Từ một ngôi làng nghèo ở Hà Nội, nhưng nhờ sự nhạy bén trong kinh doanh, buôn bán mà ngôi làng này đã thay da đổi thịt với biệt thự bề thế mọc lên san sát.
Nhắc tới "làng", người ta nghĩ ngay đến những ngôi nhà nhỏ nhắn với lũy tre, bờ đê, đồng ruộng... Thế nhưng, về làng Miêng Thượng (xã Hoa Sơn, Ứng Hòa, Hà Nội) chắc chắn ai cũng sẽ choáng ngợp trước cơ ngơi đồ sộ của các hộ dân sống ở nơi đây.
Diện mạo của làng Miêng Thượng đã thay đổi, nhà cao tầng bề thế mọc lên san sát
Những năm về trước, làng Miêng Thượng mang đậm màu sắc của làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ, bao quanh bởi bốn bề là những cánh đồng rộng mênh mông, những căn nhà cấp bốn lụp xụp, xiêu vẹo. Thế mà giờ đây, diện mạo của làng Miêng đã thay đổi kỳ diệu, nói về điều kiện kinh tế thì khó có làng nào trong vùng đuổi kịp. Ở đây, những ngôi nhà 3,4 tầng khang trang, bề thế có thiết kế hiện đại đua nhau mọc lên trên trục đường bê tông trải phẳng lỳ, thành một con phố chạy dọc từ đầu đến cuối làng. Các hộ dân ở làng không còn bám đồng ruộng mà chuyển sang buôn bán, những buổi đi chợ bán thịt lợn kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Từ làng quê nghèo, phụ thuộc vào dăm ba sào ruộng, giờ đây người dân làng Miêng đã có của ăn của để
Chia sẻ với báo chí, một người phụ nữ sống ở trong thôn này cho biết công việc bán thịt lợn đã biến giấc mơ đổi đời của người dân nơi đây thành hiện thực. Theo đó, khoảng từ năm 2006-2013, với nghề buôn thịt lợn rồi bán ở khắp các chợ, người dân nơi đây đã trở nên khấm khá, rồi nhà nào nhà nấy có của ăn của để, có tiền tỷ trong tay.
Được biết, ông Nguyễn Văn Sinh (người dân làng Miêng) là người đầu tiên có công trong việc đưa bà con đến với nghề đi chợ.
Gia đình ông Sinh có 4 người con thì có 3 người theo nghề bán thịt lợn, giờ đều khá giả, có nhà lầu xe hơi. Ông Sinh kể, trước đây ông cũng bám đồng ruộng, đầu tắt mặt tối, sau đó cả nhà chuyển lên Hòa Bình để buôn giò chả nhưng làm ăn không thuận lợi. Rồi được bạn bè mách nước, ông vào trung tâm Hà Nội buôn thịt lợn.
"Thời gian đầu cũng thua lỗ, thiếu chỗ nọ hụt chỗ kia, tôi chỉ dám lấy nửa con lợn vậy mà bán đến chiều vẫn không hết, đành đem bỏ tủ đá ăn dần. Ăn không hết, thịt thối phải đem ra sông để vứt. Nhưng cái máu kinh doanh luôn thường trực trong người lạị thôi thúc tôi động viên vợ con kiên trì, làm lại lần nữa.
Ông Sinh được cho là người đầu tiên có công trong việc đưa bà con đến với nghề đi chợ bán thịt lợn
Rồi thật may cái duyên với nghề cũng đến, có thời điểm tôi bán được 6 con lợn một ngày, thu nhập từ 3-4 triệu đồng là bình thường. Theo nghề của bố, giờ các con của tôi đều đã khấm khá, có của ăn của để, có nhà to, xe hơi", ông Sinh chia sẻ.
Thấy nhà ông Sinh phất lên, người dân trong làng cũng bắt đầu học theo, có những gia đình cả nhà đều đi bán thịt lợn. Thanh niên trong làng học xong cấp 3 là theo bố mẹ lên thành phố bán thịt, người đi trước dắt người đi sau, em lỗ, anh cho vay, đỡ đần nhau để buôn bán, kiếm tiền.
Những ngôi nhà 3, 4 tầng mọc lên giữa làng quê
Khi làm ăn khấm khá, cuộc sống thay đổi, người dân trong làng còn chung nha xây dựng và làm đẹp xóm làng. Những hộ dân nơi đây đã gom góp và xây nên một ngôi nhà thờ với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng.
Có điều kiện, người dân thôn Miêu Thượng cùng nhau chung tay làm đẹp quê hương. Nhà thờ được người dân quyên góp xây dựng với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Có một điểm đáng chú ý là ở làng Miêng Thượng là phải đến Tết mới có người đi ra đi vào, còn ngày thường rất vắng vẻ, ít người qua lại bởi mọi người dắt díu nhau lên thành phố buôn bán, làm ăn, khi nào gia đình có việc hoặc đúng ngày 30 Tết mới về để ăn Tết. Đó cũng là lý do nhiều căn biệt thự trong làng để không, khóa cửa suốt ngày đêm. Ở đây, cứ khoảng 9 giờ tối là cả làng đã tối om, người già và trẻ nhỏ tắt điện đi ngủ sớm.
Thế nhưng, việc đưa nhau lên thành phố kiếm sống cũng để lại không ít hệ lụy. Ví dụ như, bố mẹ để con lại cho ông bà dạy dỗ, chăm sóc để đi xa kiếm tiền nên việc học hành của các con bị sao nhãng, dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Một số gia đình tính đến chuyện mua nhà, mua đất ở Hà Nội rồi đón con lên thành phố học, nhưng rồi bố mẹ cứ mải buôn bán, không có thời gian kèm cặp, con không theo kịp được bạn bè, hổng kiến thức nên lại xin về trường cũ.
Số học sinh của thôn thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đều bỏ học giữa chừng hoặc dừng lại khi hết cấp 3 để theo bố mẹ đi làm ăn.
Ở làng Miêng ngày thường rất vắng vẻ, chỉ có người già và trẻ nhỏ là chủ yếu
Ông Lục - trưởng thôn Miêng Thường từng chia sẻ, trong thôn có đến 99% thanh niên lên Hà Nội bán thịt. Nhờ bán thịt mà cuộc sống của làng quê nghèo đã thay đổi hoàn toàn, nhà nào cũng có điều kiện, có của cải vật chất. Thế nhưng, vì mải lao vào kiếm tiền nên đôi khi họ lơ là trong việc chăm sóc, dạy dỗ, quan tâm con cái. "Chúng tôi sẽ lưu tâm việc phát triển kinh tế phải đi đôi với văn hóa giáo dục, chỉ có như thế Miêng Thượng mới phát triển bền vững được", ông Lục bày tỏ.