Dịch bệnh bạch hầu ở Bình Phước chưa có dấu hiệu lắng xuống thì ở các tỉnh Tây Nguyên, bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh chóng.
Theo thông tin mới nhất, bệnh bạch hầu khiến hàng chục người mắc và 3 người tử vong ở Bình Phước hiện chưa có dấu hiệu lắng xuống, vẫn ghi nhận thêm những ca bệnh mới.
Bác sỹ Nguyễn Thành Trương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Phước cho biết, hiện khu vực cách ly điều trị bệnh bạch hầu của bệnh viện đã kín bệnh nhân. Nếu số ca nhiễm bệnh tiếp tục tăng trong những ngày tới, bệnh viện sẽ quá tải, bệnh nhân sẽ phải nằm ra hành lang. Sau khi 8 ca được xuất viện hiện còn 45 ca đang điều trị cách ly.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Phước, cho biết, từ cuối tháng 6 đến nay đã có 55 người nghi mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 3 người đã tử vong, số còn lại đang được theo dõi tại các bệnh viện. Đây là lần đầu tiên bệnh bạch hầu xuất hiện tại tỉnh, đối tượng mắc bệnh chủ yếu từ 6 đến 26 tuổi.
Bệnh nhân có các triệu chứng như sốt, đau họng, ho nhiều, đau đầu nên thường bị chẩn đoán nhầm với viêm Amidan. Triệu chứng bệnh diễn tiến rất nhanh. Có trường hợp tử vong chỉ sau 3 ngày nhập viện.
Trước tình hình bệnh có dấu hiệu gia tăng và lan rộng, Bộ Y tế đã đồng ý xuất 10.000 liều vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho tỉnh Bình Phước với hy vọng ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng. Tuy nhiên, từ việc thực hiện tiêm chủng cho đến khi có miễn dịch mất không ít thời gian, vì thế các biện pháp khoanh vùng dịch ở cộng đồng là vô cùng cần thiết vào lúc này.
Bệnh sốt xuất huyết đang có nguy cơ gia tăng khi mùa mưa đến.
Trong khi dịch bệnh bạch hầu đang có diễn biến phức tạp ở Bình Phước thì tại một số tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, bệnh sốt xuất huyết bắt đầu có chiều hướng gia tăng thậm chí là đã có trường hợp tử vong do căn bệnh này.
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Kon Tum, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận có 887 ca (tăng 876 ca) và đã làm một bệnh nhân tử vong. Các ca bệnh sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở các huyện Đăk Tô và Đăk Hà.
Tại Gia Lai từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.300 ca sốt xuất huyết và đã có 1 trường hợp tử vong tại huyện Ia Grai. Các ca sốt xuất huyết tại Gia Lai chủ yếu tập trung tại TP Pleiku (473 ca), huyện Ia Grai (hơn 230 ca).
Theo nhận định của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), hiện đang bước vào mùa mưa, kèm theo những diễn biến bất thường của thời tiết tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Nhằm ngăn chặn sự bùng phát của căn bệnh này, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân cần tích cực tham gia giữ vệ sinh nơi ở, tích cực diệt loăng quăng, bọ gậy từ các vật dụng chứa nước.
Ngành y tế các địa phương cần phải đầy mạnh công tác tuyên truyền đến với người dân nhằm phòng chống dịch tốt nhất, giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết, tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình tại các ổ dịch theo quy định của pháp luật.
Kịp thời khám chữa, cấp cứu các ca bệnh mắc sốt xuất huyết, tránh trường hợp bệnh nhân không được tư vấn, cứu chữa kịp thời dẫn đến tử vong.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: - Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. - Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. - Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... - Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. - Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. - Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà. |