Ba lần sinh con, thì cả ba lần chị đều nhận tin dữ khi đứa lớn bị tim bẩm sinh, hai đứa nhỏ bị bại não không biết gì. Trong sự bất lực, chị Thủy đau đớn: “Chẳng lẽ 4 mẹ con ôm nhau chết bởi sống khổ quá khi cái ăn cho các con cũng không có”...
Là công việc quá quen thuộc đối với gia đình, ngày đầu tháng 3, chị Cao Thị Thủy (39 tuổi) lại lặn lội cùng chồng từ Hà Nam đưa con gái là Nguyễn Thị Hải Yến (14 tuổi) lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Sau một thời gian dài chống chọi và chữa trị với bệnh tim bẩm sinh, giờ đây, bé Yến lại phải đối mặt với bệnh viêm cầu thận... Nhưng đau đớn hơn, phía sau Yến, còn 2 đứa em bại não đang nằm ở nhà.
Đau cùng 3 đứa con bệnh tật
Cũng như bao phụ nữ khác, chị Cao Thị Thủy lấy chồng và mong ước sinh ra những đứa con khỏe mạnh, thông minh. Năm 2002, bé Nguyễn Thị Hải Yến chào đời trong niềm hạnh phúc của gia đình. Thế nhưng, từ khi sinh ra, bé Yến bị bệnh tim bẩm sinh khiến cơ thể luôn gày gò, ốm yếu. Do Yến được hưởng bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi nên gia đình chỉ phải vay mượn ít tiền cho con đi mổ vào năm 2005.
Đến năm 2007, chị Thủy sinh cháu Nguyễn Văn Trường. Khi chào đời bé có những dấu hiệu bất thường, gia đình cho Trường đi khám thì bác sĩ kết luận cháu bị bại não. Con mới 1 tháng, 2 mẹ con rồng rắn nhau đi viện. Cứ khoảng 6 ngày ở nhà thì mất 24 ngày ở viện như thế trong suốt 2 năm trời.
Ba lần chị Thủy sinh con thì một bé bị tim bẩm sinh, 2 bé bị bại não phải nhốt trong chiếc cũi từ một nhà hảo tâm tặng.
Bé Thọ Liên tục ngửa cổ lên trời với những tiếng kêu ú ớ.
Bế tắc hơn, một năm sau đó, anh chị bị "nhỡ" dẫn đến có bầu nhưng lại không dám bỏ và vẫn nuôi hy vọng sẽ sinh ra đứa con lành lặn. Rút kinh nghiệm từ việc không đi siêu âm lần trước, lần này chị cẩn thận lên tận Hà Nội để khám. Lần nào bác sĩ cũng bảo con chị khỏe mạnh, bình thường. Thế nhưng khi đẻ ra, chị lại bàng hoàng phát hiện bé Nguyễn Văn Thọ bị bại não giống anh.
Cả 2 anh em Trường, Thọ đều 2 tuổi mới lẫy được nhưng sau 6, 7 năm các em vẫn không thể ngồi vững vàng và chỉ ú ớ, không biết gì. Nhất là mỗi khi trời nóng con lại lên cơn động kinh, mắt trợn trừng, môi tím lại. Có khi 2 bé ngồi khóc hay cười cả tiếng đồng hồ không nín.
Chị Thủy bảo, ai mách gì cũng nghe theo miễn là có hy vọng chữa khỏi bệnh cho con. Trời mưa gió, chị vẫn đạp xe đạp hơn 10 cây số đèo con đi châm cứu. Chị nhớ lại: "Có hôm đưa cháu Thọ đi châm cứu, về nhà thấy im re. Hốt hoảng chạy vào xem cháu Trường thế nào thì thấy cháu đang nằm ngủ ngon lành trong khi phân dính đầy mắt và mặt".
Cuộc sống bế tắc
Cuộc sống bần hàn, đến ngôi nhà ở anh chị cũng không thể xây dựng được. Cách đây mấy năm, được hỗ trợ số tiền 7,2 triệu cộng với số tiền 8 triệu được cho vay, anh chị mới cất được mái nhà để che mưa, che nắng. Tuy nhiên hiện tại căn nhà đã bị nứt toác, mái sập xệ, xuống cấp ở nhiều chỗ bởi khi xây thiếu cát, thiếu xi măng…
Ông Nguyễn Xuân Thủy- trưởng thôn Văn Lâm 1 cho biết: “Gia đình anh Chung, chị Thủy là hộ nghèo bất khả kháng của thôn, xã bởi không thể thoát được nghèo ra. Ở cơ sở địa phương gia đình cũng đã được các cấp, các ngành liên quan giúp đỡ, tuy nhiên chỉ được một phần rất nhỏ bé".
Bếp tạm bợ của gia đình chị Thủy.
Chị Nguyễn Quỳnh Mai, trưởng nhóm Thiện Nguyện Lạc Hồng sau khi biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Thủy đã đứng ra lo 100% chi phí khám chữa bệnh lâu dài cho các bé, đồng thời giúp anh Chung công việc có thu nhập cao hơn để ổn định kinh tế cho gia đình. |
Khu vực nhà chị Thủy mới đây nhập vào thành phố Phủ Lý, cả xóm được cấp nước sạch nhưng nhà chị Thủy chỉ dám dùng nước giếng khoan vì không có 1,4 triệu để đóng.
Ngay cả cháu Yến đang học lớp 7, chị Thủy không dám hứa sẽ lo cho con học lên cấp 3. Ngoài lý do ốm đau, có lẽ còn thêm một phần khác nặng hơn là anh chị sẽ không kham nổi tiền học phí, sách vở.
Vì con đau ốm bệnh tật, chị Thủy không còn cách nào khác ngoài việc nghỉ làm ruộng ở nhà chăm con. Gánh nặng lại đè lên đôi vai của anh Nguyễn Văn Chung. Nếu con cái bình thường, anh sẽ ở nhà chăm lo việc đồng áng, nhưng giờ này, anh Chung phải lên Hà Nội làm nghề bốc sắt xây dựng. Công việc nặng nhọc vất vả là vậy nhưng mỗi tháng anh chỉ kiếm được hơn 3 triệu đồng để gửi về cho vợ con trang trải.
“Khi nào con lên viện khám là gia đình lại thiếu ăn vì phải dồn tiền cho con mua thuốc”, anh Chung chua xót. Gương mặt người đàn ông tuổi 40 toát lên vẻ thâm trầm. Anh Chung biết, ngoài nhiệm vụ nuôi sống vợ con, anh còn là chỗ dựa, là động lực vững chắc để chị Thủy vững bước những ngày tháng còn mờ mịt trong tương lai.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Cao Thị Thủy: Đội 1, thôn Văn Lâm, xã Liêm Tiết, TP. Phủ Lý, Hà Nam Điện thoại: 0163.648.1393 |