Các công đoạn làm miến rất mất vệ sinh, miến cũng thường được tẩy trắng hoặc nhuộm màu với nhiều hóa chất độc hại.
Với nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết sắp tới, chị em nên cẩn thận chọn mua những loại miến được sản xuất ở những nơi có uy tín.
Bột bẩn, miến phơi nơi cống rãnh
Chỉ còn hơn một tháng nữa tới dịp Tết Nguyên Đán Ất Mùi, chị em đang rục rịch chuẩn bị mua sắm những loại thực phẩm truyền thống để chuẩn bị chu đáo cho bữa cơm ngày Tết. Trong số những món thực phẩm truyền thống đó không thể thiếu được bát canh miến.
Tuy nhiên, đa số các loại miến được bán trên thị trường hiện nay lại được làm theo cách thủ công, các công đoạn như ngâm bột, phơi miến…rất mất vệ sinh.
Được trực tiếp chứng kiến quang cảnh và các công đoạn làm miến tại làng Cự Đà, xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, phóng viên không khỏi rùng mình bởi các công đoạn làm miến rất bẩn, dù đây là một làng nghề làm miến nổi tiếng của Hà Nội.
Từng bao tải bột được xếp ngoài sân mặc kệ mưa nắng. Ảnh: Bảo Anh
Bột làm miến được đóng vào bao tải, xếp từng đống ngay ngoài hiên nhà, mặc kệ mưa nắng, gió bụi táp vào. Bể ngâm bột là bể lộ thiên nên trên mặt bể bột ngâm rất nhiều bùn, cát, lá cây rơi vào.
Để làm khô miến, người dân tận dụng mọi không gian quanh khu vực sinh sống để phơi. Bánh miến được rải trên những phên tre phơi trên cánh đồng, ven đường làng ngõ xóm, sát đường đi bụi bẩn hay thậm chí ngay bên trên rãnh cống lộ thiên. Bên trên là các phên miến, bên dưới là nước thải sinh hoạt và nước thải trong chính quá trình sản xuất miến màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối.
Bánh miến được phơi ngay trên miệng rãnh nước thải. Ảnh: Bảo Anh
Tại nhà chị M, 4 người đang miệt mài tráng và phơi bánh miến. Bồn chứa bột ngâm là bồn lộ thiên, được xây ngay ngoài sân. Bột dong ngâm trong bồn đã khô đóng thành bánh từng mảng rồi nứt thành từng khối. Lớp bột trên mặt đã lốm đốm mốc, có chỗ chuyển màu đục, chứa rất nhiều bụi bẩn, lá cây khô rơi và nước mưa. Thấy khách có vẻ ái ngại khi nhìn bể bột ngâm, chị M. giải thích: “Bột này là chưa lọc nên nhìn như vậy thôi, khi quấy sẽ lọc hết bụi bẩn”.
Thành phẩm miến làm xong được bó thành từng bó nặng khoảng 50kg - 70kg để ngay trên nền đất ở ngõ đi hoặc nền nhà, sân hè. Người dân còn dùng chổi tre quét nhà để vun gọn những đoạn miến vụn vương vãi vào một đống.
Nên mua miến được sản xuất ở những nơi uy tín
Nếu chỉ mất vệ sinh thì có thể “khử trùng” qua công đoạn tráng nóng, chín bằng hơi nước hoặc sau này khi nấu sẽ hạn chế được phần nào. Điều thực sự làm chị em lo ngại là hiện có thông tin cho rằng các làng nghề làm miến dùng các loại chất tẩy để pha vào bột, giúp các công đoạn làm miến dễ, sợi miến ăn dai và ngon hơn rồi sau đó nhuộm màu bằng các loại màu không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Liên hệ với PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh xung quanh vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, chất tẩy trắng nếu là bột, người ta thường dùng muối sunfit natri hoặc sunfit kali, là chất được phép sử dụng. Còn chất nhuộm màu, hiện nay chưa rõ các làng nghề sử dụng loại chất gì nhưng trên thị trường chất màu dùng cho thực phẩm khá nhiều, giá cả không đắt, lượng dùng không cần nhiều nên nguy cơ các làng nghề dùng chất màu gây ngộ độc thì không nhiều lắm. “Chất màu hóa học chia làm hai loại: màu thực phẩm là loại được kiểm định, không độc lắm và được phép dùng cho thực phẩm và loại độc dùng cho quá trình in ấn, nhuộm vải gọi là chất màu tổng hợp và không được phép dùng cho thực phẩm. Hiện giờ, chất màu thực phẩm bán tương đối nhiều, giá rẻ nên nếu lý giải vì người sản xuất tham rẻ dùng màu tổng hợp thì không có cơ sở vì giá thuốc nhuộm vải hay chất màu dùng cho in giá rất đắt”.
Tuy nhiên, để yên tâm hơn khi sử dụng miến, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng khuyên người tiêu dùng nên mua các sản phẩm miến được làm bởi những công ty, nơi sản xuất có uy tín, thương hiệu trên thị trường, có nhãn mác, thành phần sản phẩm, tên, địa chỉ công ty rõ ràng bởi chất màu là chất dễ “lộ mặt” ra ngoài, họ không dại gì dùng những sản phẩm không an toàn và dễ bị phát hiện, lại không tiết kiệm được tiền.