Nuôi nấng 5 đứa con nhỏ, chị Thu Hằng (27 tuổi, Hà Nội) chỉ ước một ngày kéo dài 30 tiếng để có thêm thời gian làm việc nhà, chăm các con và nghỉ ngơi.
Ngôi nhà 3 tầng nằm trong ngõ 68 Cầu Giấy (Cầu Giấy, Hà Nội) của vợ chồng chị Phùng Thu Hằng luôn rộn rã tiếng cười con trẻ. Mọi sinh hoạt của gia đình đều tập trung ở căn phòng trên tầng ba – nơi 3 bé trai sinh cùng trứng Đặng Trần Lâm, Đặng Trần Tùng và Đặng Trần Bách cùng ăn, chơi, ngủ nghỉ.
Tổ ấm nhỏ của gia đình chị Phùng Thu Hằng - người mẹ sinh 3 con trai cùng trứng
Một ngày 50 lần thay bỉm, pha sữa
Cuộc sống với 5 đứa con nhỏ khiến chị Hằng “quay như chong chóng” dù có sự giúp đỡ đắc lực của bố mẹ chồng. Hàng ngày, chị dậy từ 6h sáng đưa hai cô con gái đầu đến trường, sau đó về nhà giặt giũ, dọn dẹp và chuẩn bị thức ăn cho 3 con. 8h lũ trẻ thức giấc, chị “trở tay” không kịp khi phải đánh răng rửa mặt, thay đồ lần lượt từng đứa một. Xong xuôi, chị cho các con ăn bữa đầu tiên.
“Mỗi bữa ăn của các bé cũng mất từ 30 phút – 1 tiếng, mỗi ngày 3 bữa. Ăn xong, tôi và bà nội cho lũ nhỏ đi dạo. Chừng 30 phút sau, tôi bế chúng lên gác ngủ. Các con ngủ giấc ngắn, không đều nhau nên lúc nào cũng phải canh để bế, vỗ về. Tôi còn phải pha sữa và thay bỉm cho chúng khoảng 50 lần/ngày. Hơn nữa, cả 3 đã biết nhận thức rồi cảm xúc thất thường, hay tranh giành đồ chơi nên thường xuyên phải là “người phán xử””, chị Hằng tâm sự.
Ba anh em Lâm, Tùng và Bách ngồi ghế chờ mẹ Hằng bón cháo ăn trưa
Những lúc ông bà nội trông nom lũ trẻ, chị Hằng lại chạy xuống bếp dọn dẹp hoặc lên tầng thượng thu quần áo của các con. Xế chiều, chị lại tất bật đưa từng bé đi tắm rồi cho uống sữa, sau đó nhờ ông bà giữ hộ để đi đón 2 đứa lớn.
Vì sinh lần ba khi hai bé gái còn nhỏ nên các bé cũng quấy khóc đòi mẹ khi thấy mẹ bồng bế các em, nhất là bé gái thứ hai. Thương con nhưng chị chỉ biết nhờ ông bà nội giúp dỗ dành chứ chị không có thời gian vỗ về con.
Trong lúc chờ đợi, Tùng và Bách "thi nhau" nghịch bánh kẹo
Chị Hằng cho biết, chị sợ nhất thời điểm giao mùa, 3 đứa ho rồi ốm sốt và cùng quấy khóc ăn vạ. Lúc đó, chị không biết xoay kiểu gì bởi chồng công tác xa nhà, còn ông bà nội chỉ hỗ trợ phần nào có thể.
“Thực sự, tôi rất sợ lũ trẻ bệnh. Ngày nhỏ, con chỉ cần húng hắng ho là cả nhà sốt sắng, nguyên đêm tôi không dám chợp mắt. Giờ con cứng cáp hơn, trộm vía biết thương mẹ vất vả nên khỏe mạnh hơn”, chị nói.
Việc cùng lúc chăm sóc 3 con khiến chị Hằng vô cùng vất vả
Nhắc đến “món quà” ông xã thường tặng chị Hằng trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chị chia sẻ: “Tôi không mong quà, chỉ ước một ngày kéo dài 30 tiếng để có thêm thời gian làm việc nhà, chăm sóc các con và nghỉ ngơi”.
"Tôi sợ khi nghĩ đến thời kỳ mang thai và giữ thai an toàn”
Dù vất vả chăm 5 đứa con nhỏ, nhưng với chị Hằng thời gian bầu bí mới khó khăn, cực khổ nhất. Chị chia sẻ: “Tôi rất sợ khi nghĩ đến những ngày đầu mang thai và giữ thai. May mắn, tôi đã vượt qua nó một cách ngoạn mục".
Nhớ lại khoảng thời gian năm 2016, khi mang thai lần 3, nằm ngoài kế hoạch, chị tâm sự: “Sinh xong bé gái thứ 2, vợ chồng tôi cứ nghĩ sẽ nuôi các con lớn khôn, chưa vội nghĩ tới chuyện sinh con thứ 3. Nhưng con cái là lộc trời ban nên dù đã phòng tránh vẫn không tác dụng. Tôi chỉ đoán đậu thai khi thấy cơ thể mệt mỏi.
Lần đầu đi khám, bác sĩ siêu âm ra kết quả thai một, con khỏe mạnh. Bụng lớn hơn, sau kiểm tra ở nhiều bệnh viện thì các bác sĩ đều chung kết luận thai đôi. Tuần thứ 12 siêu âm 4D, tôi cùng lúc nhận hai tin “sét đánh”: mang thai 3 cùng trứng và một bé có khả năng mắc hội chứng Down, chậm phát triển”.
Thương con dâu vất vả, mẹ chồng chị thường xuyên giúp chị trông nom các cháu
Từ viện về nhà, chị Hằng đấu tranh tâm lý rất nhiều. Chị lo lắng đã có hai con gái, nếu lần này tiếp tục là 3 cô công chúa thì sao, rồi ngộ nhỡ các con dính liền nhau hay bị dị tật…Hơn nữa, việc gia đình nuôi nấng 5 đứa trẻ cùng lúc sẽ rất vất vả.
“Tôi suy nghĩ rất nhiều giữa việc giữ lại cả 3 bé hoặc bỏ bớt một. Sau đó được sự động viên của cả gia đình, vợ chồng tôi quyết định giữ con. Tôi không còn suy nghĩ nữa sống lạc quan vui vẻ, tập trung giữ gìn sức khỏe để các con chào đời bình an”, chị Hằng chia sẻ.
5 tháng đầu thai kỳ, chị Hằng khổ sở vì ốm nghén, phải vào viện truyền nước và tiêm thuốc chống nghén. Sau đó, chị hầu như không đi lại nhiều, chỉ ở trên phòng. Bố mẹ chồng phải cơm nước tới tận nơi.
Để các con ăn ngon, chị lấy điện thoại mở những bài hát tụi nhỏ yêu thích với mục đích “nhử” con
Thai 32 tuần, người mẹ trẻ có dấu hiệu dọa đẻ non. Chị phải nhập viện theo dõi để khi nào “giờ đẹp” sẽ phẫu thuật lấy thai. “Nằm bất động khoảng 3 tuần, bác sĩ nói nhà tôi chọn ngày đẻ mổ nhưng bác sĩ siêu âm xong liền quyết định mổ. Ba con chào đời vào thời khắc rất ngẫu nhiên – giờ Thân, ngày Thân, tháng Thân và năm Thân”, chị vui vẻ nói.
Sau tất cả, trời đã không phụ lòng người mẹ 5 con kiên cường ấy, cả 3 bé chào đời đều không bị dị tật như chẩn đoán siêu âm trước đó. Các con chỉ phải nằm trong lồng kính vài ngày rồi về với mẹ. Đến nay, ba bé đều khỏe mạnh, cứng cáp, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất với gia đình chị.