Nhắc đến chuyện vì sao cánh đồng hoang bỗng dưng có vàng, bà Bảy lắc đầu: "Tôi không rõ nữa. Mấy chủ đất như ông Sáu Lý, Hai Thiêm thì tin rằng trời thương vùng quê nghèo nên ban cho "lộc trời" đổi đời".
Cánh đồng bỏ hoang bỗng dưng có vàng ở xã ấp Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại (Tân Hưng, Long An) đã không còn xa lạ đối với dân xứ miệt vườn. Từ người già cho đến trẻ nhỏ đều có thể kể vanh vách về giai thoại hàng nghìn người từ tứ xứ đổ về đây để đào đãi vàng. Song đến giờ họ vẫn không thể lý giải vì sao cánh đồng cằn cỗi lại tạo nên "cơn sốt vàng".
Bà Bảy (65 tuổi) cho biết mấy chục năm qua mỗi khi nhắc đến "cánh đồng vàng", người dân trong ấp vẫn không khỏi nuối tiếc. Bản thân chủ đất Sáu Lý đi làm ruộng nếu phát hiện cục đất nào có điều khác lạ vẫn chú ý coi kỹ xem có phải vàng hay không. Thậm chí vào mùa khô, lúa đã thu hoạch xong vẫn có người vờ đi cắt cỏ, mò ốc trong ruộng của các chủ đất để đào đãi vàng.
"Họ tìm thì cứ tìm thôi chứ hơn 30 năm nay chẳng có ai tìm được miếng vàng nào trong cánh đồng chục mẫu đó. Tôi cũng không rõ đất hết sạch vàng hay trời chỉ cho dân nghèo chúng tôi duy nhất một cơ hội đổi đời vào năm đó", bà Bảy buồn rầu nói.
Nhắc đến chuyện vì sao cánh đồng hoang bỗng dưng có vàng, bà Bảy lắc đầu: "Tôi không rõ nữa. Mấy chủ đất như ông Sáu Lý, Hai Thiêm thì tin rằng trời thương vùng quê nghèo nên ban cho "lộc trời" đổi đời. Tôi nghĩ cái đó thuộc về niềm tin của mỗi cá nhân, còn kiểm chứng khoa học thì đến giờ vẫn là một bí ẩn chưa có đáp án chính xác".
Chủ đất Sáu Lý từng bỏ công việc để tham gia đào đãi vàng ngay trên chính thửa ruộng của gia đình.
Sau đó bà Bảy thông tin sau 2-3 năm có "cơn sốt vàng", mấy đoàn khảo khổ ở TP.HCM đã về "cánh đồng vàng" khảo sát. Họ đem rất nhiều máy móc, máy rà kim loại để tìm vàng. Thậm chí họ còn hỏi han người dân, ghi chép rất tỉ mỉ xem nơi nào có nhiều vàng nhất nhưng chẳng thu được thứ gì.
"Có lẽ lúc đó cánh đồng vàng cũng hết vàng rồi. Tôi nhớ hồi họ về cũng chỉ lác đác vài người đi đào đãi vàng thôi. Sau đó đoàn khảo cổ cũng đem máy móc về lại thành phố", bà Bảy nhớ lại.
Bà Bảy vừa dứt lời, chủ đất Sáu Lý cho biết những năm "cơn sốt vàng", hàng nghìn người đào nát cả cánh đồng nhưng không phát hiện được dấu tích đền đài hay khu dân cư của người xưa. Song điều kỳ lạ nhất là tất cả thợ bạc thu mua vàng ở cánh đồng kều khẳng định vàng mà mọi người tìm thấy được là đồ cổ, tuổi vàng rất thấp. Đặc biệt những món vàng đã qua chế tác chỉ xuất hiện dọc bờ kênh, mương dẫn nước và những vùng trũng thấp; còn nơi có gò đất cao có rất ít đồ nữ trang bằng vàng.
Ông Sáu Lý tin đó là "lộc trời" ban nhưng bản thân ông nhiều lần nghe người lớn tuổi trong ấp bàn tán có lẽ nguồn gốc số vàng là của người Khmer cổ chạy loạn làm rơi và bị vùi lấp theo thời gian. Sau bao năm dân Vĩnh Ân cày cấy thì vàng mới "xuất hiện".
"Cánh đồng vàng" giờ như bao cánh đồng khác tại miền Tây.
Không chỉ ở ấp Vĩnh Ân có "cánh đồng vàng", trước đó ở vùng Bắc Chan, xã Tuyên Thạnh (Mộc Hóa, Long An) cũng có người đi làm ruộng nhặt được vàng nhưng không nhiều. "Tôi từng tìm hiểu về vùng Bắc Chan và biết được nơi này trước đây thuộc vương quốc Phù Nam cổ với nền văn hóa Óc Eo. Nó tồn tại từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 12 sau Công nguyên nên chắc vàng là của họ.
Song tôi vẫn không hiểu, tại sao vùng này lại không có những dấu tích đền đài cổ xưa của vương quốc Phù Nam và nền văn hóa Óc Eo như ở vùng Gò Tháp (Đồng Tháp) - nơi có nhiều truyền thuyết về những kho vàng lớn bị chôn vùi. Vài năm trở lại đây các nhà khảo cổ khai quật tìm được rất nhiều vàng bạc, hiện vật quý hiếm”, chủ đất Sáu Lý chia sẻ.
Dù người dân Vĩnh Ân vẫn chưa thể lý giải vì sao cánh đồng hoang có vàng nhưng có một thực tế rằng, chục mẫu đất cằn cỗi năm xưa giờ đã trở nên màu mỡ, canh tác tốt. Điều đó phần nào giúp người dân trở nên thoát nghèo, có cuộc sống sung túc.
"Có lẽ rằng chính việc đào đãi tìm vàng đã khiến mảnh đất một năm chỉ canh tác một lần trở bên trù phú. Người dân trồng lúa thu hoạch bội thu, lại bán được thóc với giá cao. Vì thế nhiều hộ gia đình đã trúng mánh và giàu lên, xây được nhà gói nhà cao tầng, cuộc sống ấm no hơn", bà Bảy vui vẻ nói.
Mời quý độc giả xem thêm:
Kỳ 2: Những chuyện trớ trêu tại “cánh đồng vàng” Long An, tìm thấy vàng là mua rượu thịt ăn mừng đến sáng