Có lẽ, thời điểm tôi cảm thấy khó chịu, bất an trong người cũng là lúc mẹ, các con và cháu tôi bị sát hại…”, chị Thanh cho biết.
Liên quan đến vụ thảm sát kinh hoàng xảy ra đêm 23/9/2016 tại phường Phương Nam, TP. Uông Bí (Quảng Ninh) khiến bà Nguyễn Thị Hát (SN 1955) cùng 3 cháu ngoại tử vong. Tuy kẻ thủ ác Doãn Trung Dũng (SN 1971) trú tại khu 1, phường Trưng Vương (cùng TP. Uông Bí) đã bị Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt với mức án cao nhất, nhưng nỗi đau mất mát của gia đình nạn nhân thì chưa lúc nào nguôi ngoai.
Gần 1 năm qua, ngôi nhà của nạn nhân sau khi xảy ra vụ thảm sát trở nên trống trải, ảm đạm và hiu quạnh. Trong căn nhà vốn ngập tiếng cười trẻ thơ ngày nào thì giờ đây chỉ là những tiếng thở dài và ánh mắt buồn tủi.
Căn nhà xảy ra vụ thảm sát đã yên bình sau những tháng ngày đau thương. Ảnh: Đ.Tuỳ
Sau 4 lần tìm đến gia đình, chúng tôi mới gặp được chị Vũ Thị Thanh (SN 1983) là mẹ của hai nạn nhân nhỏ tuổi. Không phải chị cùng gia đình ngại chia sẻ về cuộc sống hiện tại mà công việc nhân viên bán xăng chỉ cho phép chị tranh thủ về nhà nghỉ lúc giữa trưa và tối muộn.
Lần gặp này, chúng tôi thấy sắc thái của chị Thanh đã tốt hơn rất nhiều trong lúc xảy ra sự việc và tại phiên toà xét xử kẻ thủ ác cướp đi sinh mạng của mẹ đẻ, 2 con và cháu ruột của chị. Từ trong sâu thẳm của người phụ nữ bất hạnh, chị hiểu và biết không thể lúc nào cũng sống chung với nỗi đau quá khứ khi phía trước là cuộc sống thường ngày…
“Sau ngày phiên toà xử Dũng đến nay, chưa khi nào gia đình tôi được nguôi ngoai nỗi đau. Có thể giờ đỡ hơn một chút và khi đi làm không nghĩ đến. Tuy nhiên, cứ về đến nhà thì mọi thứ như hiện ra trước mắt, trống vắng và cô đơn. Nhiều lúc muốn quên, gạt bỏ mọi thứ trong đầu nhưng không thể nào xoá đi những gì tận mắt tôi chứng kiến.
Chị Thanh (áo đen) và chị Oanh (áo xanh) trong phiên toà xử Doãn Trung Dũng tháng 12/2016. Ảnh: Đ.Tuỳ
Nhưng không biết tại sao, cứ đêm xuống trong giấc ngủ chập chờn tôi đều mơ thấy các con và mẹ về. Tuy nhiên, chưa khi nào tôi nhìn thấy rõ mặt mọi người. Thậm chí, có đêm tôi mơ thấy mẹ chỉ chỗ đối tượng cất giấu số vàng và đến hôm sau thì cơ quan công an tìm ra thật. Có lẽ, đó là sự linh ứng…”, chị Thanh tâm sự.
Theo lời kể của chị, đến thời điểm này dù các thành viên trong gia đình chị không còn nhắc lại chuyện xưa nhưng trong tiềm thức mỗi người thì đều nhớ. Sau ngày đại tang, chị Vũ Thị Oanh (chị ruột chị Thanh và cũng có con bị sát hại) không đi sang Trung Quốc làm ăn nữa mà ở nhà xin vào một công ty làm để chị em gần nhau và hương khói cho con.
Cũng sau trăm ngày của bốn bà cháu, di ảnh của bà Hát cũng được chuyển về gia đình anh trai chị Thanh thờ cúng. Công việc hàng ngày của những người thân nạn nhân trở lại bình thường. Chị Thanh vẫn làm nhân viên cây xăng Phương Nam cạnh nhà. Ông Vũ Văn Hùng (bố chị) vẫn làm bảo vệ chợ kiêm tổ an ninh khu xóm.
Cây xăng Phương Nam, nơi chị Thanh vẫn tiếp tục công việc hàng ngày. Ảnh: Đ.Tuỳ
Trong câu chuyện chia sẻ với PV, chị Thanh vẫn không quên được đêm xảy ra sự việc, đêm đó chị luôn cảm thấy bất an, khó ngủ, trong người khó chịu và chị đã mang ảnh các con lưu trong điện thoại ra xem.
“Hôm đó đến ngày làm ca đêm, thông thường vào khoảng 23 giờ là tôi đi ngủ, nhưng không hiểu sao lúc đó tôi không ngủ được và luôn cảm thấy sốt ruột vô cùng. Lúc này, tôi mang ảnh của các con đi chơi công viên cách đó một tuần được lưu trong điện thoại ra xem.
Đến khoảng hơn 1 giờ sáng thì tôi lịm đi. Có lẽ, thời điểm tôi cảm thấy khó chịu, bất an trong người cũng là lúc mẹ, các con và cháu tôi bị sát hại…”, chị Thanh cho biết.
Cũng trong đêm đó, chiếc xe của chị Thanh bị kẻ gian vào lấy trộm, phá khoá nhưng không thành và hôm sau chị nhờ người sửa. Đến khoảng 7 giờ sáng chị hết ca và về nhà, nhưng đến đầu ngõ chợt nhớ để quên chiếc điện thoại ngoài cây xăng, nên chị quay lại.
Ông Vũ Văn Hùng (chồng bà Hát) trao đổi với PV tại phiên toà xét xử. Ảnh: Đ.Tuỳ
“Khi về đến nhà, thấy cánh cổng đã mở một bên và khép hờ, tôi đi xe máy vào trong gian bếp. Lúc dựng xe thấy bánh xe phía trước chạm vào người mẹ thì tôi phát hoảng và không dựng được xe nữa. Chạy lên trên nhà kiểm tra thì đã thấy con trai tử vong trong phòng, sau đó tôi gọi điện cho bố, anh trai và kêu mọi người ứng cứu”, chị Thanh nhớ lại sự việc.
Nói về phiên toà xét xử Doãn Trung Dũng vào cuối năm 2016, gia đình chị vẫn chưa cảm thấy hài lòng khi trong đơn kiến nghị của gia đình chị lên phiên toà có nhiều điểm không được chấp nhận. Đó là mong muốn được đưa phiên toà về xét xử tại địa phương và nếu hung thủ bị kết tội tử hình thì cần cho gia đình biết ngày giờ thi hành án.
“Tôi biết, mẹ, con và cháu tôi đã mất rồi thì không lấy lại được, nỗi đau nào rồi cũng có lúc nguôi ngoai nhưng sự mất mát thì không thể nào bù đắp được. Lúc này, gia đình tôi mong sao mọi thứ sớm trở lại bình thường để tiếp tục công việc sinh sống”, chị Thanh nghẹn ngào.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, lãnh đạo phường Phương Nam cho hay, từ khi xảy ra sự việc đến nay, lãnh đạo phường cũng như TP. Uông Bí luôn quan tâm, động viên gia đình chị Thanh để mọi người thân sớm ổn định cuộc sống.