Ngoài các vấn đề liên quan đến nhà trường và cơ quan chức năng, thì các bậc phụ huynh cũng chính là kẻ tiếp tay cho con em sử dụng đồ ăn không đảm bảo ở trước cổng trường.
Thực phẩm bẩn luôn là vấn đề gây nhức nhối dư luận, theo các chuyên gia đây là nguyên nhân dẫn tới 30% các bệnh ung thư thường mắc phải. Điều đáng nói, thực phẩm bẩn đang hiện hữu ở khắp mọi nơi, từ nơi sản xuất, buôn bán cho đến các bữa ăn trong gia đình. Thậm chí, ngay tại nơi được coi là tuyên truyền gần nhất đến thế hệ tương lai của đất nước là các trường học, thực phẩm bẩn vẫn "len lỏi" hàng ngày và "đầu độc" từ từ các em học sinh từ mầm non cho đến trung học. Để cảnh báo đến các bậc phụ huynh, nhà trường, cũng như các cơ quan quản lý về vấn đề này, chúng tôi khởi đăng tuyến bài thực phẩm bẩn trước cổng trường học với các ghi nhận từ các em học sinh, các bậc phụ huynh và các chuyên gia về tác hại của những loại thực phẩm này. |
Như đã đưa tin, hiện nay tại hầu hết các trường tiểu học, THCS trên địa bàn Hà Nội đều xuất hiện những hàng ăn, quán cóc, xe đẩy bán thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ em. Để giải quyết được vấn đề này thì cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng liên ngành như: An toàn vệ sinh thực phẩm, công an phường...
Tuy nhiên, muốn giải quyết được gốc rễ vấn đề thì trước hết nhà trường và chính các bậc phụ huynh phải là người có trách nhiệm đầu tiên. Nhưng theo khảo sát của phóng viên đa số các nhà trường đều “phủi” trách nhiệm khi cho rằng: “Hàng tuần đều tuyên truyền cho học sinh qua các buổi chào cờ và đã có yêu cầu tới công an phường, nhưng đều không có tác dụng. Hơn nữa, do các hàng quán này bán ngoài khuôn viên nhà trường, nên nhà trường không thể xử lý”.
Học sinh được bố mẹ cho tiền để ăn quà.
Đối với nhà trường là vậy, còn đối với các bậc phụ huynh thì đang “nối giáo cho giặc”, mặc dù biết những mặt hàng đó chẳng béo bổ gì. Theo đó, đa số các học sinh từ tiểu học đến THCS khi được hỏi đều trả lời “thật như đếm” rằng: “Bố mẹ cháu bảo, tan học xong ra mua cái gì đó ăn, đợi bố mẹ đến đón”.
“Hôm nào đi học mẹ cháu cũng cho cháo 15.000 đồng để chiều về nếu mẹ chưa kịp đón thì mua gì đó rồi vào phòng bảo vệ ngồi ăn và đợi mẹ. Nhưng hôm ra chưa thấy mẹ đến đón, cháu thường ra mua xúc xích, bánh khoai hoặc kẹo bán ở ngoài cổng trường, sau đó vào phòng chú bảo vệ vừa ăn vừa đợi mẹ đến đón”, cháu Hồng Liên, học sinh lớp 4 trường tiểu học T.T (Đống Đa-Hà Nội) cho biết.
Trường hợp của cháu Hồng Liên cũng là tình trạng chung của rất nhiều học sinh ở những điểm trường khác, theo đó trong khi chờ đợi bố mẹ đến đón nhiều học sinh luôn có sẵn tiền trong túi và sẵn sàng mua những món đồ ăn mà mình thích.
Đáng nói hơn, tại nhiều điểm trường trực tiếp bố mẹ cũng bỏ tiền mua những loại đồ ăn không đảm bảo cho con. Tuy nhiên, khi được hỏi thì các bậc phụ huynh đều cho rằng, thương con vì các bạn được ăn mà con mình không được ăn.
Nhiều phụ huynh sẵn sàng đứng ăn cùng con sau giờ tan học.
Dưới đây là đoạn hội thoại ngắn với một phụ huynh khi đang mua đồ ăn trước cổng trường cho con:
- Chào chị, ngày nào tan học về chị cũng mùa nem chua rán cho cháu ạ?
Không thỉnh thoảng thôi, hôm mua nem chua, hôm mua xúc xích?
- Em thấy người ta cảnh báo không nên dùng đồ ăn vỉa hè nhất là đối với trẻ nhỏ vì không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa?
Mình cũng có nghe, nhưng khi thấy các bạn được ăn, con mình đòi, chẳng nhẽ lại tiếc vài nghìn bạc, để con thèm.
- Chị có thể vào siêu thị mua xúc xích về rán cho con, thay vì mua ở vỉa hè?
Về nhà thì cháu lại không ăn nữa, mình cũng đã thử vài lần.
- Vậy là chỉ ở đây thấy các bạn ăn, thì cháu mới đòi mua?
Đúng rồi!
- Thế chị nên kiến nghị khi họp phụ huynh là dẹp bỏ nhưng quán ăn kiểu này đi?
Cũng có kiến nghị, nhà trường bảo đã kiến nghị lên phường, nhưng ngày nào đến đón con cũng thấy họ ở đây và các cháu xúm lại mua.
Qua đó, có thể thấy được rằng, không phải các bậc phụ huynh không biết những tác hại của loại thức ăn hè phố này. Nhưng vì thương con, chiều con, những ông bố, bà mẹ này đã bỏ qua sức khỏe của con mình, để đáp ứng sự đòi hỏi của con trẻ.
Các chuyên gia nhận định, thực phẩm đường phố tuy ăn vào không chết ngay, nhưng rõ ràng nguy cơ mắc các chứng bệnh nan y từ thực phẩm đường phố đang treo lơ lửng trên đầu người dân, khi hàng loạt các loại thực phẩm, bánh trái bị tẩm ướp hóa chất độc hại được phát hiện.
Kỳ tới: Những hình ảnh “không muốn thấy” trước cổng trường học