Giới chức y tế Anh thông báo nước này vừa ghi nhận 2 ca nghi nhiễm MERS-CoV. Hiện 2 trường hợp này đã được cách ly, không có khả năng nguy hại tới sức khỏe cộng đồng.
Bệnh viện Đại học Manchester đã phải đóng cửa hơn 2 tiếng đồng hồ sau khi xuất hiện hai trường hợp nghi nhiễm virus MERS-CoV - loại virus chết người cướp đi sinh mạng của hàng trăm người ở Hàn Quốc và Saudi Arabia.
Bệnh viện này mở cửa trở lại sau khi 2 bệnh nhân được cách ly để điều trị nghiêm ngặt. Cả 2 trường hợp này vừa đi du lịch trở về từ vùng dịch.
Đại diện của Bệnh viện cho biết tình hình của 2 bệnh nhân đã được kiểm soát chặt chẽ, chúng ta không phải lo lắng về nguy cơ lây lan tới sức khỏe các bệnh nhân khác cũng như lây lan rộng ra cộng đồng.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế công cộng, Tiến sỹ Rosemary McCann nói: "Hiện vẫn chưa có kết quả xét nghiệm để chắc chắn 2 bệnh nhân này có nhiễm MERS hay không. Kể từ tháng 2/2013, chưa có ca nhiễm MERS nào mới được ghi nhận tại quốc gia này. Các nhà khoa học cũng chưa đưa ra bằng chứng về sự lây lan của MERS từ người sang người. Vì thế, chúng ta hãy yên tâm rằng nguy cơ bùng phát dịch ở Anh là rất thấp".
Sáng nay Hàn Quốc chính thức công bố hết dịch MERS
Trong một diễn biến khác, sáng nay (28/7), Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn tuyên bố dịch MERS tại nước này đã kết thúc. Theo ông Hwang, Hàn Quốc không có ca nhiễm MERS mới nào trong 23 ngày qua và bệnh nhân nghi nhiễm MERS cuối cùng đã ra khỏi khu vực cách ly ngày 27/7.
MERS xuất hiện tại Hàn Quốc vào ngày 26-5, bệnh nhân là một người đàn ông từ Trung Đông về. Trong đợt dịch này, Hàn Quốc có 36 người tử vong trong tổng số 186 người nhiễm MERS.
MERS hay còn gọi là Hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông, là một bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus thuộc nhóm coronavirus gây nên.
Kể từ ca bệnh đầu tiên vào tháng 9 năm 2012 tại Ả Rập Xê út, tính đến thời điểm này đã có 1.306 trường hợp nhiễm, trong đó ít nhất 447 ca đã tử vong tại 25 quốc gia trên thế giới.
Cho đến nay, chưa có thuốc điều trị dịch bệnh này và cũng chưa có vắc-xin để phòng ngừa dịch bệnh. Các chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới cũng chưa nghiên cứu ra liệu pháp chữa trị dịch bệnh nguy hiểm này. Nguy cơ tử vong từ dịch bệnh này rất cao, lên tới 40%.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo thực hành vệ sinh thực phẩm cần được quan sát. Người dân nên tránh uống sữa lạc đà tươi, nước tiểu lạc đà hoặc ăn thịt lạc đà chưa được nấu chín.