Trong những ngày Tết, nhu cầu tìm người giúp việc trong các gia đình tăng cao do người giúp việc về quê ăn Tết và cũng có rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười khiến các bà nội trợ đau đầu.
Cung nhỏ hơn cầu, giá giúp việc tăng chóng mặt
Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam, đây cũng là khoảng thời gian để gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, dành những lời chúc mừng tốt đẹp nhất sau 1 năm vừa qua.
Cùng với nhu cầu tăng cao, giá cả người giúp việc trong khoảng thời gian giáp Tết cũng tăng chóng mặt. Bình thường, trung bình mỗi tháng nếu làm việc chăm chỉ và làm đủ 30 ngày thì một người giúp việc thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, vào dịp Tết Nguyên Đán người giúp việc chỉ cần làm vỏn vẹn 5 ngày là có thể cầm trong tay số tiền mà đáng ra phải làm quần quật suốt 30 ngày mới có được.
Theo bảng giá niêm yết của 1 trang chuyên cung cấp người giúp việc cho các hộ gia đình tại Hà Nội lần lượt là: 350 - 700 nghìn đồng/ngày đối với những người làm việc theo giờ và 400 - 600 nghìn đồng/ngày với những trường hợp bao ăn ở. Trung bình, giá người giúp việc tăng từ 3 - 4 lần so với ngày bình thường. Tuy nhiên, để tìm được một người giúp việc trong những ngày Tết vẫn là nỗi trăn trở với nhiều gia đình.
Tìm người giúp việc dịp Tết khiến nhiều gia đình mệt mỏi.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, chị Nguyễn Thị Hằng (Hoàng Mai, Hà Nội) nói: “Tìm người giúp việc là nỗi ám ảnh với gia đình tôi trong những ngày Tết Nguyên đán. Năm trước, để tìm được người giúp việc phù hợp tôi phải bỏ ra khoản tiền khá lớn là 1 triệu đồng/ngày/người. Chấp nhận mất tiền để yên tâm đi chúc Tết cũng như đi du xuân”.
Nhà anh Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) cũng đang trong cảnh dở khóc dở cười vì cô giúp việc xin nghỉ sớm để về quê gieo mạ, cấy lúa. “Vì năm nay vụ mùa vào đúng dịp Tết Kỷ Hợi nên chị giúp việc nhà tôi xin về quê từ hôm 23 để lo việc đồng áng, tôi cũng đã làm rất nhiều cách để cố giữ chị ấy ở lại làm như cố gắng năn nỉ, trả tiền công cao hơn hay hứa hẹn, sẽ cho ô tô đưa chị về quê ăn Tết, nhưng chị ấy nhất quyết đòi về.
Tôi và vợ lấy nhau đến nay cũng được gần 5 năm và cũng đã có được một cháu trai 3 tuổi, do đặc thù công việc của hai vợ chồng thường xuyên đi làm về muộn nên mọi công việc ở nhà từ bếp núc đến chăm sóc con nhỏ đều do chị giúp việc đảm nhiệm. Bây giờ chị ấy đòi về gia đình tôi cũng chưa biết phải sống thế nào trong mấy ngày Tết nữa”, anh Tuấn vừa lắc đầu vừa nói.
Chị Nguyễn Thị Hà, đại diện một trang điện tử chuyên cung cấp dịch vụ người giúp việc chia sẻ: “Thời điểm Tết âm lịch cổ truyền là khoảng thời gian khó khăn nhất trong việc tìm kiếm nhân sự của chúng tôi. Thường thì người giúp việc sẽ nghỉ từ 27, 28 Tết đến mùng 5 tháng Giêng, vào khoảng thời gian này nhu cầu thuê người giúp việc là rất lớn, song tìm nhân lực để phục vụ yêu cầu của khách hàng là một vấn đề đối với chúng tôi. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi cũng đã đưa ra nhiều giải pháp mới như tuyển người giúp việc theo giờ, theo ca làm việc,... để khách hàng có thể chọn lựa”.
Những câu chuyện dở khóc dở cười khi tìm người giúp việc thời vụ
Nhận thấy nhu cầu tìm người giúp việc tăng cao cùng với mức lương hấp dẫn, đã có không ít những lao động phổ thông ồ ạt đổ lên Hà Nội để làm thời vụ. Mới tiếp xúc với nghề, chưa có nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm khiến nhiều gia đình phải ngã ngửa khi chứng kiến hậu quả mà những người giúp việc thời vụ để lại.
Nhớ lại câu chuyện “dở khóc dở cười” vào dịp Tết năm ngoái, chị Ngô Thị Vân Anh (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Do chị giúp việc của gia đình xin về quê có việc nên tôi đã thuê một bạn sinh viên về dọn dẹp nhà theo giờ với giá 80.000 đồng/giờ. Người giúp việc gia đình tôi tìm được là một cô sinh viên đang học một trường cao đẳng ở Hà Nội, sau khi nói qua về yêu cầu bạn sinh viên đó đã nhanh chóng bắt tay vào công việc khiến tôi khá hài lòng vì tìm được một người giúp việc chăm chỉ. Sau đó tôi có cuộc hẹn với người bạn nên dặn bạn nữ đó ở nhà dọn dẹp rồi chông nom nhà cửa luôn.
Khi tôi trở về nhà thì cũng đã gần 12 giờ, bước vào nhà thì vẫn thấy bạn nữ đó loay hoay lau tủ kính, nền nhà thì vừa trơn vừa ướt, đồ đạc thì vẫn chưa dọn dẹp xong. Hỏi ra mới biết do bạn giúp việc đổ quá tay nước lau sàn nên sàn nhà mới trơn như thế, đáng nói hơn là cái tủ kính lau đến gần tiếng đồng hồ vẫn chưa sạch vì lau bằng khăn với nước lau sàn cho sạch”.
Chủ nhà ngỡ ngàng khi chứng kiến chiếc chảo chống dính sau khi được người giúp việc làm vệ sinh.
Cũng là một “sự cố” do tìm người giúp việc thời vụ dịp Tết, chị Tuyết (Đống Đa, Hà Nội) nhớ lại: “Lần đó nhà tôi có thuê một cô giúp việc từ quê lên để dọn dẹp nhà cửa, nhận thấy cô này làm việc khá cẩn thận và chăm chỉ nên tôi cũng tin tưởng không kiểm tra lại mà gửi tiền công luôn.
Tuy nhiên, trưa hôm sau, khi vào bếp nấu đồ ăn thì tôi vô cùng bất ngờ khi thấy chiếc chảo chống dính mới mua đã bị xước chi chít. Xem lại camera mới biết cô này dùng miếng cọ sắt để đánh chảo cho trắng”.