Cặp vợ chồng "đũa lệch" nghèo nhất nhì Hà Giang: 4 người ngủ chung một giường, tài sản quý giá nhất là con bò và cái nồi

NGỌC HÀ - Ngày 24/07/2023 12:00 PM (GMT+7)

Cuộc sống khốn khó là vậy song Mái vẫn động viên ông xã cố gắng làm lụng, tích cóp chút tiền mua mảnh đất rồi dựng túp lều ra ở riêng.

Ghé thị trấn Mèo Vạc (Hà Giang) hỏi thăm cặp đôi “đũa lệch” chồng 37 – vợ 24 ai cũng hay biết bởi hoàn cảnh của họ vô cùng đáng thương. “Người chồng dù chưa 40 tuổi nhưng yếu và gầy gò lắm! Họ cưới nhau từ lâu nhưng cái nhà cũng chưa có, phải ở chung cùng người em trai ngoài 30 tuổi.

Tôi nghe nói tài sản quý giá nhất của cặp đôi là con bò và cái nồi. Họ cũng tính xây dựng nhà để ở nhưng đất còn không có thì làm sao làm được. Thương lắm!”, anh A Sùng (30 tuổi) – một người cùng bản cho biết.

Trong khi đó, người hàng xóm sống sát nhà của cặp vợ chồng “đũa lệch” khi nhắc đến gia đình này đã cảm thán: “Họ nghèo! Nghèo từ đời trước đến đời sau, không biết mấy đứa nhỏ sau này có thoát khỏi cảnh nghèo đói hay không?

Cả hai có 4 đứa con, chết một và gửi một sang bên ngoại. Họ chỉ nuôi 2 đứa nhưng cuộc sống chật vật, ngô cũng không có mà ăn. Chúng tôi cũng thương lắm nhưng làm gì có tiền mà cho chứ, thi thoảng đỡ đần được bữa ăn là may mắn lắm rồi. Giờ tôi chỉ hy vọng có ai đó hãy giúp đỡ họ thoát khỏi cảnh bần cùng này”.

Nói rồi, hai người chỉ tay về phía ngôi nhà mà cặp vợ chồng đang ở nhờ. Căn nhà được chắp vá bằng những thanh nứa nhỏ, cũ và đã mục. Bên trong chẳng có thứ gì đáng giá ngoài 2 chiếc giường nhỏ và một ít nồi niêu xoong chảo, bát đũa…

Mái nhìn về hướng chuồng bò - nơi có tài sản quý giá nhất của hai vợ chồng.

Mái nhìn về hướng chuồng bò - nơi có tài sản quý giá nhất của hai vợ chồng.

Thấy người lạ ghé tới, người vợ mời vào nhà và giới thiệu: “Em tên Mái, năm nay 24 tuổi. Còn ông xã tên Tủa, hơn em tận 13 tuổi. Với mọi người, chừng đó tuổi chẳng đáng là bao nhưng người đồng bào chúng em thì xa cách lắm, hơn cả một thế hệ.

Vợ chồng em có 4 đứa con mà chết 1, còn 3 đứa trạc tuổi nhau. Chúng em biết mình nghèo nhưng chẳng “phanh” được chuyện đẻ đái. Chắc giờ em phải kế hoạch, chứ không đẻ nữa chẳng biết lấy gì mà nuôi”.

Mái vốn là người dân tộc H’mông, sinh ra trong gia đình đông anh em, không được học hành tử tế nhưng vẫn biết một chút tiếng Kinh. Năm 17 tuổi, cô nàng phải lòng người đàn ông vừa tròn tuổi băm. Cả hai nên duyên vợ chồng trước sự chúc phúc của đàng vợ và bà con trong bản.

Anh Tủa trầm buồn khi nghĩ đến hoàn cảnh của bản thân.

Anh Tủa trầm buồn khi nghĩ đến hoàn cảnh của bản thân.

“Anh Tủa mồ côi cha từ nhỏ, mẹ lại đi lấy chồng khác. Anh làm lụng đủ nghề nuôi em trai và dựng xây căn nhà này. Anh bảo sẽ dành ngôi nhà cho em trai, còn mình xí cái chuồng bò đằng sau nhà.

Anh lấy em về, không có chỗ ở nên phải nương nhờ vào nhà của em trai. Vì thế, trong nhà mới có 2 cái giường: một của em trai, một của gia đình em”, người đàn bà 24 tuổi thành thật.

“Có nghĩa, gia đình 4 người nằm ngủ trên chiếc giường chưa đầy 1m2?”, khi được hỏi Mái cười bẽn lẽn: “Vâng. Hai vợ chồng em và 2 thằng nhỏ nằm ngủ ở đây. Còn em chồng sẽ nằm ở chiếc giường nhỏ kia. Giường đặt sát nhau nên sinh hoạt cũng bất tiện lắm, nhưng chẳng biết phải làm sao cả vì chật chội, đặt đâu được chứ”.

Nhắc đến chuyện trước khi cưới có biết nhà chồng nghèo như vậy hay không, người phụ nữ dân tộc H’mông cho biết anh Tủa có nói qua về điều kiện kinh tế. Song chị không ngờ thực tế lại “tàn khốc” như vậy.

“Tôi có nói với cô ấy là mình mồ côi cha mẹ, nhà không có gì đáng giá cả. Cô ấy vẫn chấp nhận cưới tôi làm chồng và khi về sống mới bất ngờ. Tôi có nói hãy suy nghĩ kỹ xem có tiếp tục đi tiếp hay không? Cô ấy bảo mãi kề vai sát cánh bên tôi, cùng nhau làm giàu để thoát khỏi cảnh nghèo đói. Vậy mà 7 năm qua, chúng tôi vẫn nghèo như vậy. Tôi thấy mình thật vô dụng, làm chồng làm cha mà không thể cho vợ con cuộc sống đủ đầy”, anh Tủa bộc bạch.

Chồng vừa dứt lời thì Mái cho biết: “Em từng có ý định bỏ chồng đó! Một phần vì gia cảnh nghèo, phần vì xích mích trong cuộc sống. Em đã nghĩ rất nhiều về cuộc hôn nhân và quyết định ở lại cùng anh đi tiếp. Em thương anh nên không muốn rời bỏ”.

Hiện tại vợ chồng Mái ngoài trồng bắp, nuôi bò có đi làm mướn cho người ta. Tuy nhiên công việc không ổn định, lúc có lúc không nên cuộc sống vốn khốn khó càng cùng cực hơn. “Anh Tủa không khoẻ mạnh nên làm thuê cũng túc tắc thôi. Còn em ở nhà nuôi bò, trông vài miếng bắp lấy cái ăn hằng ngày. Nhưng năm nay mất mùa, giờ ngô trong nhà cũng hết sạch cả rồi.

Em phải qua ngoại vay tiền mua gạo về nấu cháo cho đám nhỏ ăn qua ngày. Em trăn trở về tương lai lắm, nhà không có, tài sản chỉ có mỗi con bò và cái nồi. Còn lại đồ đạc trong nhà là của em chồng, đang dùng nhờ thôi”, Mái tâm sự.

Cuộc sống khốn khó là vậy song Mái vẫn động viên ông xã cố gắng làm lụng, tích cóp chút tiền mua mảnh đất rồi dựng túp lều ra ở riêng. Khi đó họ sẽ có không gian sống riêng tư, cùng nhau nuôi nấng 3 đứa con lớn khôn, cho đi học đàng hoàng để không mù chữ như cha mẹ.

Căn biệt thự cổ nổi tiếng Bình Thuận với con số 1449 bí ẩn được đắp ngay chính giữa mặt tiền tầng 2
Mặc dù có nhiều người con cháu của bà Ba lên tiếng lý giải về con số 1449 song không ai khẳng định chắc chắn, chỉ cho rằng đó là thông tin nghe được từ thế hệ trước.

Tin tức 24h

Theo NGỌC HÀ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện tình đũa lệch