Bà lão 30 năm cô độc, hết tiền ra đường ngủ bụi, không nhận tiền của bất cứ ai

Ngày 01/04/2019 12:50 PM (GMT+7)

Ở cái tuổi 88, đáng ra bà Thanh phải được an hưởng tuổi già bên con cháu, nhưng dòng đời xô đẩy khiến cuộc đời trải qua nhiều phen sóng gió buộc bà phải sống cô độc một mình suốt 30 năm qua.

Clip: Bà Thanh chia sẻ về cuộc sống và mong được hiến xác

Cuộc đời như một thước phim buồn khi người thân lần lượt ra đi

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ phía sau khu tập thể H9, phường Thanh Xuân Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) là phòng trọ của cụ bà Đinh Thị Thanh (88 tuổi, hay còn gọi là bà Cân). Nói là phòng trọ, nhưng thực chất đây chỉ là một chỗ đất thừa, sau đó được xây lên để cho thuê với diện tích sử dụng chỉ khoảng 6 mét vuông.

Hôm nay, thời tiết chuyển mùa nên bà Thanh không đẩy chiếc xe bé nhỏ của mình đi bán hàng như mọi khi. Căn phòng quá ngột ngạt, cống lại tắc nên dù mệt bà cũng không thể ngả lưng nằm nghỉ trong phòng.

Bà lão 30 năm cô độc, hết tiền ra đường ngủ bụi, không nhận tiền của bất cứ ai - 1

Bà Thanh hướng mắt ra phía sân chơi ,nơi đang có những đứa trẻ vui đùa.

Mở toang cánh cửa ọp ẹp phía ngoài, bà Thanh hướng mắt ra sân chơi của khu tập thể nhìn lũ trẻ đang đánh đu, đá cầu. Bà nói nếu ông trời thương thì giờ chắt bà cũng tầm tuổi lũ nhóc kia. Nhưng sự bất hạnh cứ bám diết lấy bà, nhất là những năm tháng tuổi già bà phải sống trong sự cô độc, quạnh hiu không người thân thích.

Bà Thanh là người quê gốc ở Thái Bình, từ thủơ đôi mươi bà đã khăn gói lên Hà Nội làm công nhân công trường. Trong quãng thời gian làm việc ở đây, bà đã quen và lấy một người chồng ở Đống Đa (Hà Nội). Về ở với nhau được gần 2 năm, do không hợp nên hai vợ chồng chia tay. Sau đó, bà một mình nuôi con nhỏ, nhưng đứa con của bà được hơn 1 tuổi thì mắc bệnh, qua đời.

Bà lão 30 năm cô độc, hết tiền ra đường ngủ bụi, không nhận tiền của bất cứ ai - 2

Bà Thanh lau vội đi những giọt nước mắt khi kể về số phận cuộc đời.

Con mất, gia đình tan vỡ, bà Thanh cứ lầm lũi sống một mình. Đến năm 33 tuổi, bà Thanh quyết định đi bước nữa, người chồng thứ 2 của bà là bộ đội ra Bắc tập kết. Sống với nhau được 10 năm, chồng bà Thanh qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo, khi đó hai vợ chồng có với nhau 1 người con trai tên Nguyễn Mạnh Hùng.

Chồng mất, bà Thanh lần nữa phải nuôi con một mình. Thời gian trôi đi, con trai bà Thanh lập gia đình khi đã ngoài 30 tuổi. Hạnh phúc hơn nữa là bà đã có 2 cháu nội. Nhưng những ngày tháng hạnh phúc ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Năm 36 tuổi, anh Hùng cũng không may qua đời vì bệnh tật để lại vợ và 2 con nhỏ cùng người mẹ già đã ngoài 60 tuổi.

Bà lão 30 năm cô độc, hết tiền ra đường ngủ bụi, không nhận tiền của bất cứ ai - 3

Trải qua 2 đời chồng nhưng cuộc sống hiu quạnh cứ bám riết lấy bà.

Con trai qua đời được ít lâu thì con dâu của bà cũng đưa 2 con đi lấy chồng khác, kể từ đó đến nay đã gần 30 năm bà Thanh phải sống cuộc đời đơn độc. Bà Thanh cho biết, bản thân bà không hề trách móc với quyết định của con dâu, vì con dâu bà tuổi còn trẻ, còn cả tương lai và cuộc sống phía trước. “Hai cháu nội tôi đứa đầu lấy chồng ở Nam Định, đứa thứ 2 cuộc sống bấp bênh. Là bà mà tôi chẳng giúp gì được cho các cháu. Nghĩ mà tội nghiệp các cháu quá”, bà Thanh ngậm ngùi chia sẻ.

Sống quá khổ nên muốn khi chết để lại điều gì đó cho đời

Không chỉ lận đận về đường chồng con, bà Thanh còn bị lừa mất hết tài sản. Đó cũng chính là lý do bà phải sống lủi thủi trong những căn phòng trọ suốt 30 năm qua. Trước đây bà Thanh cũng có nhà, có đất nhưng sau đó vì quá tin người, bà đã bán đi và mua một mảnh đất rộng hơn ở khu Thanh Xuân. Không ngờ đó lại là đất dự án nên sau đó bị thu hồi và bà mất trắng tài sản.

Bà lão 30 năm cô độc, hết tiền ra đường ngủ bụi, không nhận tiền của bất cứ ai - 4

Trước từng có nhà cửa, nhưng số phận khiến bà đi ở trọ trong những căn phòng tồi tàn suốt 30 năm qua.

Sau khi mất hết tài sản, để duy trì cuộc sống của mình bà Thanh hàng ngày đẩy xe hàng bé nhỏ của mình ra trước bách hóa Thanh Xuân ngồi bán. Mặt hàng của bà cũng chẳng có gì nhiều, chỉ có vài gói kẹo, mấy hộp tăm và những chiếc chong chóng nhỏ.

“Hơn 20 năm trước còn sức khỏe tôi đi dọn nhà thuê. Khi sức khỏe yếu hơn tôi mua một chiếc cân ra ngồi trước bách hóa để cân sức khỏe mọi người. Còn bây giờ cân hỏng chẳng có tiền mua cái mới, tôi lại bán hàng lặt vặt cho lũ trẻ”, bà Thanh chia sẻ.

Với bà Thanh, bách hóa Thanh Xuân là “ngôi nhà” thứ 2 của mình. Đã có thời gian khi chủ nhà trọ đuổi vì sợ bà chết ở phòng trọ, bà Thanh ra sống ở vỉa hè bách hóa suốt nhiều tháng trời.

Bà lão 30 năm cô độc, hết tiền ra đường ngủ bụi, không nhận tiền của bất cứ ai - 5

Suốt cuộc trò chuyện bà Thanh không nở một nụ cười nào.

“Thời gian ở đó tôi cảm nhận được tình người thật ấm áp. Đó là những chú bảo vệ san sẻ cho tôi từng miếng cơm, xách giúp tôi từng xô nước để rửa mặt. Hay là những đứa trẻ mỗi buổi tối tranh thủ ra chơi chong chóng cùng...”, bà Thanh kể lại.

Dù tuổi cao, sức khỏe yếu đi nhưng bà Thanh vẫn vô cùng minh mẫn và “cá tính”. Bà cho biết, rất nhiều người muốn ngỏ ý giúp đỡ bà nhưng bà quyết không nhận của ai vì sợ mang nợ người khác. “Tôi có tiền thì tôi thuê phòng ở, không thì ra bách hóa nằm chứ không ở nhờ nhà ai cả. Dù rất nhiều người muốn giúp”, bà Thanh khẳng khái nói.

Bà lão 30 năm cô độc, hết tiền ra đường ngủ bụi, không nhận tiền của bất cứ ai - 6

Hàng ngày bà Thanh đẩy chiếc xe hàng bé nhỏ đi bán...

Bà lão 30 năm cô độc, hết tiền ra đường ngủ bụi, không nhận tiền của bất cứ ai - 7

...mỗi khi mệt bà lại đứng nghỉ. Bà sợ mắc nợ người khác nên không nhận giúp đỡ của bất kể ai.

Thậm chí, có nhiều người thương cảm cho bà tiền, sữa bà cũng thẳng thừng từ chối. Bà nói, tuổi bà đã cao ăn uống chẳng được bao nhiêu, mọi người cho tiền, kẻ xấu biết được họ đến “xin đểu”, không đưa thì họ giở mặt phá cửa vào ăn trộm thậm chí là đe dọa. Vậy nên bà không nhận của bất kể ai.

Mong muốn lớn nhất của bà Thanh bây giờ là được chết. Bà chia sẻ, bà đã sống gần 90 năm cuộc đời, đã trải qua bao thăng trầm của cuộc sống và giờ bà chỉ mong được chết, khi chết bà muốn đóng góp một điều gì đó nhỏ bé cho xã hội.

Bà lão 30 năm cô độc, hết tiền ra đường ngủ bụi, không nhận tiền của bất cứ ai - 8

Tấm thẻ đang ký hiến mô tạng là tài sản đáng giá nhất của bà Thanh.

Theo lời kể của bà Thanh, đã 10 năm nay bà đến các bệnh viện xin được chết, nhưng tất cả đều từ chối vì pháp luật không cho phép. “Tôi hỏi mua thuốc ngủ để uống họ cũng không bán, hiến xác cho y học họ bảo lúc nào qua đời mới lấy. Đấy! Tôi muốn chết mà cũng khó thật”, bà Thanh nói.

Chìa cho chúng tôi xem tấm thẻ đăng ký hiến mô tạng do Trung tâm điều phối tạng Quốc gia cấp, bà Thanh nói: “Đây là tài sản quý giá nhất của tôi. Tôi luôn mang theo bên người vì nhỡ có chết thì họ biết rằng mình đã đăng ký hiến xác và tiếp nhận thi thể của mình”.

Phút tiễn biệt của người vợ trẻ mang thai trước lúc hiến tạng chồng: Đó là lời anh nhắn gửi
Trước khi rút ống thở của chồng để đưa sang phòng mổ lấy tạng, chị Oanh nghẹn ngào cầm lấy tay anh áp lên bụng mình, bé bỏng của anh chị mới hơn 9...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động