Đó là nhận định của chuyên gia an toàn thực phẩm trước tình trạng người dân thu gom cá chết, trôi dạt vào bờ trong thời gian qua ở các tỉnh miền Trung.
Thời gian gần đây, thông tin về vụ việc cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung khiến người dân vô cùng lo lắng. Điều lo lắng nhất ở đây chính là việc, vì sao cá biển lại chết? Cá biển chết trôi dạt vào bờ người dân nhặt về ăn liệu có bị làm sao không?...
Ngoài những vấn đề trên, nhiều ngư dân ven biển từ Quảng Ninh cho đến Cà Mau trong những ngày này cũng đang ngồi trên đống lửa, khi thông tin cá biển nghi bị nhiễm độc chết hàng loạt làm ảnh hưởng rất lớn đến việc đánh bắt cũng như tiêu thụ hải sản. Thậm chí, khu vực nơi xảy ra hiện tượng trên, nhiều ngư dân đã phải gác ghe, thuyền không ra khơi vì bị ảnh hưởng từ vụ cá chết.
Vấn đề này còn được đẩy lên đến mức đỉnh điểm khi ngày hôm qua 22/4, hàng loạt các tờ báo đưa tin về việc Trạm Y tế xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã tiếp nhận 21 bệnh nhân với triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, nghi là ngộ độc thực phẩm.
Đáng nói hơn, những người dân nhập viện vì nghi ngộ độc thực phẩm này trước đó có dự một bữa tiệc, trong đó nhiều món ăn hải sản như cá, mực, ốc, ghẹ ... Được biết, số hải sản được dùng trong bữa tiệc trên được mua từ huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), nơi có rất nhiều cá biển chết bất thường trong khoảng gần nửa tháng nay.
Dù cá chết do bất kỳ nguyên nhân nào cũng không được sử dụng.
Trước những vấn đề trên, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, trước khi cơ quan chức năng có kết luận cuối cùng về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt, người dân tuyệt đối không nên nhặt hoặc vợt cá chết ở vùng biển để ăn.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho rằng, dù chưa có kết luận cuối cùng, nhưng nhiều khả năng cá chết hàng loạt là do nhiễm độc trong nước.
Nói về nguy cơ của tình trạng này với sức khỏe con người, ông Thịnh cho rằng, cá chết dù bất kỳ nguyên nhân nào (do nhiễm độc hay nhiễm vi sinh), con người đều không thể sử dụng bởi đó là nguồn lây bệnh nguy hiểm. Bởi, lúc đó lượng protein bị hư hỏng trong cá sẽ sinh ra rất nhiều độc tố. Khi chúng ta ăn phải sẽ gây độc cho cơ thể, dẫn tới ngộ độc thực phẩm và có thể nguy hại đến tính mạng.
Nếu người dân nào vì mối lợi mà sử dụng cá chết này đem chế biến và bán cho người tiêu dùng là hành vi vi phạm pháp luật, cần bị xử lý nghiêm.
Trước tình trạng trên, PGS Thịnh cho rằng các cơ quan chức năng nhà nước cần phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân để khắc phục và xử lý hiện tượng trên. “Nếu tình trạng này kéo dài cuộc sống, sức khỏe, sinh hoạt của hàng triệu người dân miền Trung sẽ bị ảnh hưởng theo.
Sở dĩ như vậy là do khi nguồn nước nhiễm độc, những thủy hải sản sinh sống trong môi trường đó nếu chưa chết cũng bị nhiễm độc, khi người ngư dân đánh bắt về mang tiêu thụ, lượng lớn cá bị độc đó sẽ đi vào cơ thể người dùng”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Trung tâm quan trắc môi trường biển thuộc Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN-PTNT) đã tiếp cận những vùng đã và có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường làm cá chết loạt, đồng thời đã đến nhiều địa điểm ven biển từ bắc vào nam để lấy mẫu kiểm nghiệm, phân tích.