Nhìn lại 2 năm qua, chị Linh cho biết cuộc sống của hai mẹ con có nhiều đổi thay. Chị đã có một công việc ổn định tại cửa hàng sữa, bé Đạt được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác.
Gần 2 năm trước, bức hình cậu bé lượm ve chai hồn nhiên xếp dép cho các bạn dã ngoại ở nhà thờ Đức Bà (quận 1, TP.HCM) đã khiến bao người xúc động và khâm phục một đứa trẻ nghèo nhưng ý thức rất tốt.
Khoảnh khắc đẹp ấy lan tỏa trên mạng xã hội, hai mẹ con cậu bé được chính tác giả bức ảnh cưu mang rất nhiều. Người mẹ đơn thân mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai được nhận vào làm tại một công ty sữa, còn cậu bé đã đến trường học như bao đứa trẻ khác. Đặc biệt họ có một nơi tránh nắng trú mưa, không phải lang thang đường phố như trước...
Bức hình cậu bé lượm ve chai hồn nhiên xếp dép cho các bạn dã ngoại ở nhà thờ Đức Bà.
Bẵng đi một thời gian, tôi gặp lại hai mẹ con cậu bé xếp dép vào một ngày cận Tết Nguyên đán 2019 tại cổng Bưu điện TP.HCM. Chị Phương Linh (28 tuổi, Quảng Ngãi) không còn gầy gò, đen nhẻm mà khỏe khoắn, tươi vui rạng rỡ. Bé Thành Đạt (7 tuổi) chững chạc, nhanh nhẹn và thông minh.
Một năm không gặp, cậu bé vẫn nhận ra tôi rồi vui mừng khoe:
- Học kỳ vừa qua, con thi được 9 điểm Toán, 8,5 Tiếng Việt. Mẹ thưởng cho con lên Sài Gòn chơi.
- Hai mẹ con đã chuyển khỏi thành phố? - Tôi quay ra hỏi chị Linh.
Chị từ từ kể cho tôi nghe mọi chuyện và cả những đổi thay của hai mẹ con trong thời gian qua.
"Mẹ con tôi đã có một căn nhà nhỏ ở quê"
Người mẹ đơn thân tâm sự: “Giữa năm 2018, Đạt được một trường tiểu học ở Bình Dương nhận vào học lớp 1 và miễn toàn bộ học phí. Do vậy, tôi đã chuyển phòng trọ và xin công ty cho xuống chi nhánh dưới đó làm để tiện việc học tập của con. Đến giờ, hai mẹ con tôi ở dưới đó được nửa năm, thằng bé cũng đã học được 1 kỳ rồi”.
Nói đoạn, chị Linh ngước mắt lên nhìn cậu con trai đang tung tăng quanh cổng Bưu điện thành phố rồi quát nhẹ: “Đạt, chạy từ từ thôi con, ngã bây giờ”.
Sau đó chị nói: “Lâu rồi hai mẹ con tôi chưa lên Sài Gòn. Hôm nay tôi nghỉ làm ca chiều nên bắt xe buýt đưa Đạt đi chơi xuân, ngắm nhìn cảnh Tết. Nó cứ nhắc hoài chuyện nhớ các cô chú ở nhà thờ (những người bán hàng rong từng quen biết hai mẹ con - PV). Tôi đành động viên nó thi học kỳ điểm tốt mới cho lên”.
Giữa năm 2018, Đạt được một trường tiểu học ở Bình Dương nhận vào học lớp 1 và miễn toàn bộ học phí.
Tết năm nay, chị Linh tiếp tục không đưa con trai về Quảng Ngãi sum vầy với gia đình. Không phải do chị nghèo, không có tiền mua vé xe mà ở quê chẳng còn ai thân thích.
“Tôi là trẻ mồ côi, được bà nhận nuôi từ nhỏ. Hồi bà ở đó, tôi thường xuyên đưa Đạt về chơi. Giờ bà già yếu, các cậu đón ra Hà Nội tiện chăm sóc. Tôi tính chừng mùng 2-3 Tết, hai mẹ con sẽ ra đó thăm bà nhưng không biết thế nào”, chị Phương Linh tâm sự.
Năm 2018, chị Phương Linh đã dành dụm được chút tiền về quê dựng căn nhà nhỏ để sau này hai mẹ con sinh sống. “Tôi đi làm tiết kiệm được vài chục triệu gửi cho bà giữ hộ. Trước khi ra ngoài kia, bà gọi tôi bảo cho hai mẹ con miếng đất rồi khuyên đem rút số tiền kia xây nhà để sau này có chốn về, không phải ở nhờ nhà ai.
Tôi đã nhờ hàng xóm lẫn thợ hồ dựng một căn nhà dù không lớn nhưng vững chãi. Khi nào hoàn thiện, tôi sẽ đưa Đạt về nhận nhà rồi thăm bà con vài bữa.
Tết năm nay, chị Linh tiếp tục không đưa con trai về Quảng Ngãi sum vầy với gia đình.
Thấy chị Linh “khoe” nhà mới ngoài quê, vài người bán hàng rong liền lại gần chúc mừng, động viên chị cố gắng nuôi dạy con nên người…
Thành Đạt – cậu bé 7 tuổi tự lập, là chỗ dựa vững chắc cho người mẹ đơn thân
Hiện tại, Đạt đã bước sang kỳ học thứ 2 năm lớp 1. Chị Linh cho hay, ở trường cậu bé được thầy cô giáo bảo ban nhiều điều, từ kiến thức học tập cho đến cách làm người. “Tôi ít chữ không thể dạy dỗ, kèm cặp thằng bé đến nơi đến chốn. Tôi đành nhờ cô giáo chủ nhiệm dạy con và cũng dặn nó có bài vở gì khó hiểu thì lên hỏi cô.
Đạt học toán, làm các phép tính rất nhanh nhưng tiếng Việt yếu. Nó chưa thể đọc rõ các bài tập đọc. Tôi tính nhờ cô giáo kèm thêm nhưng người ta bảo cứ để học trên lớp, dần dần sẽ cứng cáp. Tôi cũng hy vọng con tiến bộ trong năm học tới”, chị Linh trải lòng.
Hiện tại, Đạt đã bước sang kỳ học thứ 2 năm lớp 1.
Hằng ngày, chị Linh đến cửa hàng sữa từ sáng sớm, Đạt dậy sau, tự giác đánh răng rửa mặt rồi ăn sáng. Sau đó, cậu bé đi bộ đến trường học và ăn trưa ở lớp cùng các bạn.
Những buổi Đạt học ca sáng, chị Phương Linh sẽ chuẩn bị sẵn thức ăn. Tan trường, cậu sẽ về nhà nấu bữa trưa cho chính mình. Thậm chí có ngày mẹ làm ca đêm, cậu cũng tự ăn tự ngủ một mình.
Theo mẹ bé Đạt, trước kia chị quen một người phụ nữ đồng cảnh ngộ đã rủ về sống cùng. Tuy nhiên chị đã phải mời họ ra khỏi nhà vì nhiều lần phát hiện mất tiền. “Hai mẹ con tôi có được cuộc sống sung túc như hôm nay đều nhờ sự cưu mang của mọi người.
Những buổi Đạt học ca sáng, chị Phương Linh sẽ chuẩn bị sẵn thức ăn. Tan trường, cậu sẽ về nhà nấu bữa trưa cho chính mình.
Vì thế, tôi cũng muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Ngờ đâu, họ vào nhà tôi ở lại lấy cắp tiền nhiều lần. Tôi biết đuổi họ đi rất tội nhưng không thể để thằng bé bị ảnh hưởng. Tôi sợ Đạt sẽ học tính xấu của họ”, chị Linh buồn bã.
Nhìn lại 2 năm qua, chị Linh cho biết cuộc sống của hai mẹ con có nhiều đổi thay, nhất là lần đầu tiên ra Hà Nội tham gia 1 chương trình truyền hình. “Đạt được đi máy bay thích lắm! Thực sự, giờ nhìn lại quãng thời gian qua, tôi cứ ngỡ như một giấc mơ. Tôi không ngờ mình lại có một công việc ổn định, con được đến lớp”, chị tâm sự.
Nhìn lại 2 năm qua, chị Linh cho biết cuộc sống của hai mẹ con có nhiều đổi thay.
Đương lúc chị Linh nói chuyện với tôi, Đạt bỗng nhiên nhắc đến… bố. Chị liền hướng ánh mắt buồn về phía cậu con trai nhỏ. “Nó thường hay kể với tôi chuyện các bạn có bố đến trường đón rồi hỏi tôi sao bố không ở cùng mẹ con mình? Vì sao bố chưa bao giờ đến chơi với con?...
Tôi quặn thắt lòng nhưng vẫn gắng trả lời bố đi làm xa kiếm tiền mua siêu nhân, ô tô cho Đạt. Tôi cũng không hiểu sao người ta có thể đoạn tuyệt như vậy. Họ chưa từng 1 lần gọi điện cho tôi hỏi thăm thằng bé sống thế nào, đã lớn hay chưa? Âu cũng là số phận. Tôi sẽ cố làm lụng nuôi thằng bé trở thành một người có ích”, chị thở dài.
Càng lớn, Thành Đạt càng chững chạc, thông minh và ra dáng "đàn ông" - chỗ dựa vững chắc cho mẹ.
Kết thúc cuộc trò chuyện với hai mẹ con bé Đạt cũng là lúc tiếng chuông trong Bưu điện thành phố điểm 18h, đường phố bắt đầu lên đèn. Chị Linh vội thu dọn đồ đạc để kịp ra bắt xe buýt về Bình Dương.
Hình ảnh của hai mẹ con chị cứ dần dần hòa lẫn với tiếng nhạc Xuân, tiếng còi xe hối hả của dòng người về nhà sum vầy với gia đình. Dù chị và cậu con trai nhỏ đón năm mới nơi xứ người nhưng sau cùng đã có một cái Tết trọn vẹn với bao điều mới!