Đã có rất nhiều đồn đoán cho rằng, bệnh viện là nơi hưởng lợi hoặc bảo hiểm y tế là nơi hưởng lợi khi giá dịch vụ y tế tăng cao từ ngày 1/3/2016.
Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy, đa số các nhà hoạch định chính sách từ lãnh đạo Bảo hiểm Y tế, lãnh đạo Bộ Y tế cho đến những người đứng đầu các bệnh viện từ các bệnh viện tầm trung cho đến các bệnh viện hạng đặc biệt đều khẳng định: Người dân được hưởng lợi nhiều nhất khi giá dịch vụ y tế tăng cao.
Điều này nghe có vẻ rất vô lý, bởi người dân (trực tiếp là những người đến khám và điều trị) khi đến bệnh viện nếu giá viện phí tăng thì họ phải trả tiền nhiều. Vậy tại sao họ lại là người được lợi?
Trao đổi về vấn đề này bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, đối với việc tăng giá dịch vụ y tế lần này, người bệnh có bảo hiểm y tế được hưởng lợi nhiều hơn là bị tác động.
Người dân có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được hưởng lợi khi giá dịch vụ y tế tăng.
Theo bà Hường, việc tăng viện phí đồng nghĩa với việc chất lượng dịch vụ y tế sẽ tăng do các bệnh viện cạnh tranh nhau, nếu không có kỹ thuật tốt, chất lượng tốt thì người dân sẽ không đến, ngoài việc được sử dụng chất lượng dịch vụ y tế tốt, người dân vẫn được bảo hiểm y tế chi trả, thậm chí nhiều chi phí người dân được bảo hiểm trả 100%.
Như vậy, việc điều chỉnh hay nói cách khác là tăng giá dịch vụ y tế nếu có tác động thì cũng không tác động nhiều tới người bệnh có bảo hiểm y tế. “Theo tôi, người bệnh có bảo hiểm y tế được hưởng lợi nhiều hơn là bị mất khi giá dịch vụ tăng”, đại diện lãnh đạo bệnh viện Việt Đức cho hay.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, một bệnh viện hạng đặc biệt hoàn chỉnh đầu tiên ở Việt Nam, nơi có hàng vạn bệnh nhân đến khám và điều trị mỗi ngày cũng đồng quan điểm trên.
Theo đại diện Bệnh viện Bạch Mai, giá dịch vụ tăng là để giúp bệnh viện có thêm khoản kinh phí phục vụ cho bệnh nhân như đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại, phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, đào tạo nâng cao chuyên môn cho các y, bác sỹ... Như vậy, bệnh nhân là người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế.
Hơn nữa, trong đợt tăng giá lần này chỉ áp dụng cho những người có thẻ bảo hiểm y tế, còn lại những đối tượng khác không có thẻ (chiếm khoảng 20% dân số) sẽ không bị tác động vì vẫn thanh toán theo giá cũ.
Không có bảo hiểm y tế, người dân sẽ phải chi trả số tiền khổng lồ khi đến viện.
Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cũng cho biết, theo lộ trình việc tăng giá dịch vụ y tế sẽ chia làm 2 giai đoạn và bước đầu chỉ áp dụng cho những người có bảo hiểm y tế, với những người không có thẻ bảo hiểm y tế (chủ yếu lao động tự do, nông dân, người nghèo) vẫn áp dụng mức giá cũ.
Tuy nhiên, đó chỉ là tạm thời áp dụng, về lâu dài giá viện phí mới vẫn được áp dụng chung cho toàn xã hội, như vậy đối với những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế sẽ phải chịu gánh nặng rất lớn mỗi khi vào viện.
Bởi vậy, theo các nhà hoạch định chính sách y tế, “khoảng trống” trong giai đoạn chưa áp dụng giá dịch vụ y tế mới cho người chưa có bảo hiểm y tế, thì cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để toàn dân tham gia bảo hiểm y tế.
Như vậy, việc tăng giá viện phí sẽ là một mũi tên bắn trúng hai đích cùng lúc, đó là vừa tăng chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, đồng thời đạt độ bao phủ toàn dân tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, cái mà người dân cần khi tham gia bảo hiểm đó chính là việc thông tuyến bảo hiểm y tế. Nghĩa là, người dân có quyền lựa chọn cơ sở y tế mình muốn đến khám (không cần đúng và đợi chuyển tuyến) nhưng bảo hiểm y tế vẫn phải chi trả theo quy định hiện hành.