Chỉ là những phép cộng, trừ, nhân, chia tưởng đơn giản của bé tiểu học nhưng không phải ai cũng đưa ra đáp án đúng.
Phép toán 18:3(1+2)=?, 2 hay 12 mới là đáp án đúng
MXH đã từng chia sẻ nhiều bài toán hóc búa của học sinh tiểu học khiến nhiều người "căng não" để tìm ra đáp án. Trong số này, có những bài tưởng đơn giản, chỉ là những phép cộng trừ nhân chia đơn thuần nhưng không phải ai cũng đưa ra đáp số đúng.
Gần đây, một bài toán như thế đã được chia sẻ gây ra cuộc tranh cãi nổ lửa. Phép tính như sau: 18:3(1+2)=?
Bài viết sau khi được đăng tải đã khiến dân tình chia thành 2 luồng ý kiến khi một nửa cho rằng đáp án 18 và nửa còn lại cho biết đáp án đúng mới là 2.
Phép toán được thực hiện trên máy tính cũng cho ra kết quả 18
Lý do có sự khác biệt là mỗi người sẽ có cách sắp xếp quy luật giải và sử dụng dấu ngoặc khác nhau. Như khi lấy 18 chia cho 3 rồi nhân với tổng trong ngoặc sẽ ra đáp án 18. Còn khi bạn nhân 3 với tổng ngoặc rồi lấy 18 chia cho số vừa ra thì sẽ ra kết quả là 2.
Với bài toán này, cô An (một giáo viên tiểu học ở Hà Nội) giải thích nguyên tắc là phép tính trong ngoặc thực hiện trước 1+2=3. Sau đó, nếu dãy phép tính chỉ gồm phép trừ và phép cộng hoặc phép nhân và phép chia thì phải thực hiện từ trái sang phải.
Như vậy kết quả đúng là: 18 : 3 (1 + 2) = 18 : 3 x 3 = 6 x 3 = 18.
Bài toán 8-3+3=?, 2 hay 8 là đáp án đúng
Bài toán này cũng được đăng tải lên diễn đàn và nổ ra nhiều ý kiến tranh luận. Theo đó, bài toán được đăng tải hình ảnh sửa kết quả phép tính 8 - 3 + 3 từ 8 thành 2 cùng lời phê "Con chưa hiểu bài".
Nhiều người khẳng định người chấm sai nhưng cũng không ít người cho rằng cô giáo thực hiện đúng nguyên tắc nhân chia trước, cộng trừ sau và đưa ra đáp án đúng.
Bức ảnh về phép tính gây tranh cãi
Một số người khác phản biện lại rằng nguyên tắc cộng trừ sau không phải cộng rồi mới đến trừ, mà là nếu cùng là nhân, chia, hoặc cộng, trừ, phép tính được thực hiện từ trái qua phải. Như vậy, đáp án được đưa ra ban đầu bằng 8 là đúng.
Cô Thu Phương - một giáo viên tiểu học ở Vũng tàu - đặt nghi vấn đây liệu có phải là các giáo viên có nghiệp vụ sư phạm không hay chỉ là "tạo tình huống giả định" rồi gắn cho cô giáo. Trong trường hợp này, cô khẳng định đáp án 8 - 3 + 3 = 8 là đúng. Cô giải thích "nhân chia trước, cộng trừ sau" là cách nói vắn tắt và có thể khiến một số người hiểu nhầm.
Bài toán 4x5 hay 5x4 mới đúng
Cách đây không lâu, dân mạng xôn xao bài toán: "Trên sân có một lớp học đang xếp hàng. Mỗi hàng có 5 học sinh và được xếp thành 4 hàng. Hỏi có tất cả bao nhiêu người đang xếp hàng?".
Với đề bài này, học sinh đưa ra đáp án là: 4x5 = 20 người. Tuy nhiên cô giáo đã gạch bỏ đáp án này và cho rằng phép tính phải là 5x4 = 20 người mới đúng.
Ngay sau đó, bài toán lập tức nổ ra cuộc tranh luận bởi nhiều người cho rằng cùng 1 đáp số là 20, 4x5 hay 5x4 không khác gì nhau vì phép nhân có tính chất giao hoán.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng xét về logic của bài toán thì học trò đã sai. Tuy 2 phép tinh này cho kết quả giống nhau nhưng nhìn vào có thể thấy bản chất khác nhau: 4x5 = 4+4+4+4+4 = 20; 5x4 = 5+5+5+5 = 20. Vì có 4 hàng, mỗi hàng có 5 học sinh, vậy để tính số học sinh, ta phải viết phép tính là 5x4 = 20 mới chính xác.
Về bài toán này, cô giáo Diệu Linh (ở Hà Nội) cho rằng cần phân biệt cho học sinh hiểu đâu là đơn vị tính đâu là số lần được gấp lên. Cô giải thích: "Đơn vị ở đây hỏi số người, thì ta phải lấy số người để nhân chứ không thể lấy số hàng để nhân được. Đôi khi đáp án đúng không phải là điều quan trọng, quan trọng là các bé hiểu rõ bản chất của vấn đề".
8x4 hay 4x8?
Bài toán này gây ra tranh cãi nổ lửa năm 2014. Đề bài như sau: “Nhà Lan có 4 chuồng gà, mỗi chuồng có 8 con gà. Hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà? Và đưa ra 4 phương án để học sinh lựa chọn: A. 4x8=32, B. 8x4=32, C. 4+8=12, D. 8:4=2.
Nhìn qua, tất cả mọi người đều dễ dàng đưa ra đáp số cho câu hỏi này. Tuy nhiên, việc giáo viên đưa ra 2 phương án 4x8 và 8x4 để học sinh lựa chọn lại khiến phụ huynh này thắc mắc.
Bài toán đếm gà đơn giản nhưng nổ ra một cuộc tranh luận
Trong bài, giáo viên đã không chấm điểm khi học sinh này lựa chọn đáp án A (4x8=32) và đưa ra phép tính đúng phải là (8x4=32).
Sau khi xem, hầu hết đều bức xúc bởi 4x8 không khác 8x4 bởi cùng có chung kết quả là 32.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng với câu hỏi “Hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà?”, số gà là đơn vị tính, sẽ viết phép tính là 8x4 (tức là 8 con gà gấp lên 4 lần). Còn viết 4x8 (sẽ được hiểu là số chuồng là 4 gấp lên 8 lần). Dù kết quả cuối cùng của phép tính đều là 32 nhưng trong khi đề yêu cầu tính số gà, vì vậy viết 4x8 sẽ sai về mặt bản chất.