Thức dậy mưu sinh từ lúc 3 giờ sáng và ngả lưng xuống khi đồng hồ đã điểm phút đầu của ngày hôm sau, người phụ nữ 54 tuổi vẫn miệt mài lao động, kiếm vài chục nghìn đồng tiêm thuốc mỗi ngày để níu kéo cuộc sống bên trong căn nhà vỏn vẹn 1m².
Bên lề hoa lệ có một người mẹ đơn thân và cô con gái
Nằm nép mình bên mặt đường Võ Văn Kiệt - đại lộ được đánh giá là đẹp nhất ở TP.HCM, căn nhà vỏn vẹn 1m2 của cô Lê Thu Vân (54 tuổi, ngụ 127A Võ Văn Kiệt, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) là mái ấm, nơi che mưa nắng cho 2 mẹ con cô suốt 10 năm ròng.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông con, không nhà cửa, không có điều kiện đến trường học chữ nên lúc lên 9, lên 10, cô Vân đã cùng anh em lăn lộn theo ba mẹ buôn bán, kiếm sống qua ngày. Lớn lên, người phụ nữ lập gia đình nhưng không bao lâu thì hôn nhân đổ vỡ, em Phan Thu Hồng (con gái cô Vân) vừa ra đời thì người chồng đầu ấp tay gối cũng dứt áo ra đi.
Quầy hủ tiếu nhỏ là nguồn thu nhập chính của 2 mẹ con cô Vân.
Sống cảnh màn trời chiếu đất được khoảng hơn 10 năm, cô Vân kiếm sống từng ngày bằng xe nước giải khát nhỏ bên vỉa hè. Thương mẹ con chị côi cút, năm 2009, người em gái của cô Vân mua lại căn nhà 1m2 và cho cô thuê với giá rẻ.
Nhưng chỉ được năm đầu, những năm sau thấy chị bán nước vắng khách, thu nhập chẳng bao nhiêu, đứa em gái cho mẹ con cô vào ở miễn phí. Từ đó, căn nhà 1m2 trở thành mái ấm che mưa nắng cho cô Vân và con gái. 2 thân phận tội nghiệp bấu víu cuộc đời trong khoảng hẹp chỉ vừa đủ để chân, đưa đôi mắt ngưỡng vọng nhìn về bên kia con đường - nơi Sài Gòn hoa lệ vẫn ồn ào và sôi động bất kể ngày hay đêm.
10 năm qua, căn nhà 1m2 ở số 127 Võ Văn Kiệt là nơi trú ngụ của 2 con người.
21 năm qua, một mình cô Vân vừa làm cha vừa làm mẹ, vừa kiếm tiền nuôi con, vừa bảo ban, dạy dỗ đứa con gái tội nghiệp chưa một lần biết mặt cha. Nặng gánh lo toan, cô Vân bảo chỉ đủ sức nuôi con học đến năm lớp 12. “Tốt nghiệp xong, con xin tôi 30 triệu đóng tiền học phí để học nghề nhưng vài trăm ngàn mua thuốc còn không có, tôi lấy đâu ra số tiền khổng lồ như thế. Vài ngày sau, con về rồi thỏ thẻ: Mẹ ơi, cô bảo chia làm nhiều đợt cũng được. Nhìn con khóc, tôi cũng chạnh lòng. Nhưng…”, bỏ dở câu nói, cô Vân bất chợt thở dài.
Không có khả năng tiếp tục đến trường, cô con gái bắt đầu hành trình lăn lộn kiếm sống đỡ đần cho mẹ. “Lúc đầu con bé xin phát tờ rơi ở ngã 4. Dầm mưa dãi nắng một tuần lễ, con mang về 500 nghìn đồng rồi nói rằng con cho mẹ. Xót con, tôi bảo con nghỉ rồi tìm việc khác. Vài ngày sau, Hồng khoe tìm được công việc gia công nhưng cũng chỉ được vài ngày, con bé trở về nhà với hai bàn chân ửng đỏ vì đứng suốt. Thương con lắm, nhưng nhà nghèo quá, tôi biết làm sao bây giờ”, người phụ nữ cho biết.
Không đủ diện tích, cô Vân đành "giấu" quầy nước phía bên trong nhà.
Bán nước giải khát càng ngày càng ế, nhất là khi khu chợ đối diện bên kia bắt đầu cháy. Khách vãng lai thì không có, khách mối quen thì ngày một thưa. "Hai năm trở lại đây, mẹ con tôi sống bằng gánh hủ tiếu phụ thêm bên cạnh quầy nước. Nhưng mặt bằng thì nhỏ quá, đành để xe hủ tiếu bên ngoài, cốc, thùng đá với nước thì để phía bên trong. Mà cô nhìn đi, người đi ngang thì làm sao biết nhà có bán thêm nước giải khát. Bán đồ ăn, ngày nào đắt thì được khoảng 20 tô, ngày nào ế thì sáng tới tối chưa tới 10 khách. 2 ngày rồi tôi không có tiền đi tiêm thuốc”, cô Vân vừa nói vừa đưa tay xoa bóp hai bắp chân sưng phù do căn bệnh thận đã trở nặng.
Ngày kiếm hơn trăm ngàn, tiền tiêm hết 120 ngàn, không tiền thì nhịn tiêm chịu bệnh hành hạ
Mỗi ngày của cô Vân bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng. Cô lặn lội ra tới tận Chợ Lớn để mua gà. “Ở chợ gần đây vẫn có bán chứ, nhưng đắt hơn. Ráng dậy sớm, đi xa xíu nhưng giảm được vài ba chục ngàn. Trở về nhà, tôi loay hoay dọn dẹp, bày ra bán. Bán từ sáng tới tối, hôm nào sớm thì 9-10 giờ, hôm nào ế thì 12 giờ đêm mới nghỉ. Ngủ được một vài tiếng thì lại thức dậy lo dọn hàng. Cứ như vậy đều đặn 2 năm nay”, người phụ nữ 54 tuổi thuật lại.
Thu nhập hiện tại mỗi ngày của cô Vân dao động từ 100-200 nghìn đồng tùy ngày ế hay đắt khách. Thời tiết Sài Gòn dạo này trở nên đỏng đảnh, mưa nắng thất thường, xe hủ tiếu đã vắng khách ngày một càng vắng hơn. "Mưa xuống mà gom bạt che không kịp thì coi như cả người và đồ đạc ướt mem như chuột lột. Có khi tôi che đậy gia vị, mắm muối, bàn ghế xong, quay lại mới phát hiện quên đậy nắp nồi nước dùng. Nước mưa trút xối xả, coi như ngày đó 2 mẹ con ăn hủ tiếu chan nước mưa thay cơm", cô Vân xót xa nói.
Theo lời cô Vân, thời gian gần đây, bệnh tình trở nặng, cô phải bỏ ra từ 100-120 nghìn đồng mỗi chiều để tiêm thuốc. “Nếu không tiêm, người thì càng ngày càng sưng phù vì trữ nước, đau tức bụng đến nỗi không thể đi được vệ sinh. Có những ngày bán ế, 3-4 hôm liên tục tôi không tiêm nên xảy ra tình trạng chóng mặt, tôi té từ trên cầu thang té xuống, may mà có chồng ghế chắn lại, nếu không chắc đầu đập xuống đất rồi”, cô Vân cho biết. Rồi cô đưa tay chỉ vào chiếc cầu thang gỗ nối căn gác nhỏ, ọp ẹp với mặt sàn ken cứng đồ đạc.
Tô cơm trắng chan canh, món ăn quen thuộc mỗi trưa của cô Vân.
Theo chân cô Vân lên “thám hiểm” căn gác tối bằng chiếc cầu thang vỏn vẹn 30cm. Mỗi tối, cô Vân phải đậy nắp cầu thang cẩn thận để diện tích sàn của gác được mở rộng thêm. Mà nói như cách cô thường đùa: “Đậy nắp lại thì ngủ dáng được giống người (vì duỗi được cả chân), còn không đậy nắp thì ngủ hệt dáng của con tôm”.
Căn gác nhỏ chỉ vừa 1 người nằm, không thể xoay trở trọn vẹn vì diện tích quá hẹp. Bên ngoài, cô che chắn tạm bợ bằng tấm bạt nhựa nhỏ. “Mấy hôm rồi trời cứ hay mưa, đêm nào mưa thì coi như đêm đó mất ngủ. Gác có tí xíu, cũng không xê dịch được chỗ nằm. Có khi đang ngủ, giật mình dậy thì thấy quần áo ướt nhem. Tôi chỉ biết co ro nằm trùm chiếc mền thấm nước rồi trông đến khi trời sáng để dậy dọn hàng. Tối chừng 12 giờ khuya tôi mới ra vòi nước bên cạnh xả nước xối người, rồi đi ngược lên trên gác để thay đồ. Nhà vệ sinh thì đi nhờ nhà ba mẹ tôi cách đây vài căn”, cô Vân nói.
"Tôi còn hai bàn tay để kiếm tiền"
Cuộc trò chuyện bất chợt ngắt quãng vì có tiếng gọi mua hàng. Thoăn thoắt đeo bao tay, xé gà, trụng hủ tiếu, cô Vân cười đon đả khi khách xin thêm ít da gà hay rau sống. Cô bảo: “Mình buôn bán cho đàng hoàng, người ta thương thì mới ghé lại, chứ bán buôn mà cọc cằn hay tính toán thì khách nào mà mua cho. Vậy thì chỉ còn biết chết đói”.
Chiếc cầu thang, lối đi duy nhất lên căn gác nhỏ.
Theo lời kể của bà Út (dì ruột của cô Vân), sức khỏe của người phụ nữ bất hạnh này càng ngày càng suy yếu. Một tay chuẩn bị bày biện đồ ăn khi trời sáng và cũng chỉ một mình lụi cụi dọn dẹp hàng khi phố đã thưa thớt bóng người, gắng sức làm nên cô Vân hay đổ bệnh.
“Ấy thế mà nó thương con bé cháu ngoại của em gái ruột, nên nhận nuôi con bé từ lúc mới lọt lòng. Tên Gia Hân in trên tấm bạt che cũng là tên cháu ngoại nó đó. Mới đây, Ủy ban phường có làm việc và tạo điều kiện cho gia đình nó mần ăn vì hoàn cảnh khó khăn quá. Họ hỏi nó có ước mơ gì, nó bảo chỉ cần cho nó bán buôn ở vỉa hè chỗ cũ, kiếm ít đồng mua thuốc uống để sống tiếp cùng con gái”, nhìn cô Vân hí hoáy mang đôi giày cháu ngoại ra phơi, bà Út kể mà rơi nước mắt.
"Nhìn lên thì không bằng ai, nhìn xuống mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người", cô Vân nói.
Tuổi thơ vật lộn với cảnh nghèo, thiếu ăn, đói mặc; lớn lên vật lộn với cuộc sống vất vả để mưu sinh, về già vẫn không thoát khỏi cái bóng quá lớn của chữ nghèo, không quá đáng khi nói số phận của người phụ nữ 54 tuổi ấy là bi kịch của cái nghèo. Thế nhưng, với cô Vân, nghèo chưa bao giờ là bất hạnh.
“Tôi còn 2 bàn tay để kiếm tiền, còn cái nhà nhỏ để chui vào chui ra mỗi khi mưa nắng, còn đứa con gái ngoan hiền mỗi lần nghe mẹ xin được vé từ thiện đi chùa là lại để dành trước vài trăm ngàn chắt chiu. Nhìn lên thật sự mình không bằng ai thật, nhưng nhìn xuống tôi thấy mình may mắn vì còn hạnh phúc hơn nhiều người. Nghèo hay giàu không quan trọng, quan trọng là hài lòng với cuộc sống đang có, đừng trách cứ số phận hay đổ lỗi cho cuộc đời”.
"Tấm bạt che phía trước vừa được lắp khoảng vài ngày với chi phí 1,8 triệu đồng, mỗi ngày tôi góp 30 nghìn", người phụ nữ cho biết.
Nhà văn Nam Cao có lần đã gửi gắm suy nghĩ của mình về hạnh phúc: “Hạnh phúc là một cái chăn quá hẹp, người này co thì người kia bị hở", ấy thế mà ngần ấy năm qua, bên trong căn nhà ọp ẹp, khó khăn lắm mới duỗi được chân, mẹ nhìn sự trưởng thành của con mà hạnh phúc, con nhìn mẹ sống khỏe mỗi ngày làm niềm vui. Hạnh phúc đối với những con người bất hạnh, sống vật vờ bên lề hoa lệ của mảnh đất Sài Gòn là những điều giản đơn, là những bữa cơm trắng chan canh mẹ chờ con mỗi tối. Với họ, hạnh phúc thật sự là những điều dung dị, bình thường mà bao nhiêu vật chất cũng không thể nào đánh đổi.