Thêm một bài toán tưởng dễ nhưng khi tìm hiểu kỹ lại khiến cả các thầy cô giáo cũng phải đau đầu tranh luận.
Một bài toán không chỉ đơn giản là cho ra kết quả đúng, nhiệm vụ của bài toán đó phải mang ý nghĩa thực tế cho học sinh. Đặc biệt là đối với những bài toán tiểu học, đề bài phải dễ hiểu, dễ liên tưởng tới những hoạt động trong cuộc sống, để trẻ có thể hình dung và suy luận. Từ đó hiểu được ý nghĩa của bài toán.
Những ngày qua, một bài toán so sánh khá đơn giản được một phụ huynh - đồng thời cũng là giáo viên - chia sẻ trên mạng xã hội. Theo đó, phụ huynh này thắc mắc: “Ai giải dùm tôi bài toán lớp 1 - so sánh hai cái xẻng và ba cái xô? Ba con ong và hai cái cây? Con hỏi mà bản thân tôi là giáo viên mà không trả lời được”.
Bài toán so sánh thứ 2 gây tranh cãi
Được biết, đây là bài tập trong cuốn “Vở bài tập toán 1 (tập một)”. Ngay dưới bài viết, rất nhiều thầy cô giáo khác cũng để lại ý kiến của mình. Phần lớn đều lắc đầu ngán ngẩm bởi những phép so sánh như vậy là quá khập khiễng. Đối với những bài toán so sánh, cần phải để những đối tượng so sánh có điểm chung hay quy về đơn vị chung. Chúng ta không thể so sánh giữa xẻng và xô, giữa con ong và bông hoa được.
Thầy Vũ Duy Phương (dạy Vật lý, Thanh Hóa) phân tích: “Ví dụ minh họa nó thể hiện trình độ người thực hiện. Người yếu kém thì lấy ví dụ minh họa phụ họa cho vấn đề đang nói, người làm chủ được vấn đề thì lấy ví dụ đặc tả vấn đề đang nói. Học sinh sẽ nhận ra số 3 ở 3 con chó lớn hơn số 2 ở 2 con lợn nhưng với tư cách là người thầy thì chỉ có kẻ ngu mới lấy ví dụ so sánh không cùng đơn vị chưa kể đến tính giáo dục và tính chuyên nghiệp ở đây. Thời buổi công nghệ mà vẽ hình theo kiểu thập niên 80 thì thua với nhóm viết sách này”.
Dưới bình luận này, tiến sĩ - thầy giáo Lê Thống Nhất cũng đồng tình: “Bạn phân tích đúng” nhưng một sự ngầm đồng ý rằng bài toán có vấn đề khi ra đề như vậy.
Bình luận được thầy giáo Lê Thống Nhất đồng tình
Cô giáo Phạm Thị Phượng (giáo viên dạy Vật lý, Nha Trang) cũng thể hiện quan điểm: “Đơn giản họ chỉ nghĩ được mục đích so sánh số lượng, còn lại thì tính giáo dục không có. Bài toán sẽ trở nên hay khi so sánh cùng loại mà có số lượng khác nhau hoặc bằng nhau. Nói chung hiện nay tuy là các giáo sư, các nhà nghiên cứu giáo dục nhưng viết không có tính giáo dục mấy. Năm ngoái có trong sách bài tập lớp 1: Hai bàn tay em có 10 ngón, chặt đi 2 ngón hỏi còn mấy ngón? (có hình minh họa luôn). Nói chung là các nhà vô giáo dục viết sách thôi, toán thì không sai”.
Bài toán này nằm trong cuốn Vở bài tập toán 1 (tập một)
Mặt khác, một số thầy cô giáo lại cho rằng đây là bài toán so sánh số lượng đơn thuần, và nếu nhìn vào thực tế thì nó cũng có ý nghĩa.
Thầy Minh Muon Nguyễn (Giảng viên tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) chia sẻ: “Đây là dạy học sinh biết so sánh số lượng mà thôi! Chủ “tút” muốn nói rằng không nên so sánh 2 đại lượng không cùng đơn vị! Song trong thực tế rất trường hợp như thế! Ví dụ nói: "Số bệnh nhân nhiều mà số giường bệnh ít; trong quá trình chuyển nhà nếu kiểm lại thấy số nồi nhiều hơn số vung thì chứng tỏ đã đánh mất vung rồi… Số người nhiều hơn số ghế là sẽ có nhiều người phải đứng… Tóm lại ở đây chỉ giúp học sinh so sánh số lượng mà thôi, và trong thực tế chấp nhận được!”.
Anh Lê Anh Vinh (làm việc tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) phân tích: “Ý nghĩa của bài so sánh này là “có đủ” hay không? Giống như hoạt động của trẻ con khi học so sánh số bát hay số đĩa nhiều hơn. Các hình vẽ đều được chọn để có mối quan hệ (có đủ xô cho xẻng, hoa cho ong, vung cho nồi không?). Không phải lúc nào cũng là so 3 quả cam với 2 quả cam đâu chị ạ”.
Hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh bài toán này.