Trước khi rút ống thở của chồng để đưa sang phòng mổ lấy tạng, chị Oanh nghẹn ngào cầm lấy tay anh áp lên bụng mình, bé bỏng của anh chị mới hơn 9 tuần thai...
Cuộc điện thoại tiễn biệt lúc nửa đêm
0h30 đêm 6/3 (mùng 1/2 âm lịch), chị Nguyễn Phương Oanh (SN 1990) vẫn thấp thỏm ôm cô con gái 14 tháng tuổi, không ngủ được vì chồng chị, anh Nguyễn Văn Chính (SN 1989) chưa báo tin đã về tới nhà.
"Cứ mỗi lần chồng về muộn, cứ 25 phút tôi lại gọi điện thúc giục. Đó là thói quen của vợ chồng tôi rồi. Cuộc gọi gần nhất của tôi cho chồng hôm đó là lúc 12h kém" - chị Oanh nhớ lại.
Anh Nguyễn Văn Chính (SN 1989, ở Hà Nội) luôn được nhớ tới là người cực tốt bụng, quan tâm người khác.
0h45 phút, điện thoại để đầu giường ngủ chị Oanh rung lên từng hồi. Như linh cảm thấy điều gì bất ổn, chị chụp lấy điện thoại rồi lặng đi khi biết chồng mình bị tai nạn giao thông khi về gần tới nhà (Chương Mỹ, Hà Nội).
Gửi hai đứa con lớn (cậu bé 7 tuổi và cô con gái 14 tháng) ở nhà bà ngoại ở Mỹ Đình (Hà Nội), chị Oanh phi như bay về nhà chồng. "Vợ chồng tôi vì lý do mưu sinh nên tuần chỉ được gặp nhau 1-2 lần, hai đứa hai ngả. Anh ấy làm nghề bán vịt quay ở quê, còn tôi buôn vịt ở ngoài này" - Oanh nói.
Tới nơi, cả gia đình chồng và người mẹ trẻ như chết trân, chồng chị nằm đó, ở BVĐK Chương Mỹ, thoi thóp. Bác sĩ nói anh bị chấn thương sọ não, cơ hội sống không còn nhiều, gia đình nên xác định. Cả nhà lại đưa anh Chính lên BVĐK Hà Đông. Mấy tiếng đồng hồ trôi qua, phần trăm sự sống của người thanh niên 30 tuổi đó chả đáng là bao. Oanh quyết tâm đưa chồng lên Bệnh viện Việt Đức.
Người vợ trẻ 9X đã có quyết định dũng cảm khi thuyết phục từng người trong gia đình đồng ý hiến toàn bộ nội tạng của chồng để cứu người.
"Chồng tôi còn thở là tôi còn quyết cứu" - bà mẹ sắp có 3 con ấy vẫn mong chờ một phép nhiệm màu với chồng mình.
Nhưng lên tới Bệnh viện ngoại khoa hàng đầu Việt Nam, anh Chính vẫn không thể qua khỏi cơn hoạn nạn. Gia đình lại đưa anh về nhà để chuẩn bị hậu sự. Điều kỳ lạ là khi về bóp bóng, thở oxy tại nhà trong 1 ngày 1 đêm, tiên lượng sống của anh khả quan hơn. Gia đình lại đưa anh trở lại Bệnh viện Việt Đức, ngày 8/3.
"Tôi nghĩ đó là định mệnh, là lời nhắn gửi của anh. Anh ấy muốn chia sẻ sự sống với người khác" - chị Oanh nhớ lại.
"Tôi tin, tôi hiểu được lời nhắn nhủ chưa một lần nói ra của chồng"
Đưa chồng vào phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Việt Đức, lý trí nói với người mẹ 9X này là khó lắm vì quãng đường xa di chuyển khiến tình trạng của anh Chính đã tệ còn tệ hơn, nhưng trái tim người vợ trẻ yêu chồng vẫn làm tất cả.
Bác sĩ thông báo bệnh nhân Nguyễn Văn Chính đã chết não, không còn nhận ra những người thân đang đứng bên cạnh: Bố mẹ già, em trai và vợ. Lúc đó, cán bộ của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia gặp chị Oanh, chia sẻ một vài điều về hiến tạng. Chị dừng lại, nghĩ rất lâu.
"Tôi hay xem báo, đọc mạng, biết về hiến tạng rồi. Tôi cũng được cán bộ Trung tâm ghép tạng chia sẻ trường hợp anh Dương Hồng Quý ở Ninh Bình. Tôi và mẹ đẻ luôn nói rằng khi ra đi, nên hiến tạng cho người khác sống. Người đầu tiên tôi gọi điện hỏi ý kiến là mẹ đẻ, bà đồng ý và giục tôi đồng ý" - Oanh nói.
Nhưng không phải ai cũng quyết định nhanh được như thế. Mất một khoảng thời gian để Oanh thuyết phục gia đình chồng.
"Tôi rất hiểu suy nghĩ của bố mẹ chồng, không ai muốn con mình bị động dao kéo khi đã qua đời, rồi những vấn đề tâm linh khác sau khi anh mất nữa. Nhưng tôi nói với bố mẹ rằng người mất thì cũng sẽ về với đất mẹ, nội tạng của chồng còn rất tốt, có thể cứu được 5-6 người khác, thì tại sao không hiến chứ? Vậy là bố mẹ chồng đồng ý" - Oanh nhớ lại.
Khi ấy chị lại gần nắm tay chồng, áp bàn tay anh vào bụng mình. Em bé trong bụng chỉ mới 9 tuần thai, là đứa con thứ ba của hai vợ chồng.
"Mẹ tin chồng mình đồng cảm với quyết định của mẹ. Mẹ tin mẹ đã hiểu được lời nhắn nhủ dù chưa một lần nói ra của bố con. Nếu không, bố đã không "muốn" ra Bệnh viện Việt Đức lần nữa. Bố trở lại bệnh viện là để cứu người đấy" - người mẹ trẻ vừa đặt tay lên bụng, như nói với đứa con còn hoài thai.
Bác sĩ thông báo đã đến lúc đưa anh vào phòng mổ. Nhân viên y tế và gia đình đứng cúi đầu xung quanh giường bệnh anh Nguyễn Văn Chính, tri ân anh một phút mặc niệm. Anh được tiễn biệt sang phòng mổ lấy tạng. Để rồi, 16 tiếng sau, 2 bệnh nhân suy gan, ung thư gan được anh cứu sống. Cùng đó, 2 quả thận, tim của anh cũng được ghép thành công cho 3 người khác.
Người bố trẻ tốt bụng nay đã ở lại cuộc đời trong 5 hình hài khác
Gần 10 ngày kể từ giây phụt tiễn biệt chồng, chị Oanh vẫn chưa tin điều đó là sự thật. Anh chị mới cưới nhau được hơn 2 năm. Dù không phải là bố đẻ nhưng anh Chính - người chị Oanh vẫn luôn nói là "tốt vô cùng" - vẫn luôn quấn quýt, gọi con riêng của chị là bố - con. Bố mất, cậu bé 7 tuổi khóc suốt ngày vì nhớ bố, nhớ một người bạn lớn của mình nên luôn hỏi "Bố đi đâu chưa về"...
Một phần nhỏ lá gan của anh Chính được ghép cho bệnh nhi 8 tuổi ở Hà Nội
Qua đài báo, chị Oanh biết rằng có những người được chồng mình hiến tạng đã hồi phục dần. Anh Chính cũng là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được bác sĩ chia lá gan để ghép cho hai người.
Các đoạn mạch máu của anh Chính cũng được bác sĩ gửi vào Ngân hàng mô lưu giữ để ghép cho những bệnh nhân khác. Nhưng đến nay chị chưa gặp ai, chỉ biết hai người được ghép gan là bé 8 tuổi và người đàn ông 49 tuổi.
Thai phụ trẻ tuổi nói: "Rất muốn găp họ, không phải để nhận lời cảm ơn, mà để được sờ nắn, được cảm nhận nhịp tim, hơi thở, nụ cười của chồng hiển hiện trong con người họ".