Lương hàng tháng thuộc hàng cao ngất ngưởng, thế nhưng tháng nào bạn cũng phải đối diện với tình trạng “cháy túi”, không có “một xu tiết kiệm”? Nếu bạn tiêu tiền theo cách này, nghèo là đương nhiên.
Bạn có bao giờ tự hỏi tất cả tiền của bạn đã đi đâu trong khi bạn là một người có thu nhập không phải thấp? Bạn thường tự đặt ra câu hỏi vì sao bạn chẳng bao giờ có tiền thừa mỗi tháng hay có sổ tiết kiệm trong ngân hàng? Bạn lo nghĩ rất nhiều về tài chính và những khoản cần phòng thân nhưng lại không biết làm thế nào để khắc phục tình trạng này?...
Câu trả lời đến từ cách mà bạn khống chế chi tiêu, cân đối tài chính. Làm tốt việc này, bạn sẽ không phải lao đao vì kinh tế. Bằng không, dù cho bạn có lương cao đến mấy cũng vẫn rơi vào tình trạng “cháy túi” như thường.
Dưới đây là 7 thói quen hàng đầu khiến cho bạn dễ lạm phát trong chi tiêu, tài chính:
1. Không lập thống kê các khoản cần chi tiêu mỗi tháng
Để toàn bộ số tiền bạn có trong ví và rút ra bất cứ khi nào thấy cần hoặc thích thích một thứ gì đó sẽ là cách nhanh nhất để bạn “nhẵn túi” khi chưa tới kì lương tiếp theo. Với cách tiêu tiền thiếu kế hoạch này, dù cho bạn có thu nhập cao đến mấy bạn vẫn có thể là kẻ “trắng tay” vào cuối tháng.
Thiếu kiểm soát trong chi tiêu có thể khiến bạn “cháy túi” mỗi tháng (Ảnh minh họa)
Điều bạn nên làm là lập một danh sách các khoản cần chi tiêu, mua sắm, ngoại giao trong một tháng. Bạn cũng có thể phòng ra một quỹ nho nhỏ cho việc phát sinh. Số tiền còn lại, hãy cất đi tiết kiệm. Khi phân loại từng khoản tiền cho các mục cần tiêu, bạn sẽ không quá đà trong mua sắm, ăn hàng hay đi chơi. Hãy lập ngân sách và bám sát nó.
2. Chỉ tính hiện tại, không nghĩ tới tương lai
Có thể hiện tại, mức thu nhập của bạn thoải mái cho những việc chi tiêu, hoang phí, nhưng nếu bạn không nhìn xa, tính đến những giai đoạn tương lai, có thể bạn sẽ hối hận. Cuộc sống không phải lúc nào cũng bình ổn, sẽ có những thời điểm bạn cần một khoản tiền để giải quyết những việc cấp bách. Bởi thế, trong chi tiêu bạn luôn phải có phương án phòng ngừa cho tương lai.
3. Nghĩ rằng mình còn trẻ, còn quá sớm để nghĩ về việc tiết kiệm
Khi bạn còn trẻ, thật dễ dàng để bị cuốn theo những thú vui khác nhau mà tiền có thể mua được. Mọi người thường nghĩ rằng ngay bây giờ còn quá sớm để bắt đầu tiết kiệm hoặc đầu tư, giờ là thời điểm của hưởng thụ. Đây là một sai lầm! Bạn vẫn có thể hưởng thụ trong chừng mực và tính toán cho tương lai. Đó chính là cách để kéo dài cuộc sống của bạn trong sự chủ động, tốt đẹp được lâu hơn. Không bao giờ là quá sớm để tiết kiệm một phần thu nhập của bạn, bất kể dù lương thấp hay cao.
Không bao giờ là quá sớm để tiết kiệm một phần thu nhập của bạn, bất kể dù lương thấp hay cao.
4. Chỉ bận tâm tới các khoản tiền lớn, bỏ qua những khoản nhỏ
Đây thực sự là một sai lầm. Tất cả chúng ta đều có thói quen kiểm tra lại các khoản tiền có trong tài khoản của mình. Tuy nhiên, nhiều người lại chỉ bận tâm tới những khoản tiêu chính, những thứ lặt vặt họ không mấy tính toán, thậm chí cho rằng nó chẳng đáng gì. Đó là lí do mỗi tháng họ đều bị phát sinh chi phí mà không biết vì sao. Khi mua những món đồ nhỏ, bạn tặc lưỡi cho rằng nó chẳng tốn bao nhiêu, vì thế bạn mua mà không quan tâm tới sự cần thiết.
Để hạn chế tình trạng này, bạn phải phân loại các khoản cần chi trong 1 tháng, để chừa ra một quỹ nho nhỏ cho những việc phát sinh. Phải xác định, chính những thứ nhỏ có thể sẽ tiên tốn của bạn cả đống tiền mỗi tháng. Bằng cách này, bạn sẽ hạn chế và kiểm soát được chi tiêu cho mình.
5. Không xác định rõ mục tiêu, nhu cầu sống của mình
Nếu bạn muốn tiết kiệm để mua nhà, mua xe, theo học cao lên, tích cóp giàu có… khi đó, bạn chắc chắn sẽ phải ưu tiên mục tiêu tài chính, tính toán kĩ. Khi đó, tiết kiệm tiền là ưu tiên hàng đầu, vì thế bạn phải hy sinh hoặc hạn chế một số thu vui, nhu cầu khác của bản thân như ăn diện, mua sắm, đi nhà hàng, du lịch…
Sẽ không thể nào có việc bạn vừa thoải mái với mọi thú vui mà vừa có nhiều tiền để cất đi. Hãy đặt ra mục tiêu rõ ràng cho mình và giữ tiền lại nhiều hơn.
Đôi khi để thực hiện được những dự định lớn trong cuộc đời, bạn buộc phải hi sinh những thú vui khác để tiết kiệm tiền bạc
6. Chỉ nghĩ tới khoản lãi bạn phải trả mà quên mất việc giảm số nợ gốc
Khi bạn phải vay mượn một khoản tiền nào đó, mỗi tháng bạn phải trả vào đó khoản lãi nhất định. Với thu nhập hiện tại, bạn cho rằng mình xông xênh, có tiền khi chỉ phải trích ra một số tiền nho nhỏ đó. Đây chính là nguyên nhân khiến bạn không thể có tiền tích cóp bởi mỗi tháng bạn đều phải cõng một khoản tiền và điều này kéo dài trong nhiều năm tháng.
Trước hết, hãy tính tới khoản nợ gốc của bạn. Mỗi tháng hãy dành ra một khoản để trả vào phần gốc. Càng nhanh chóng chấm dứt các khoản nợ nghĩa là hàng tháng bạn có quyền để ra một khoản tiết kiệm thay vì chạy theo trả nợ dài ngày.
7. “Cuồng công nghệ”, liên tục thay đồ điện tử
Phải thừa nhận đây là một thú vui, nó khiến bạn cảm thấy mình giàu có, sang chảnh hơn. Những chiếc điện thoại đời mới nhất, những máy vi tính xịn, tai nghe công nghệ cao… sẽ khiến bạn trở nên thật sành điệu. Nhưng những món đồ này dĩ nhiên không hề rẻ. Bạn thậm chí có thể phải tiêu tốn cả tháng lương để sở hữu nó.
Quá nghiện nâng đời thiết bị công nghệ khiến bạn khó có thể giàu được (Ảnh minh họa)
Nếu bạn nghiện đồ công nghệ và thay nó liên tục, bạn dĩ nhiên sẽ không thể nào giàu có được. Hãy nhớ, chúng chỉ là vật dụng phục vụ cuộc sống của chúng ta. Và chỉ cần chúng có đầy đủ chức năng, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của bạn, không nhất thiết phải thay đổi liên tục cho hợp mốt. Số tiền tiết kiệm được từ những vụ “lên đời” thiết bị điện tử có thể khiến bạn trở thành người giàu có.