Mái ấm Thiên Thần: Câu chuyện về “tiên ông” dành trăm tỷ xây nhà cho trẻ mồ côi

Ngày 22/09/2019 00:08 AM (GMT+7)

Người đàn ông đã dành tặng mảnh đất 2.500 mét vuông- cơ ngơi cả cuộc đời vất vả tích cóp dành dụm, xây dựng nên mái ấm Thiên Thần với ước mơ những “thiên thần bất hạnh” sẽ có nơi cưu mang.

“Cha” của 85 đứa trẻ

Là một người lính từng “vào sinh ra tử”, chắt chiu từng cơ hội được sống trong bom đạn của chiến tranh, từng ứa nước mắt khi chứng kiến hình ảnh những đứa trẻ chạy tán loạn, gào khóc bên xác của cha mẹ, của người thân, người đàn ông thề với lòng nếu còn sống trở về, ông sẽ làm mọi cách để có thể giúp đỡ nhiều hơn những đứa trẻ mồ côi. Ông là Bùi Công Hiệp (60 tuổi, ngụ phường Phước Long, quận 9, TP.HCM) - chủ mái ấm Thiên Thần, nơi nuôi dạy 85 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng.

Kể về quá trình ra đời của “ngôi nhà nhỏ” mang tên Thiên Thần, ông Hiệp cho biết năm 1983, sau khi xuất ngũ, ông xin làm bảo vệ cho một công ty nhà nước rồi ra ngoài, mở xưởng cơ khí. 36 năm, người đàn ông vất vả gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, nuôi dạy thành công 2 con nên người.

Vào độ tuổi đáng ra đã được nghỉ ngơi, nhớ lại lời thề dưới làn khói của bom đạn, cận kề với cái chết khi trước, ông Hiệp ngập ngừng bàn với vợ xin chuyển mục đích sử dụng, đổ đất xây mái ấm nuôi trẻ mồ côi trên mảnh đất 2.500 mét vuông - tài sản mà ông dành dụm cả cuộc đời. Năm 2009, mái ấm Thiên Thần xin được giấy phép hoạt động. 3 năm sau, “ngôi nhà nhỏ” của trẻ mồ côi này chính thức cưu mang, nuôi dưỡng những đứa trẻ đầu tiên.

7 năm trôi qua, 85 mảnh đời bất hạnh, không nơi nương tựa đã có một gia đình, được chăm sóc và thương yêu. “Đặt tên nơi đây là Thiên Thần bởi vì tôi tin vào những thiên thần hộ mệnh, luôn tới dẫn dắt con người trong những lúc gian nan nhất”, ông Hiệp nói.

Mái ấm Thiên Thần: Câu chuyện về “tiên ông” dành trăm tỷ xây nhà cho trẻ mồ côi - 1

Ông Bùi Công Hiệp bên những "đứa con" của mình.

85 đứa trẻ là ngần ấy câu chuyện thấm đẫm tình thương mà ông nhớ như in. Nhấm ngụm nước thấm giọng, đưa mắt hướng về phía cô bé với gương mặt thông minh, ông Hiệp khẽ cất giọng kể: “Khuya mùng 2 Tết năm 2014, tự dưng tôi nghe tiếng chó hoang sủa càng lúc càng dồn dập. Sợ trộm hay những thanh niên nghiện hút tụ tập, tôi cầm đèn pin ra ngoài xem thử, trên bệ cổng là hình ảnh một đứa bé sơ sinh vẫn còn nguyên dây rốn, tím tái dần được bọc hời hợt trong một chiếc khăn bông cũ.

Tôi tìm kiếm mãi nhưng không thấy bất kì giấy tờ nào để lại. Mọi người khi đó hốt hoảng, đưa bé vào để sưởi ấm. Tôi đặt tên bé là Bùi Kim Tâm, lấy họ Bùi của tôi. Kim Tâm tức là tâm hồn sáng trong, dù có xuất thân từ trong nghịch cảnh”, ông Hiệp nói.

Câu chuyện về xuất thân của bé Kim Bách, 4 tuổi là một trong những câu chuyện mà ông Hiệp bảo không bao giờ quên được. 20 tuổi, vì lỡ dại tin người yêu, cô gái mang thai rồi trốn gia đình ở Kiên Giang lên Sài Gòn sinh sống. Không tiền, không học vấn, không chỗ tá túc, cô gái trẻ lang thang xin tiền, ăn mì gói, ngủ vật vờ ở công viên Lê Văn Tám. Biết tin, ông đến tìm và cho cô gái cùng đứa trẻ sắp chào đời một chỗ che mưa nắng tại mái ấm Thiên Thần.

Mái ấm Thiên Thần: Câu chuyện về “tiên ông” dành trăm tỷ xây nhà cho trẻ mồ côi - 2

Những "thiên thần" ngủ say sưa trong mái ấm Thiên Thần.

Thiếu ăn, thiếu mặc, điều kiện sống kham khổ, bé chào đời khi chưa tròn 7 tháng tuổi lại nhẹ cân. Dù bác sĩ cảnh báo sẽ rất khó để nuôi, ông vẫn cương quyết chăm sóc, điều trị cho bé. Giờ đây không còn là hình ảnh đứa trẻ sơ sinh oặt ẹo, ốm nhom như quả bắp, Kim Bách đã cứng cáp, thông minh, hoạt bác, vững vàng như cái tên “Bách” mà ba Hiệp đặt.

“Nhà là chốn để về”

Vượt quá suy nghĩ ban đầu là chỉ nhận nuôi khoảng mười mấy trẻ, mái ấm Thiên Thần hiện tại là “mái nhà thật sự” cho tất cả những đứa trẻ đã và sẽ lớn lên tại đây, ai tìm đến, ông Hiệp đều dang tay mà giúp đỡ. “Có những bà mẹ ẵm con tới rồi nói nếu không nhận nuôi giúp, họ cũng sẽ bỏ lại trước cổng, vì cuộc đời đã quá bế tắc rồi. Tiêu chí tôi đặt ra là sẽ nuôi dạy các bé đến ngày trưởng thành, gia đình hoàn toàn có quyền quay lại nhận con nếu muốn. Không ai muốn bỏ rơi con mình cả, có lẽ khi ấy hoàn cảnh họ không cho phép để nuôi con.

Đừng gọi đây là cơ sở bảo dưỡng trẻ em, đây là nhà của các con, nơi sẽ nuôi các con lớn, cho ăn học và trưởng thành, ra đời làm ăn, lập nghiệp, cưới vợ, gả chồng… Nếu thất bại, các con có thể quay lại đây, vì đây là nhà của các con, các con có quyền trở lại”, nhìn những đứa trẻ rồi nở nụ cười hiền hậu, ông Hiệp khẽ nói.

Mái ấm Thiên Thần: Câu chuyện về “tiên ông” dành trăm tỷ xây nhà cho trẻ mồ côi - 3

"Các bảo mẫu thậm chí cũng không được rầy la hay lớn tiếng với các bé. Ở đây, chỉ có tôi được quyền, tôi muốn các bé được yêu thương và chăm sóc tốt nhất", ông Hiệp nói.

Năm học 2019-2020 này, mái ấm Thiên Thần có 3 em học lớp 2, 12 bé vào lớp 1, dự kiến năm sau có thêm 18 bé. Các em đi học đều do ông Hiệp tự lo học phí chứ chưa được hỗ trợ miễn giảm diện nghèo, mồ côi. Mong ước của ông là các con có hộ khẩu để tiện cho việc học hành. Hiện, ông đã xin nhập hộ khẩu cho 65 con, nhưng chỉ có 10 đứa được toại nguyện.

“Tôi đang nghĩ về kế hoạch tương lai cho các con của mình mỗi ngày. Tôi đang muốn xây thêm nhà để nhóm trẻ lớn và sơ sinh ra ở riêng, cần mở thêm lớp học ở trung tâm cho các con còn nhỏ, xây hồ bơi, khu vui chơi để các em vừa học tập, vừa vận động để phát triển cả về thể chất, tinh thần… Để có cơ ngơi đầy đủ cho gia đình này, còn bộn bề lắm. Nhưng cứ cố gắng hết sức thì sẽ có người hỗ trợ, chung sức với mình thôi”, ng Bùi Công Hiệp, chủ mái ấm Thiên Thần tâm sự.

Tuổi xế chiều của gia đình 4 người tàn tật và nỗi đau: Muốn chết lắm nhưng không được
Cái nghèo len lỏi vào từng góc nhỏ của ngôi nhà, hằn lên trên khuôn mặt khắc khổ của những con người đã ở bên kia sườn dốc của cuộc đời.
HUY VÂN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động