Là loài cây thảo dược mọc hoang trong rừng nhưng từ khi mang về đất nhà canh tác, nhiều nông dân sống tại khu vực Duyên hải miền Trung nhận được tín hiệu khả quan. Đến nay, loại cây thân leo này trở thành đặc sản, loại thuốc quý được nhiều người tìm mua.
Ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, chè dây - cây dược liệu quý, trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng vì những công dụng về sức khỏe mà nó mang lại. Từ một loại cây dại, chủ yếu mọc trong rừng, ngày nay giống cây này được trồng rộng rãi ở nhiều tỉnh thành như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Đặc biệt, đối với đồng bào Cơ Tu sống ở khu vực này, chè dây đã giúp họ đổi đời.
Cây chè dây là loài cây thân dây, lá thon nhỏ, chân chim có hình răng cưa, có vị ngọt, đắng, tính mát được đồng bào dân tộc miền núi sử dụng như một vị thuốc dân gian chữa các loại bệnh liên quan tới dạ dày, đường ruột, cảm, đau dạ dày, đau nhức… Ngoài ra, chè dây còn có tác dụng an thần, chữa mất ngủ và làm lành các ổ loét, loại bỏ được vi khuẩn.
Từng là loài cây mọc dại nhưng đến nay chè dây là nguồn dược liệu quý được nhiều người săn lùng, tìm mua. Vùng trồng cây chè dây nổi tiếng nhất phải kể đến ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Loài cây này rất dễ trồng, chỉ cần đủ nước và ánh sáng, chè dây đã có thể sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Mùa ra chồi và sinh trưởng mạnh trùng với mùa mưa ẩm. Chè dây có khả năng tái sinh chồi mạnh sau khi bị cách cành.
Tại vùng đất Quảng Nam, từng có thời điểm loài cây này vào danh sách khan hiếm trên thị trường do người dân ồ ạt tìm kiếm, sử dụng. Sau đó, trên địa bàn tỉnh phải bắt đầu thực hiện chủ trương dự án xây dựng bảo tồn và phát triển cây chè dây.
Nhìn thấy giá trị dinh dưỡng và kinh tế mà chè dây mang lại, ông Phạm Quốc Phòng (ngụ huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu trồng chè dây từ năm 2016 và nhận được nhiều tín hiệu khả quan. Là người tiên phong trên địa bàn bắt đầu canh tác giống cây dược liệu, ông Phong bắt đầu thử nghiệm, trồng trên diện tích 0,5ha đất vườn. "Cứ trồng xem thử, trước để gia đình họ hàng mình uống tốt cho sức khỏe, còn chuyện bán được hay không thì tính sau" - ông Phòng nhớ lại.
May mắn mỉm cười với lão nông Quảng Nam khi cây có năng suất tốt, được nhiều thương lái thu mua với giá cao và cho ra thu nhập ổn định. Đồi chè của gia đình ông mỗi năm cho sản lượng đạt mốc 15-20 tấn, doanh thu 170-180 triệu đồng/năm, trừ đi chi phí một năm ông bỏ túi ngót nghét 100-120 triệu đồng từ việc trồng chè dây.
Hiện tại không chỉ trồng, hái lá tươi bán, gia đình ông Phòng còn đầu tư máy móc chế biến thành trà, đóng bao bì cung cấp khách hàng.
Theo ông Phòng, cây chè dây lá có màu xanh vàng, người dân thu hoạch bằng cách cắt tỉa, thu hái nhiều lần trong năm. Từ khi gieo hạt, đến thời điểm để thu hoạch có thể mất từ 6-8 tháng, sau đó mỗi tháng của thể thu hoạch từ 4-5 lần. Và loài cây này cho năng suất tốt, tuổi thọ cao lên đến 7-10 năm.
Chè dây được thu hoạch vào thời điểm cây chưa ra hoa. Khi thu hoạch chè dây sẽ cắt toàn bộ phần thân cây và lá chè dây.
Anh Lê Anh Tú - một thầy giáo nhiều năm kinh nghiệm đứng lớp, giảng dạy học sinh, trong một lần được cơ hội thưởng thức trà chè dây, anh đã mê mẩn và thích thú với loại đặc sản của đồng bào Cơ Tu. Sau đó, anh chọn mảnh đất huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) để bắt đầu canh tác.
Năm 2015, lần đầu thử sức với nghề nông, anh trồng hơn 50 bầu ươm chè dây trên diện tích hơn 100m2 đã bị thất bại. Biết bản thân vẫn thiếu nhiều kinh nghiệm, anh sẵn sàng tiếp thu từ các thế hệ đi trước, học hỏi từ những lão nông thành công khi trồng chè dây.
Từ kiến thức học được cũng như đúc rút kinh nghiệm về khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, anh Tú đã thành công với vườn chè dây của mình.
Vốn là loài thân leo vì thế nông dân tạo dàn treo, khung lưới để cây phát triển tốt nhất. Anh Tú quyết định đầu tư tiền, đúc hàng trăm trụ bê tông, đan giàn lưới thép kiên cố tạo khung cho dây chè leo lên, sinh sôi, đâm chồi. Đặc biệt, anh Tú đã thiết kế hệ thống dẫn nước suối trực tiếp từ nguồn về và lắp hệ thống phun sương tự động để chủ động nguồn nước tưới.
Là loài không ít bị sâu bệnh, chỉ cần cung cấp đủ nước và ánh sáng đã có thể đâm chồi, phát triển tốt mà không cần sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật…
Đến nay, vườn chè dây của anh đã phát triển ổn định, cho sản lượng cao. Chè dây có khả năng tái sinh chồi mạnh sau khi cắt cành, vì vậy cứ 45 ngày anh sẽ thu hái một lần. Sau khi thu hoạch sẽ đến công đoạn sao chè, cứ khoảng 16kg sẽ thu được khoảng 4kg chè khô. Tiếp đến, công đoạn ủ chè khoảng 12 tiếng và phơi khô khoảng 3 nắng là có thể đóng gói, xuất ra thị trường. Mỗi năm vườn cho 12 tạ chè dây khô, với giá thành khoảng 180.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, anh thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Theo chia sẻ từ anh Tú, lý do loại chè này được lòng khách hàng trong nước lẫn quốc tế là vì: “Với đặc tính dược liệu giúp điều trị bệnh dạ dày và giúp cải thiện giấc ngủ. Khi hái thì hái phần lá và thân dây còn non để tính dược liệu cao nhất. Sau khi sao chè và phơi sẽ có một lớp màu trắng phủ bề mặt chè, đây chính là phấn chè có tính dược liệu cao. Chính vì thế nên sản phẩm chè dây được nhiều người ưa chuộng”.
Ngày nay, chè dây vẫn là đặc sản, dược liệu và được chế biến thành trà tốt cho sức khoẻ. Tuy với giá thành khá cao song nhiều người vẫn sẵn sàng tìm kiếm, sở hữu. Do đó, đây là tín hiệu đáng mừng đối với những người nông dân chọn canh tác, gắn liền với cây chè dây.