Dù thị trường cá chép năm nay rất dồi dào về nguồn cung cấp, giá cũng giảm sâu nhưng bất ngờ sức mua lại rất thấp, từ chợ đầu mối cho đến chợ dân sinh.
Chợ đầu mối tấp nập, giá cá bất ngờ giảm sâu
Ghi nhận của PV vào sáng sớm ngày 13/1/2023 (tức ngày 22 tháng Chạp), tại chợ cá Yên Sở (Hà Nội), phiên chợ mua bán cá chép đỏ phục vụ người dân cúng ông Công ông Táo diễn ra vô cùng tấp nập. Các xe cá từ khắp nơi đổ về đây để đổ buôn cho tiểu thương với đủ các loại cá chép như chép ta, chép đỏ, chép vàng, chép lai khoang trắng vàng….
Theo các tiểu thương, lượng cá năm nay đổ về đây nhiều gấp đôi so với 2 năm trước (do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19), thế nhưng sức mua năm nay lại giảm mạnh, giá cả cũng tụt sâu so với những năm trước đó. Cụ thể, giá các loại cá chép được lựa chọn từng con sẽ dao động từ 90-120.000 đồng/kg; với những loại múc từ trong các thùng lên, to nhỏ lẫn lộn có giá chỉ 60.000 đồng/kg.
So sánh với năm 2021, giá cá chép năm nay rẻ hơn khoảng 5 lần tùy loại cá và chất lượng cá. Các tiểu thương nhận định, năm nay buôn cá chép đỏ sẽ lỗ nặng chứ không thể hoàn được lại vốn. “Dù lỗ nhưng vẫn phải buôn vì chúng tôi đã đặt ao cá từ các cơ sở nuôi cá giống từ trước đó. Nếu không cố bán để vớt vát lại ít vốn thì còn mất nhiều hơn”, bà Hoa chia sẻ.
Chỉ vào thùng cá chép mới được chuyển từ vùng nuôi ở Hải Dương lên, bà Hoa cho biết loại cá này chất lượng cao nhất, nếu như năm trước giá khoảng 300.000 đồng/kg thì năm nay tụt xuống chỉ còn 80.000 đồng. Lý giải vì sao giá cá giảm thê thảm, các tiểu thương cho biết do năm nay nguồn cung quá nhiều, hơn nữa nhu cầu mua cá cúng hiện không nhiều như xưa.
Có rất nhiều loại chép được bày bán, nếu chọn từng con giá chỉ 90-120.000 đồng/kg.
Chợ dân sinh: Cả buổi sáng không bán được con cá nào
Ghi nhận tại một số chợ dân sinh như Hà Đông, Trung Văn, Đại Mỗ… cho thấy, lượng người bán cá chép phục vụ cúng ông Công, ông Táo năm nay vẫn rất nhiều. Ngoài khu vực chuyên bán thủy hải sản, nhiều người dân tận dụng xô, chậu, thùng xốp... đứng vỉa hè bán cá chép phục vụ người dân.
Tại các chợ dân sinh, nhiều người tranh thủ ra cả vỉa hè bán cá chép đỏ nhưng rất ít người mua, thậm chí cả buổi sáng không bán được con cá nào.
Tuy nhiên, lượng người mua lại rất ít, thậm chí có người đứng từ 6h30 sáng, cho đến gần 10h vẫn chưa bán được một con cá chép nào. “Cá này là chúng tôi đi nhập của các tiểu thương bán buôn, có giá 80.000 đồng/kg. Bán lẻ chỉ có giá 10.000 đồng/con. Mức giá này là rẻ so với mọi năm, thế nhưng đứng cả buổi sáng tôi chưa bán được một con cá nào. Thậm chí không có ai đứng lại xem cá, chỉ có lác đác vài người hỏi xong lại đi luôn”, chị Huyền đứng bán cá vỉa hè đường Tây Mỗ chia sẻ.
Trong khu vực chuyên bán cá tình hình cũng không khả quan hơn. Chị Mai Hòa (chợ Đại Mỗ) cho biết sức mua năm nay giảm rất nhiều, cho dù giá rất rẻ. Từ sáng chỉ có lác đác vài người đến mua. “Năm nay ngày ông Công ông Táo vào đúng thứ Bảy nên thường mọi người sẽ cúng đúng ngày. Hy vọng ngày mai việc buôn bán sẽ thuận lợi hơn, nếu không chúng tôi lỗ vốn vì cá này đã lấy về, bán ế thì chỉ có đổ chứ ăn không được, trả lại cũng không xong”, chủ sạp cá Mai Hòa chia sẻ.
Tại khu vực chuyên bán cá trong chợ dân sinh cũng rất ảm đảm, người mua rất ít và nỗi lo phải đổ cá xuống hồ của các tiểu thương luôn hiện hữu.
Thị trường vàng mã phục vụ cúng ông Công, ông Táo năm nay có phần khởi sắc hơn mọi năm khi mẫu mã đa dạng, làm đẹp hơn, sức mua cũng nhiều hơn. Nguyên nhân được cho là do không bị ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân mua sắm thuận tiện hơn. Các chủ cửa hàng cho biết, nhằm phục vụ nhu cầu của người dân, trong các vật phẩm cúng ông Công ông Táo giờ có thêm cá chép giấy để sẵn trong đó và đây cũng là lý do thị trường cá chép sống có phần ảm đạm.
Trước việc người dân cúng cá chép giấy thay cá chép sống, chuyên gia phong thủy Nguyễn Trọng Tuệ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Văn hóa phương Đông cho rằng, việc cúng cá giấy hay cá thật thực tế chỉ là quan niệm do con người đặt ra. Thậm chí, ngay cả việc cúng cá chép sống bây giờ cũng rất khác so với ngày xưa.
Thị trường vàng mã phục vụ ngày ông Công, ông Táo có vẻ khởi sắc hơn khi sức mua tăng.
Cá chép giấy được chuẩn bị sẵn cùng các vật phẩm khác cũng là nguyên nhân khiến thị trường cá chép sống ảm đạm.
“Đối với việc nên cúng cá giấy hay cá thật thì theo phong tục cổ truyền từ xa xưa, người dân sẽ dùng cá chép sống để cúng Táo Quân. Bởi sau khi cúng cá chép được thả ra môi trường, khi gặp Vũ Môn cá chép mới có thể “hóa rồng” lên trời được. Còn cúng cá chép giấy thì lại mang ý nghĩa khác, giống như việc đốt vàng mã”, ông Tuệ cho hay.
Vị chuyên gia này chia sẻ, xưa kia khi cúng, đa phần người dân phải chọn những con cá có trọng lượng lớn, họ cho rằng cá đó khi thả ra mới sớm “hóa rồng” được. Còn ngày nay, cá chép cúng Táo Quân đã được lai tạo, dù màu đẹp nhưng lại rất nhỏ, hơn nữa sau khi cúng thả cá ra môi trường sẽ gây nên những vấn đề liên quan đến môi sinh.
“Cá chép màu đỏ, vàng tuy đẹp nhưng khi thả ra môi trường có thể làm lai tạo nên loài cá tạp, làm thay đổi và ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều loài. Do vậy, tốt nhất khi cúng Táo Quân vẫn nên dùng cá chép ta”, chuyên gia Trọng Tuệ khuyên.