chí Forbes.
Ông Trần Trọng Kiên
Ông Trần Trọng Kiên (SN 1973 - Quý Sửu, quê Hà Nội) được biết đến là đại gia nổi tiếng trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam. Ông từng theo học 6 năm tại trường Đại học Y Hà Nội. Nhưng khi ra trường, ông không theo nghiệp y khoa mà lại bước chân vào lĩnh vực du lịch. "Tôi sinh ra trong một gia đình tương đối khó khăn về tài chính. Tôi không muốn chứng kiến gia đình tôi, đặc biệt là những đứa con tôi cũng phải lớn lên trong sự thiếu thốn. Đó chính là lý do tôi bỏ lại tấm bằng bác sĩ để đến với kinh doanh”, vị đại gia từng chia sẻ.
Năm 1994, ông thành lập một doanh nghiệp chuyên điều hành tour du lịch cho khách hàng có khả năng chi trả cao với số vốn ban đầu 2.000 USD. Năm 2001, tập đoàn của vị doanh nhân Hà thành ra đời trên nền doanh nghiệp trên với phiên bản mới. Ông giữ ghế Chủ tịch HĐQT kiêm CEO. Và doanh nghiệp trên trở thành một trong những nhánh kinh doanh cốt lõi của tập đoàn.
Ông Trần Trọng Kiên được biết đến là đại gia nổi tiếng trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam.
Năm 2004, ông Trọng Kiên mua khách sạn Festival Huế, đồng thời mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực khách sạn, phát triển hoạt động du lịch tại khu vực Đông Nam Á cũng như các nước châu Á. Năm 2009, ông bất ngờ nổi tiếng trên thương trường với thương vụ mua lại một công ty du lịch của Thái Lan. Sau năm 6, công ty ấy đã vươn lên và lọt Top 10 công ty lữ hành lớn nhất tại xứ sở chùa Vàng.
Tháng 9/2014, tập đoàn chính thức đưa ba chiếc thủy phi cơ đầu tiên về Việt Nam và hoạt động với thương hiệu mới. Nhưng sau nhiều năm hoạt động và khai thác dịch vụ thuỷ phi cơ, thương hiệu này vẫn báo lỗ. Năm 2017, ông Trọng Kiên tìm kiếm liên doanh hợp tác với AirAsia trong một dự án nhằm đưa hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á vào thị trường Việt Nam nhưng không thành công.
Dẫu vậy, vị doanh nhân vẫn nuôi tham vọng với thị trường hàng không và quyết định thành lập một công ty hàng không vào tháng 6/2019 với số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Kiên là cổ đông lớn nhất với 60%.
Nữ đại gia Lê Hoàng Diệp Thảo
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo (SN 1973, quê Đắk Lắk) là nữ doanh nhân tuổi Quý Sửu nổi tiếng trên thương trường. Ngoài 20 tuổi, bà bất ngờ lên xe hoa với “Vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ – khi ấy là một anh chàng sinh viên chưa tốt thiệp của Đại học Y, đang muốn dấn thân vào thương trường. Năm 1996, bà cùng chồng khởi nghiệp, thành lập Hợp tác xã cà phê Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột. Bà là đồng sáng lập và đồng sở hữu tập đoàn này.
Ngày 20/08/1998, công ty mở quán cafe đầu tiên tại TP.HCM và đồng thời cũng là nhà của hai vợ chồng ở địa chỉ 587 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận. Năm 2000, với chiến lược nhượng quyền, công ty đã có 400-500 quán cà phê trên toàn Việt Nam. Năm 2001 công ty mở xưởng sản xuất cà phê Hoà tan và bắt đầu phát triển thương hiệu cà phê G7. Đến năm 2002, công ty thực hiện nhượng quyền ở một số quốc gia như Nhật bản và Singapore.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo là nữ doanh nhân tuổi Quý Sửu nổi tiếng trên thương trường.
Năm 2008, bà Thảo thành lập và giữ vai trò TGĐ công ty Trung Nguyên International và công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên. Đặc biệt, sau khi ly thân với chồng, bà mở công ty riêng về cà phê. Tháng 10/2016 thương hiệu cà phê của riêng bà ra mắt thị trường Hoa Kỳ. Ngày 10/07/2018 công ty khai trương cửa hàng đầu tiên của chuỗi thương hiệu tại số 2 Lê Lợi, phường Hội Thương, thành phố Pleiku.
Tháng 4/2015, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ bãi nhiệm chức danh Phó TGĐ của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Trung Nguyên. Và cũng từ đây, tranh chấp quyền quản lý công ty giữa vợ chồng bà chính thức nổ ra.
Năm 2019, tòa phúc thẩm TAND cấp cao tại TP.HCM đã công nhận ông Vũ và bà Thảo thuận tình ly hôn. Toà tuyên giao bà Thảo nuôi các con chung, chấp nhận sự tự nguyện của ông Vũ cấp dưỡng cho các con mỗi năm 10 tỷ đồng, tính từ 2013 cho đến khi học xong đại học.
Tài sản bất động sản được tòa xử chia đôi: bà Thảo được sỡ hữu, quản lý, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất gồm 7 bất động sản trị giá 375 tỷ; ông Vũ được quản lý đất và tài sản gắn liền với đất tương đương 6 bất động sản trị giá 350 tỷ. Về tài sản cổ phần tại các công ty chia theo tỷ lệ 60 cho ông Vũ và 40 cho bà Thảo.
Theo bản án, ông Vũ được sở hữu toàn bộ cổ phần của các công ty và giao bà Thảo sở hữu tiền, vàng, ngoại tệ đang sở hữu tại các ngân hàng trị giá hơn 1.764 tỷ đồng. Ông Vũ phải thanh toán chênh lệch cho bà Thảo số tiền 1.510 tỷ. Như vậy, sau khi ly hôn, tổng tài sản ròng của bà Lê Hoàng Diệp Thảo lên đến 3.749 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bà Lê Hoàng Diệp Thảo gia nhập nhóm phụ nữ giàu nhất Việt Nam và xếp ở vị trí thứ 4.